Tiếng đài phát thanh ngoài ngõ vừa bật khiến tôi tỉnh giấc, trong cái trạng thái lơ mơ như vừa bước đến một thế giới mới, tôi cứ nằm và chăm chú nhìn lên trần nhà, nhớ lại giấc mơ đẹp như câu chuyện cổ tích mà mình là nhân vật chính rồi tự cười.

Qua đài phát thanh, người biên tập nào đó lại khéo chọn ca khúc Quê hương với giọng hát dễ gây thương nhớ của ca sĩ Trọng Tấn để mở đầu chương trình. Với những người hay phải xa quê và rồi trở về, ca khúc ấy trong bối cảnh này thật là gợi hồn và có ý nghĩa không nhỏ. Từ các khe cửa, những tia sáng yếu ớt chiếu vào phòng đủ để chứng minh rằng trời chưa sáng hẳn và mỗi đứa trẻ như tôi đều xứng đáng được ngủ thêm chút nữa. Mọi thứ cứ đẹp tuyệt như những vệt kí ức ngày xưa vậy. Thế nhưng đời nào có như mơ.

Mẹ từ đâu bước vào, sau một tiếng tách, ánh đèn rọi thẳng vào mặt tôi với độ phũ phàng không thể lớn hơn. Mẹ bảo: “Con gái lớn rồi mà chả giúp được gì cả. Sáng ra, con người ra dậy sớm lo cơm nước cho cả nhà, đây thì bảnh mắt vẫn chưa chịu dậy, đi nấu cho nó ăn rồi còn phải vào mời nữa à?”

Mẹ và mùa Vu Lan - Nhà Búp

Hỡi ôi cái định nghĩa về con nhà người ta! Bao năm rồi, ngay cả khi chúng tôi đã lần lượt trở thành sinh viên đại học, mẹ vẫn chẳng thể nhẹ nhàng và ít mắng chúng tôi hơn được.

Lúc nào cũng vậy, trừ ngày đầu tiên của mỗi kì nghỉ ra thì mẹ rất hay mắng tôi, liên tục chê bai tôi với hàng xóm và chẳng mấy khi yêu thương những đứa con của mẹ bằng sự dịu dàng.

Mẹ tôi gầy, dáng người nhỏ nhắn và nhìn những bức ảnh của mẹ trên ngoại thì tôi biết rằng từ ngày lấy chồng, mẹ đã làm mất đi quá nửa vẻ duyên dáng vốn có thời thiếu nữ.

Mẹ hay kể mẹ phải bỏ học sớm vì nhà nhiều anh chị em nhưng hồi đó mẹ toàn là học sinh giỏi nhất nhì của lớp. Mẹ có nhiều người hỏi cưới lắm nhưng lại chọn ba vì hồi ấy ba “xinh trai” hơn các ứng viên còn lại. Nhưng có số cả, nhà bà nội thì nghèo, ba cũng chẳng chịu khó làm ăn, cứ mải sống trong quá khứ. Và có lẽ, sống đến gần nửa đời người, mẹ đã thấm thía và luôn dặn tụi tôi là con gái không được ngu rồi chết vì cái đẹp. Vẻ đẹp bên ngoài là một thứ dùng để lừa đảo nhưng vì một lẽ nào đó mà nó rất thường đạt được mục đích của mình. Tôi hỏi mẹ rằng nếu được chọn lại thì mẹ có chọn ba không thì thấy mẹ lập tức im lặng. Sự im lặng ấy cho tôi biết thừa rằng con người ta vẫn sẽ mê mẩn cái đẹp bề ngoài, bất chấp việc có biết mình ngốc và thiếu tỉnh táo hay không. Và quan trọng hơn là, nếu ngày đó mẹ không lấy ba, cũng không chịu khổ dưới ngôi nhà này suốt bao năm… thì không có chị em tôi của hôm nay.

Cả cái tuổi thơ dài dằng dặc đủ thứ kí ức vui buồn, hay dở, hình ảnh tôi nhớ nhất vẫn là hình ảnh của mẹ vào cái ngày trời âm u và nhiều gió. Ngày đó, tôi còn học ở lớp mẫu giáo ở cuối làng. Bốn ngày không được gặp, ngày thứ năm, mẹ xuất hiện với chiếc túi vải đã sờn, màu đỏ sẫm. Mẹ ôm tôi rồi khóc chẳng ngừng. 5 tuổi, tôi chưa biết gì nhưng 20 tuổi thì đã đủ lớn để hiểu được ý nghĩa của những giọt nước mắt kia. Năm ấy, mẹ lên Hà Nội vì muốn kiếm tiền nhưng những nỗi nhớ của mẹ không cho phép mẹ ở đó quá 1 tuần. Đúng là người ta không chỉ khóc khi buồn mà ngay cả khi người ta hạnh phúc, người ta cũng khóc.

Năm tháng trôi đi, dù quần quật với những khoản nợ hay trước những thửa ruộng thường xuyên bị thời tiết làm cho mất mùa thì chưa bao giờ mẹ nghĩ đến việc ép chúng tôi làm gì theo ý mẹ, cũng chưa từng nghĩ sẽ để chúng tôi nghỉ học, sống với mùi bùn đất ruộng hay làm công nhân trong một công ty may gần nhà. Mẹ không muốn chúng tôi phải có một cuộc đời o ép như cuộc đời của mẹ. Mẹ nói hơi nhiều một chút nhưng mẹ chưa từng cáu giận với tôi, cũng chưa từng một lần khóc vì mệt. Đời này, mẹ chỉ khóc vì bất hoà với ba, khóc vì chúng tôi lì lợm và mẹ khóc vào ngày ông bà ngoại mất.

Có những lúc tôi nghĩ sao mẹ cứ mắng chúng tôi nhiều như vậy? Sao mẹ không thức dậy muộn một chút, đi làm muộn một chút và về nhà sớm hơn? Sao Tết này mẹ không mua cho mình một chiếc áo mới? Sao mẹ không thể bớt lo cho những đứa con của mẹ khi chúng đã đủ lớn để tự chăm sóc cho bản thân? Sao mẹ không thể dịu dàng với chúng tôi một chút và dịu dàng với cuộc đời mình nhiều chút?

Lúc nào cũng thế, mẹ luôn thích làm siêu nhân hơn cả những đứa trẻ. Tôi đã bắt gặp những khoảnh khắc hạnh phúc khi viết những dòng này. Tôi tưởng tượng ra cái cảnh phải về nhà, phân tích niềm hạnh phúc ấy với mẹ nhưng rồi lại tự cười và nguỵ biện rằng “Những tình cảm tuyệt vời nhất sẽ trở nên nhạt nhẽo khi diễn đạt thành lời.”

_Alla_