Có một hành tinh không chịu yên ngủ trong sự hào nhoáng của thiên nhiên- hành tinh Trái Đất- một quả cầu tròn- nơi mà nhân loại đã tự mình dấn thân để làm nên những công trình, kiệt tác hoa lệ, kì vĩ. Nào vườn treo Babylon tuyệt mĩ- một công trình do Nebuchadrezzar II xây dựng để làm nguôi nỗi nhớ quê hương của người vợ, nào ngọn hải đăng Alexandria- chiếc đèn hiệu cho những con tàu giữa vùng biển tối, còn là khu di tích Chichen Itza- tác phẩm của nền văn minh Maya, được sinh ra từ bàn tay của bộ tộc Itzáes thế kỷ IX, nào Kim Tự Tháp Ai Cập, đấu trường La Mã, tượng thần Zeus…và biết bao nhiêu sự hùng vĩ, lớn lao đã tráng lên thi ca, nhạc họa một lớp men trữ tình, thơ mộng.

…. Tôi chưa đi và chưa được biết, một bức hình quá đỗi nhỏ bé để nói lên hết cái hùng tráng của một khoảng trời xa thẳm nào đó. Nhưng em ơi, có một nơi mà tôi tin chắc là sự diệu vợi đã vượt ra khỏi vũ trụ xa xôi để sống thầm lặng cuộc đời của một kiệt tác bất hủ xuyên vượt thời gian, không gian và nằm ngoài cả sự nhào nặn của hoá công, đất trời. Đó chính là trái tim của mẹ!

Có mẹ, khoảnh khắc vĩ đại nhất trong cuộc đời mộc mạc của ta không phải lúc ta cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, không phải lúc ta biến mình thành một người thành đạt, không phải lúc ta về nhà và nắm chặt tay một nửa mai sau của mình mà là khoảnh khắc ta được nếm vị ngọt của giọt sữa đầu tiên trong vòng tay mẹ.

Mẹ- người đàn bà vĩ đại cho ta phút giây vĩ đại nhất, phút giây mà dù ta không có đủ nhận thức để nhớ ghi nhưng là phút giây mà đến sau này ta hiểu. Rằng đó là lúc ta sống lần đầu, ta được chào đón trong những yêu thương và ấm áp, ta được cười, được khóc được chập chững đi, chập chững lớn và rồi ta hồn nhiên có một nơi đi về, một chốn chở che, nơi ta yêu và yêu ta chẳng thiết điều kiện, nơi khởi đi trong ta tình yêu và bao lẽ sống nhân văn nhất, nơi ta được yếu đuối để thấy mình vẫn như một con thuyền đói gió lạc đường tìm về với tổ ấm bằng ngọn hải đăng trên mái nhà nhỏ, nơi thắp lên trong ta không chỉ cái chân chất chả tuổi bé mà còn là nhiệt huyết tràn sung của tuổi trẻ, nơi dạy ta bài học vỡ lòng về một cánh thiên di bay vào trời rộng, về nhành xương rồng bám cát bỏng cháy vươn lên… Có mẹ, có mái ấm, ta không cô độc dù thế giới quay lưng, dù đời ném ta vào một ốc đảo hoang vu và tăm tối. Bởi rằng người phụ nữ có một không hai trên đời ấy nguyện làm một người đốt đèn thầm lặng cho ta một dấu mốc tìm về.

Lắng đọng trước những bài thơ vĩnh biệt người thân đầy xúc động

Có mẹ, âm thanh tuyệt vời nhất mà ta từng nghe không phải một bản hoà tấu sơn ca, rừng núi, không phải Sonata Ánh trăng, khúc Giao hưởng Sinh mệnh (Beethoven) hay 12 Biến thể “À, con sẽ nói với mẹ” (Mozart),… mà chỉ đơn sơ là tiếng hát của mẹ. Tiếng hát không hay, tiếng hát lạc nhịp, tiếng hát mà đôi lần người hát quên lời… Nhưng lạ kì thay, tiếng hát vừa trọn ấm áp để ủ cho con thế giới nhiệm màu của một đời sống tinh thần đang dần lớn lên trong một trái tim nhỏ. Tâm hồn nhỏ bé của ta mong manh và trong sáng, một mảnh vườn đầy nắng và dần đầy hương sắc. Ta chẳng cần gì một tiếng hát đâu xa bất tử giữa thời cuộc, bởi trong ta đã sẵn có tự thuở hàm răng hai chiếc một tiếng hát và âm điệu diệu kì đã tự bay lên một đỉnh cao sáng nhất trong ta và án ngữ đóng đô ở đấy. Tiếng hát huy hoàng mà ta là kẻ độc quyền được tự thức thưởng bằng những hoài niệm và ghi nhớ.

Có mẹ, bức tranh đắt giá nhất ta từng xem không treo mình trong những phòng triển lãm, có mẹ, bức tranh vô giá nhất ta đã thấy là bức tranh đầu tiên mẹ dạy con vẽ. Bức tranh không vẽ bằng màu nước mực đắt đỏ, thứ giấy xịn xò và được đề cao bởi những người chuyên môn tinh tế. Nhưng tự chính bản thân ta dành cho nó một sự đánh giá muôn miên đến mức chẳng kiệt tác nào sánh cùng. Bức tranh trên nền A4 mong manh, với thứ bút chì hai đầu vót nhọn, với hộp sáp màu tô không kín nét. Bức tranh có ba con người, một nam một nữ, một đứa trẻ thơ. Bức tranh về gia đình của chính chúng ta, về mái ấm, về nguồn cội linh thiêng của con người.

Có mẹ, bài học lớn lao nhất ta học được khi bước vào đời không phải là đau đớn bao nhiêu mà là yêu thương nhường nào. Mẹ dạy ta đừng khóc vì một vết thương mà dạy ta hiểu rằng phải biết khóc cho những cuộc đời khác còn bi thương hơn cả vết tích nhỏ nhoi trên đôi chân mình. Mẹ không bắt ta thuộc lòng khái niệm lý tưởng về cho hay nhận, về yêu và ghét, nhưng mẹ bắt ta phải dùng trí óc mình để nhận diện đâu là cái xấu, đâu là cái tốt, mẹ dạy ta yêu người còn phải yêu chính mình, đừng khiến mình tổn thương vì khiên giáo của thiên hạ, nhưng cũng đừng tự làm nội thương chính mình bằng nỗi bi quan, hay những phút giây niềm tin tuyệt chủng. Ta không đong đo mức sống và hạnh phúc bằng những gì hiện hữu, những cái nhận về vì nhờ có mẹ ta biết rằng người giàu nhất thế gian là người yêu thương và cho đi nhiều nhất.

Cũng như thế, vượt thoát đi mọi phạm trù định nghĩa về lẽ xấu đẹp, nơi có mẹ, nơi có tổ ấm là nơi mà mọi lý thuyết nằm ngoài sân nhà, trước ngõ, bởi chính mỗi người tự định nghĩa và dát lên nhau những gì chân thật và đáng quý nhất.

Ta mai ra đời, trước khi dấn thân làm một người nghệ sĩ danh giá, một tỷ phú sang giàu, một doanh nhân thành phát thì trước nhất ta đều là một đứa trẻ sơ sinh, đều đi ra từ một mái nhà. Trước khi là con của cộng đồng, tổ quốc, ta là con của căn nhà nhỏ bé ấy, của những con người cũng nhỏ bé ấy. Ta không thể cho phép mình đem cuộc đời mình ném cho một sự công danh, thành tựu cống hiến nào mà quên đi mất sự cống hiên nhỏ nhoi đầu tiên là cho những người đã sinh ra mình, cho mái ấm đã di dưỡng hình hài bản lĩnh và tâm hồn mình. Phút giây ta hoá bướm bay đi, chẳng có ai được phép quên đi tháng năm mình là một thứ nhộng sâu và ấu trùng được ủ ấm và vẫy gọi chào đời. Uống nước thì nhớ nguồn, nhưng từ ngọn nguồn nhỏ bé nhất đến ngọn nguổn lớn lao hơn, người ta chỉ đi được từ bé đến to, chẳng ai đuợc từ hư vô thành vĩ đại nếu không phải là con đường tắt ngắn ngủi hạn dùng. Hơn cả, hãy trọn sống sao để tự trong tim ta vẫn luôn biết rằng mình có một nơi để trở về và những con người vẫn đợi ta về.