Anh, người cùng làng, làm quan to trong tỉnh. Có nhà thành phố, vợ đẹp con khôn, thế mà vẫn không nỡ bán chỗ đất ở quê đi. Vừa rồi, anh đầu tư mua lại một ngôi nhà cổ gỗ mít bốn gian năm vì, tu sửa rồi mua những vật dụng nông thôn ngày xưa để vào trưng bày. Hôm khánh thành có làm mấy mâm mời xóm giềng vừa tri ân vừa gửi gắm giữ gìn những di sản vô giá ấy cho mai sau. Anh bảo nhìn những thứ “đồ cổ” ấy để nhớ về quá khứ vất vả, để thấy như cha mẹ vẫn còn thấp thoáng trong hình hài những nông cụ ngày xưa.

Mới thôi mà đã ngày xưa, những vật dụng một thời gắn bó không thể thiếu đã trong mỗi nhà đã trở thành “đồ cổ”. Có phải bởi cuộc sống phát triển nhanh với những vật dụng hiện đại hay bởi lòng người đã vội lãng quên?

Bộn bề với công việc nhà nước, tất bật trong guồng quay cuộc sống thị thành, thế mà anh vẫn có thời gian để sưu tầm hầu như không thiếu một thứ gì. Nhờ anh, mọi người lại rưng rưng gọi tên từng vật dụng với công năng sử dụng mà tưởng như thời gian đã xóa nhòa. Này đây, thường đặt để nơi góc chuồng trâu là chiếc cày với những diệp, lưỡi, ngõng, đáp… Bên cạnh là chiếc bừa chín răng với chiếc chão (ách) đặt bên. Rồi nào là vên, vét, cuốc, xuổng với chiếc cán trơn bóng mồ hôi vất vả của người nông dân. Rồi chiếc gàu sòng tát bờ thấp, chiếc gàu dai tát ruộng cao trong mùa khô hạn. Trên những tấm ván gác ở rượng ràn là những gọng vó, nơm, chài, giỏ, đó, sa… những dụng cụ dùng đi cải thiện bữa ăn trong những ngày mưa lụt. Thứ thì mua ở dưới chợ Dinh Sy, thứ thì nhờ ông lão hàng xóm đan kết cho từ bàn tay tài hoa, tỉ mẩn. Ta như nghe thấy tiếng cười giòn tan của tuổi thơ khi đi hôi cá ao làng.

Xung quanh chuyện đi chợ của chị em Hà Thành xưa và nay

Quay vào đầu hồi nhà bếp, bên cạnh chiếc giếng đào được xây bằng đá động nước mát lịm là chiếc chum sành đựng nước mưa cùng chiếc gáo dừa. Ta còn mường tượng trưa hè nào cùng lũ bạn chơi bao trò đến khát khô cổ họng, chạy ù vào nhà nào gần nhất, tu chiếc gáo dừa ừng ực ngon lành. Bên cạnh chiếc chum là cái lon mà mẹ ta dùng để muối dưa cà, tích trữ thức ăn cho tháng ba ngày tám. Là chiếc liễn đựng muối đổi được từ người bán rong miền biển. Chiếc sào phơi áo vẫn đâu đây bóng dáng của những cô Tấm làng quê đảm đang mỗi sớm, mỗi chiều. Chiếc cầu ao đỏ bờ dâm bụt, cạnh bên là cây ổi cơm thơm lựng rũ xuống nhìn đàn cá lội tung tăng.

Quay vào gian bếp bám đầy bồ hóng, vẫn như bóng dáng mẹ già lui hui bên bếp củi ấm nóng tro than. Những nồi, niêu, xoong, chảo sắp xếp gọn gàng bên giàn; những chiếc kiềng, chiếc treo được cất đặt tinh tươm. Trên gác là những nong, nia, thúng, mủng, giần , sàng nằm nghỉ ngơi sau khi cùng cha mẹ hoàn thành mùa vụ. Chiếc chum to đã đổ đầy hạt giống mùa sau. Chiếc cót ép đã đổ đầy thóc mong cả gia đình không phải chạy vạy những ngày giáp hạt. Trên giàn bát đũa, chiếc mâm đồng, chiếc mươn cơm vẫn lưu giữ đó giây phút rộn ràng cả gia đình quây quần trong bữa ăn. Là chiếc gô cha mang về từ thuở chiến trường thường được mẹ đựng thức ăn đem lên đồng trong mùa cày cấy. Những chiếc bát sứt miệng loe thuở con lẫm chẫm tập đi đã làm mẻ, chiếc đĩa cây trúc, con phượng răn vết thời gian. Quá khứ ùa về trong niềm thương nỗi nhớ khiến ta không khỏi mủi lòng.

Nhà trên, chính giữa gian bảy là chiếc sập gụ bày lư hương và linh vị tổ tiên. Là bộ trường kỷ cha thường ngồi uống nước chè cùng chiếc điếu cày mấy lần toan vứt bỏ. Chiếc giường đơn trải chiếu cói cùng chiếc quạt mo cau vỗ về giấc ngủ đêm hè. Bao chuyện cổ tích, bao điều nhân nghĩa con mang theo suốt cả cuộc đời cũng từ nơi ấy. Cạnh bên là chiếc đài bán dẫn mà phải bao lần đắn đo, toan tính cha mới dám bán cả tấn lúa để mua. Ngoài hiên, chiếc quạt thóc, chiếc xe đạp Thống Nhất vẫn như thao thức đợi người về…

Càng nhìn càng nhớ, càng nhớ lại càng thương. Biết bao kỷ niệm ùa về trong miên man ký ức. Ta thương cha mẹ ta ngày xưa khó nhọc. Ta thương đất nước mình một thuở gian lao. Những kỷ vật vô giá ấy rồi thế hệ mai sau còn nhớ, còn biết được không ? Có thể rồi với thời gian, đồ bằng gỗ, tre sẽ mối mọt; đồ bằng sắt sẽ gỉ sét nhưng miễn sao lòng người còn lưu luyến thì nó sẽ trường tồn để nhắc nhở, thức tỉnh chúng ta khỏi trôi trượt đi trong vòng quay cuộc sống. Chỉ sợ nhất là khi lòng người nhẫn tâm vứt bỏ, lãng quên quá khứ để rồi một lúc nào đó chợt băn khoăn chợt hỏi rồi tự trách: Đâu rồi thúng, mủng ngày xưa ?