Ngày nay, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã trở thành biểu tượng của nhịp sống hiện đại. Trong không gian ấy – những kệ hàng được bài trí bắt mắt, những tủ mát bày biện các loại thực phẩm với mặt kính sáng loáng… Mỗi gian hàng được trưng bày nhiều sản phẩm khác nhau . Tính tiện lợi là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, văn hóa chợ vẫn là một nét đẹp, một thói quen của người Việt Nam. Một bức tranh tổng quát về chợ xưa sẽ được vẽ lên như thế nào?

Chợ Việt có từ bao giờ?

Sẽ không có một câu trả lời chính xác, một cột mốc nhất định cho sự hình thành của chợ. Tuy nhiên, việc lập chợ chắc chắn đã xuất phát từ khi con người có nhu cầu trao đổi hàng hóa, quy đổi hình thức giao dịch qua tiền mặt. Những thông tin về chợ xưa chỉ thực sự rõ ràng từ triều đại nhà Lý (1009 – 1225). Như mọi người đều biết, vua Lý Công Uẩn đã xuống chiếu dời đô, chọn Đại La là kinh đô mới và đặt tên là Thăng Long. Lúc bấy giờ, Thăng Long đã có 4 chợ chính của 4 cửa thành. Sau này, khi có sự giao thương với phương Tây (từ thế kỷ XVI), thành Thăng Long còn được người ngoại quốc gọi là Kẻ Chợ. Danh từ này đã xuất hiện trong cuốn sách có tựa đề là Về Châu Á của tác giả Trịnh Kính Hòa – xuất bản năm 1521.

Ngoài ra, chúng ta có thể điểm tên những vùng đất với hoạt động kinh tế nhộn nhịp, sầm uất. Tiêu biểu là Phố Hiến (Hưng Yên) – nơi được xem là vị trí trung chuyển hàng hóa đến Thăng Long và nhiều tỉnh thành khác. Nó phát triển cực thịnh trong thế kỷ XVII. Và tất nhiên, chợ cổ Hội An cũng là một điểm sáng nổi bật và mang tính quốc tế. Nơi đây đã có một thời mang tên Châu ấn thuyề n khi có những con thuyền từ xứ sở mặt trời đến với thương cảng Hội An. Ngoài ra còn có sự hiện diện của nhiều thương nhân của các quốc gia phương Tây. Sự phát triển này đã được Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục : “Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang đường thủy, đường bộ, đi thuyền đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An vì thế người khách phương Bắc đều tụ tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.

Một số điều lệ về cách thức hoạt động của chợ Việt dưới triều đại phong kiến

Nhắc đến nhà Lê, chúng ta không thể không nói về Luật Hồng Đức. Trong đó có nội dung : Nếu những người trông coi chợ sách nhiễu tiền lều chợ thì xử phạt 50 roi. Trong trường hợp thu thuế chợ vượt quá quy định thì cách chức, đồng thời bồi thường tiền cho hộ kinh doanh. Với các gian thương, ví dụ như dùng cân không đúng tiêu chuẩn để trục lợi sẽ bị bắt giam làm khổ sai. Người mua cũng phải tuân thủ theo các các quy định của triều đình.

Nội dung của Luật Gia Long cũng đề cập đến những vấn đề tương tự. Luật quy định những người bán hàng không được thông đồng để ép giá, nếu bị phát hiện sẽ xử phạt đánh 80 gậy. Những kẻ làm sai lệch thước đo do triều đình ban hành sẽ bị đánh 60 gậy. Những người thợ làm ra các đồ đó cũng bị xử tội. Quan lại cũng bị xử phạt nếu có liên quan.

Nhận thức về tầm quan trọng của chợ

Trong dân gian Việt Nam có câu ca “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Đây cũng là một kinh nghiệm sống vô cùng đáng quý. Việc sống gần chợ được đưa lên hàng đầu. Tại sao lại như vậy? Trước hết, chúng ta có thể dễ dàng mua bán hàng hóa, nhu yếu phẩm trong cuộc sống. Điều này tốt với cả người mua lẫn người bán . Ngoài ra, khu vực quanh chợ cũng là tọa độ vàng để phát triển các cơ sở hạ tầng khác. Ví dụ như trường học, bệnh viện,… Tất cả kết nối lại, tạo nên chuỗi tiện ích thiết thực. Chợ không chỉ thuần là nơi mua và bán mà còn là bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Trong đó, chợ tình là một cây cầu kết nối vô cùng thú vị. Chợ tình Khâu Vai tại Hà Giang đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, cả phụ nữ và đàn ông đều lựa chọn những trang phục đẹp nhất để khoác lên mình và cùng đến điểm hẹn chợ tình.

Ngoài ra, tại các khu chợ, chúng ta có thể chứng kiến những hoạt động văn nghệ như hát xẩm.

Dù là chợ trên đường đất, chợ nổi lênh đênh sông nước thì tất cả đều mang đến nhịp sống vô cùng thú vị. Có những câu ca dao, tục ngữ phản ánh cả niềm tự hào và tình yêu quê hương. Nào là “Ai về Hoằng Hóa mà coi – Chợ Quăng một tháng ba mươi phiên chiều”, hay “Chợ Chùa một tháng sáu phiên – Mời anh đi chợ thăm miền quê ta – Xanh nhất là chị hàng na – Mặn mà hàng muối, ngọt hoa hàng đường”…

Hương chợ xưa vẫn luôn là một dấu ấn khó quên, một hồi ức đẹp trong những trái tim ưa hoài niệm!