Ở Hà Nội, những vườn đào ngày tết đã ra hoa. Hoa tưng bừng thắm đỏ, hoa duyên dáng tươi hồng. Đủ thế, đủ dáng, từng gốc đào kiêu kì đón người đến ngắm. Đào theo chân người ra khắp nẻo đường phố.
Ở Hà Nội, những vườn đào ngày tết đã ra hoa. Hoa tưng bừng thắm đỏ, hoa duyên dáng tươi hồng. Đủ thế, đủ dáng, từng gốc đào kiêu kì đón người đến ngắm. Đào theo chân người ra khắp nẻo đường phố, hoa chen người đi, chẳng mấy ai vô tình không chạm mắt đến cả những cành đào khiêm tốn vẻ đẹp nhất.
Ngày xưa vua Quang Trung đi đánh giặc thắng trận trở về đúng đêm 30, việc người muốn làm và đã làm trọn vẹn là mang về cho công chúa – người vợ tao khang của mình một cành bích đào của Thăng Long, người về vừa kịp lúc giao thừa, những nụ đào bật nở trên cành, báo hiệu của hạnh phúc và thái bình, may mắn. Từ ngày ấy, đào của Thăng Long xứ Bắc được người khắp muôn phương đã biết danh biết tiếng lại thêm trân trọng như một cái đẹp chuẩn mực về loài hoa này…
Nhưng ở quê mình, cái vùng Trung du Bắc Bộ cũng có đào, nhiều nữa. Những gốc đào quê mình, gầy guộc, khẳng khiu, hoang dại, mãi vẫn trơ trụi chưa bật được mầm nụ trong tiết trời đón Tết, nó trổ hoa muộn màng hơn, nó như là thứ hoa dành cho những ngày xuân muộn. Cả cây đào cao, gầy, chỉ thoảng điểm qua chút nụ, chút hoa, những bông đào đơn mảnh mai ấy đẹp cho không gian thoáng đãng của mảnh vườn còn mờ bụi nước khói xuân ngày qua tết… Nay, người thành phố lại thích chơi đào rừng, họ cảm thấy cái đẹp theo phong trào là hoang dã, tự nhiên, nhưng họ đâu hiểu, thứ đào mảnh mai không rực rỡ ấy chỉ đẹp trong những vườn bên mái lá nếp nhà quê, chỉ đẹp cho những gì đơn giản, tự nhiên. Đào như ở quê tôi không đẹp cho không gian lộng lẫy, nó là mùa hoa – mùa xuân mộc mạc xứ nghèo…