Tết Nguyên Đán luôn mang một ý nghĩa rất đặc biệt trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Đó không chỉ là khoảng thời gian để sum họp gia đình, thăm hỏi họ hàng, bạn bè, người thân sau một năm lao động, làm việc, học tập vất vả mà còn đánh dấu thời điểm bắt đầu cho một năm mới với hy vọng về mọi sự may mắn, tốt lành sẽ đến. Xuất phát từ ý nghĩa đó, từ xa xưa, ông bà ta đã có một tập tục rất ý nghĩa trong ngày Tết, đó là tục mua muối đầu năm.
Tục này được người xưa nhắc nhớ trong câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Từ xưa, muối đã có một vị trí rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt, nằm trong danh mục nhóm thực phẩm thiết yếu. Và theo quan niệm của ông cha ta, muối có vị mặn mà, có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm không chỉ có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, mà còn thể hiện ước muốn quan hệ gia đình, dòng tộc và quan hệ xã hội thêm mặn mà, gắn bó với nhau. Người Việt còn quan niệm đầu năm mua muối thì cả năm sẽ làm ăn tấn tới, tốt lành, thuận buồm xuôi gió.
Dường như đã thành thói quen, chiều Ba mươi Tết, các bà, các mẹ thường đem cái âu (lọ) đựng muối của gia đình ra cọ rửa sạch sẽ, phơi khô, sẵn sàng chờ những tiếng rao đầu tiên của người bán muối sáng mồng Một Tết. Ngay từ sáng sớm ngày đầu năm mới, thời khắc thư giãn nhất trong năm, các gia đình sum vầy chuẩn bị cho bữa cơm đầu năm, những người bán muối đã dạo qua khắp các con phố, ngõ xóm từ thành thị đến các vùng nông thôn. Chỉ cần một tiếng rao rất khẽ cũng làm xao động không gian rất riêng trong mỗi gia đình. Nhà nhà, người người háo hức chạy ra để mua một vài đồng muối lấy may cho cả năm.
Theo chị Dương Thị Phượng (Bắc Giang) chuyên làm nghề bán muối đã mấy chục năm cho biết: “Đi bán muối vào ngày này rất vui vì cảm giác như mình đang làm một việc tốt, mang niềm vui đến cho mọi người”. Cũng theo chị Phượng, dù vẫn là công việc quen thuộc nhưng bán muối vào ngày mồng Một Tết rất khác biệt vì chị nhận được rất nhiều nụ cười, lời chúc tốt lành của người mua và không bao giờ phải lo họ mặc cả, thêm bớt.
Khác với chị Phượng, chị Bình (Bắc Giang) thì chỉ đi bán muối vào ngày mồng Một Tết và những phiên chợ đầu năm. Chị tâm sự: “Nghề chính là làm ruộng, nhưng tranh thủ đầu năm đi bán muối để kiếm thêm ít tiền chi tiêu cho con cái học hành”. Khi được hỏi tại sao chị lại chọn muối để bán mà không phải thứ hàng hóa nào khác, chị cho biết vì một lý do rất đơn giản là: dễ. Dễ ở cả người bán và người mua. Người bán muối không cần phải có nhiều vốn và cũng không đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo. Ngày xưa muối thường được đong bằng bát, hoặc tính theo cân. Ngày nay, để thuận tiện hơn, người ta bao gói sẵn. Dễ ở cả người mua bởi lẽ nhu cầu của người mua rất lớn. Không nghe thấy thì thôi chứ đã nghe thấy thì nhà nào cũng muốn mua. Và đặc biệt không phải sợ người mua mặc cả, kỳ kèo “bớt một thêm hai”, thường nói bao nhiêu trả bấy nhiêu cho dù giá muối có thể đắt hơn gấp 2, gấp 3 lần ngày thường.
Trong dịp Tết, muối còn được bày bán rất nhiều ở cổng chùa hoặc trong các phiên chợ đầu năm. Một mỹ tục trong văn hóa người Việt đó là đầu năm đi lễ chùa. Vì vậy, người ta không quên bày bán bên những sạp hoa quả, vàng mã, đèn nhang là những thúng muối trắng tinh. Để trong tiết trời se lạnh lất phất những hạt mưa xuân, các bà, các chị, các cô sau khi vào lễ chùa không quên mua về nhà một túi muối cầu may với niềm tin về một năm mới mọi việc sẽ tốt đẹp, hanh thông. Những gia đình không mua được muối ngày mồng Một Tết, thì các cụ già sẽ nhắc con cháu ngày đầu tiên đi chợ trong năm phải nhớ mua muối. Và một điều các bà, các mẹ thường lưu ý khi mua muối đầu năm là phải mua đầy đặn, tươi tắn, dư giả. Nếu đong bằng bát thì phải đong đầy có ngọn, chứ không được gạt ngang miệng sợ về sẽ mất lộc, mất đi sự mặn mà, trọn vẹn.
Những hạt muối nhỏ bé và dường như chẳng đáng kể gì về mặt kinh tế, nhưng lại mang trong mình ý nghĩa văn hoá phi vật thể rất lớn. Ngày nay, tuy cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, nhưng nhiều gia đình Việt Nam vẫn luôn nhắc nhở con cháu mình phải gìn giữ những thói quen và quan niệm đẹp đẽ, thiêng liêng đã có từ ngàn đời của dân tộc.