Ở phía tây huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình có một làng quê yên tĩnh bên sông Hồng – không chỉ “mùa thu hương cốm bay”, mà suốt cả bốn mùa – khi nào cũng thơm mùi thơm của cốm. Làng ấy là làng Thanh Hương – một làng cốm lâu đời của quê hương lúa.

Từ đời xửa đời xưa, ở nơi đây, từ trẻ tới già, từ nam tới nữ, từ sớm tới chiều, từ ngày này sang tháng khác – người người làm cốm, nhà nhà làm cốm. Hình như trời sinh ra Thanh Hương để làng này làm cốm thì phải. Lá sen xanh mươn mướt, hạt cốm xanh lưu ly, sợi rơm cây lúa xanh rờn đã bao nhiêu đời gắn bó với người Thanh Hương…

Từ ngày xửa ngày xưa, người Thanh Hương đã chọn những thửa ruộng tốt nhất, phải một nắng hai sương cuốc cuốc cày cày, bừa cấy, tát nước, thả bèo, làm cỏ, bón chăm, phải quanh năm đầu tắt mặt tối để có được những mùa nếp cái hoa vàng nặng hạt, trĩu bông. Khi lúa chín, người Thanh Hương gặt về không được vò, không được đập, không được trục đá mà phải dùng đũa để tuốt. Các bà, các mẹ, các chị, các em (có khi cả các ông, các bác, các anh nữa), cứ mỗi người một đôi đũa, tất cả xúm vào tuốt thóc. Sau khi tuốt, người Thanh Hương được thóc và rơm. Rơm nếp để các bà, các mẹ, các chị bện thành những cái chổi rơm vàng. Còn thóc nếp để rang làm cốm.

Cốm Thanh Hương Thái Bình, Món ngon Cốm Thanh Hương, Đặc sản Cốm Thanh Hương,  com thanh huong

Thóc nếp đã tuốt phải được ngâm nước hai mươi bốn giờ, sau đó người ta vớt hết những hạt lép (Hạt lép nổi trên mặt nước). Còn những hạt thóc già ta đổ ra thúng, để ráo rồi đem rang. Người rang thóc phải là người có kinh nghiệm bởi vì công đoạn rang thóc quyêt định rất nhiều đến chất lượng của cốm. Nồi rang thóc phải là nồi gang dày, củi đun phải chọn thứ củi cháy âm ỉ, cháy không to không nhỏ, có như vậy hạt cốm mới có vị ngọt tự nhiên, ngọt như sữa mẹ. Thóc rang phải vừa lửa, còn đang nóng phải đổ vào cối giã ngay. Giã cốm là một công đoạn tinh vi đặc biệt. Chày giã không nặng quá cũng không nhẹ quá. Giã phải đều chân. Không được giã quá chậm vì giã quá chậm, thóc sẽ nguội, cốm sẽ vỡ. Người giã cốm phải giã sao cho cốm dẹp mà lại không bị vón.

Người giã cốm đã khéo. Nhưng người đảo cốm trong cối còn phải khéo hơn. Phải đảo từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đảo xoáy vòng tròn cho đều, không bị lỏi. Cốm giã xong được sàng sảy sạch trấu, bụi. Đó là cốm mộc. Người làm cốm còn phải hồ cốm. Người làm cốm lấy lá mạ, lá gừng giã ra hòa với nước thành một thứ phẩm màu xanh lá cây trộn vào với cốm mộc và đường trắng. Thế là ta đã có được cốm Thanh Hương xanh màu lưu ly rất đẹp.

Bà con Thanh Hương bảo rằng cứ một tạ thóc nếp cái hoa vàng loại tốt thì làm được sáu mươi cân cốm. Một cối ở Thanh Hương một ngày sản xuất được sáu mươi cân cốm. Làng Thanh Hương có trên một trăm hộ gia đình với trên một nghìn lao động làm cốm. Nhà ít nhất có một cối, nhà nhiều nhất có đến năm cối. Như vậy tính sơ sơ , cứ một ngày qua đi, làng cốm Thanh Hương đã cung cấp cho Thái Bình, cho Thủ đô và cho đất nước này mấy mươi tấn cốm.

Trong lễ vật của những đám dạm ngõ, cưới hỏi nối duyên chồng vợ ở các làng quê và cả phố thị ở Thái Bình và ở các miền quê khác trên đất nước chúng ta – thiếu gì thì thiếu, nhưng tôi tin rằng không thể thiếu bánh cốm Thanh Hương – món quà từ hạt gạo quê – món quà của hương đất hương đồng – món quà của tấm lòng người quê lúa