Bạn đã từng nghe 1 cụm từ có tên gọi là “củ hành tự nhận thức” chưa? Cụm từ này nghe có vẻ khá là lạ lẫm và vui nhộn. Cụm từ ấy nằm trong cuốn sách “ Nghệ thuật của việc đếch quan tâm” của Mark Manson.

Mark Manson sinh năm 1984 tại Texas, Hoa Kỳ. Anh tốt nghiệp Đại học Boston năm 2007 – 1 năm trước thời kỳ khủng hoảng tài chính nghiêm trọng bùng nổ tại Hoa Kỳ. Không xin được việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một trong những lý do chính cho hành trình vi vu vòng quanh thế giới và trở thành nhà văn nổi tiếng của Manson.

Hiện tại, Manson được biết đến với vai trò là một blogger nổi tiếng và một nhà văn ăn khách trên New York Times.
Tại sao Mark lại ví quá trình tự nhận thức là “củ hành”? Theo góc nhìn của tôi, muốn khám phá được bản thân, đi sâu vào quá trình nhận thức chính mình thì phải đánh đổi cả máu, mồ hôi lẫn nước mắt. Cũng tương tự như việc bóc tách từng lớp vỏ hành. Bạn càng bóc tách, bạn càng “khóc” dữ dội vào những thời điểm khác nhau.

Quay trở lại với Mark Manson, lớp vỏ đầu tiên là sự hiểu biết đơn giản về cảm xúc của một con người. Bạn có thể nghĩ rằng: Cảm xúc vui vẻ hẳn phải tốt hơn buồn bã, bởi có ai muốn buồn bao giờ? Tuy nhiên, cảm xúc là một phạm trù trung tính và ta không thể gọi một cảm xúc là tốt hay xấu.

Chúng ta đều có những “điểm mù” trong cảm xúc. Thường là với những cảm xúc mà ta từng được dạy rằng việc bộc lộ chúng ra là không đúng. Sẽ phải mất hàng năm trời luyện tập và nỗ lực mới có thể xác định được những “điểm mù” ấy trong chúng ta và rồi bộc lộ những cảm xúc này ra một cách thích đáng. Nhưng nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng và xứng đáng với nỗ lực của chúng ta.
Lớp vỏ thứ hai là tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy trong những cảm xúc cụ thể. Những câu hỏi tại sao này rất khó và cần đến hàng tháng hay thậm chí nhiều năm mới có thể tìm ra câu trả lời phù hợp, chính xác. Hầu như mọi người đều cần phải tới những nơi kiểu như trị liệu tâm lý mới được nghe đến câu hỏi này lần đầu tiên trong đời. Những câu hỏi kiểu ấy rất quan trọng, bởi vì chúng làm sáng tỏ những gì mà chúng ta xem là thành công hay thất bại.

Tại sao bạn lại thấy tức giận? Liệu đó có phải là vì bạn thất bại trong việc đạt mục tiêu nào đó không? Tại sao bạn cảm thấy buồn chán và tẻ ngắt? Liệu đó có phải vì bạn cảm thấy mình chưa đủ tốt? Việc đặt câu hỏi này sẽ giúp cho ta hiểu được gốc rễ của những cảm xúc đang chôn vùi ta. Một khi ta đã hiểu vấn đề, chúng ta sẽ biết làm gì để thay đổi nó.

Lớp vỏ cuối cùng và sâu nhất của quá trình này là những giá trị của bản thân ta. Tại sao tôi lại xem đây là thành công hay thất bại. Làm thế nào để tôi lựa chọn được cách đánh giá bản thân mình? Tôi đánh giá chính mình và những người xung quanh dựa trên tiêu chí nào?

Ở cấp độ này, luôn cần phải đặt ra câu hỏi và không ngừng nỗ lực, rất rất khó để đạt đến. Nhưng nó lại là phần quan trọng nhất, bởi vì giá trị đích thực của ta quyết đinh nguồn gốc các vấn đề mà ta gặp phải, những vấn đề này quyết định chất lượng sống của ta.
Các giá trị ấy nằm sau mọi điều ta làm hay việc ta là ai. Nếu như những gì ta coi trọng không được ủng hộ, nếu như những gì ta xem là thành công hay thất bại là 1 sự lựa chọn tồi, vậy thì tất cả những điều dựa trên mấy cái giá trị này – những suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận thường ngày – đều là vô nghĩa. Mọi điều mà ta nghĩ và cả nhận về một tình huống đều liên quan tới việc ta đánh giá nó như thế nào.

Mọi người thường hoảng sợ trước việc trả lời một cách chính đáng câu hỏi tại sao này, điều đó ngăn cản họ trước việc tiến tới sự nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị của chính mình. Đúng là, họ có thể nói rằng họ đánh giá cao sự thành thật và một người bạn chân thành nhưng rồi họ quay mặt đi và nói xấu sau lưng bạn, để khiến họ cảm thấy mình tốt đẹp hơn. Người ta có thể cảm thấy cô đơn nhưng khi được hỏi tại sao thì ho lại đưa ra lời giải thích có khuynh hướng mang tính đỗ lỗi cho người khác – mọi người thật xấu tính hay không có ai đủ thông minh để hiểu họ. Do đó, họ càng rời xa vấn đề hơn thay vì tìm kiếm môt giải pháp cho nó.

Với nhiều người, điều này đã vượt qua cả khái niệm tự nhận thức bản thân. Tuy nhiên, nếu như có thể đào sâu hơn và nhìn vào những giá trị ẩn sâu bên trong bản thân mình, họ sẽ thấy được rằng những phân tích ban đầu của mình dựa trên việc trốn tránh trách nhiệm khỏi những vấn đề của chính họ thay vì xác định đích xác vấn đề ấy. Họ sẽ thấy được rằng những quyết định họ đưa ra bột phát, thường không mang lại hạnh phúc thực sự.

Hầu như các bậc thầy về tự hoàn thiện bản thân cũng đều bỏ qua cấp sâu hơn của việc tự nhận thức này. Họ dang rộng vòng tay đón chào những người đang đau khổ bởi vì cái ước muốn trở nên thật giàu có, và rồi các bậc thầy đưa ra mọi thể loại lời khuyên về việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, trong khi hoàn toàn bỏ qua những câu hỏi quan trọng dựa trên giá trị thực: Tại sao họ lại cảm thấy cần phải giàu có trước hết? Họ lựa chọn tiêu chí nào để đánh giá sự thành công/ thất bại của mình? Chẳng lẽ không phải vì một chân giá trị cụ thể nào đó mới dẫn tới cảm giác không hạnh phúc ấy, chứ không liên quan gì đến việc co tới giờ họ vẫn chưa tậu được xe hơi hay sao?

Rất nhiều những lời khuyên trôi nổi ngoài kia đều được đưa ra dựa trên cấp độ nông cạn của việc chỉ đơn giản khiến mọi người cảm thấy tốt đẹp hơn trong 1 thời gian ngắn, trong khi những vấn đề dài hạn đều bị bỏ qua. Nhận thức và cảm giác của con người có thể thay đổi,nhưng những giá trị sâu xa và thước đo tạo nên những giá trị ấy thì bất biến. Do đó, đấy không phải sự tiến bộ thực sự. Chỉ là một cách khác để kiếm được thêm nhiều hơn những cơn hưng phấn mà thôi.

Thay lời kết, việc thành thật tự vấn là khó khăn. Nó đòi hỏi bạn phải tự hỏi những câu đơn giản thật chẳng dễ chịu gì khi trả lời Nhưng thực tế, những câu trả lời không mấy dễ chịu thì thường đúng với sự thật.