Bên cạnh khói lửa chiến tranh, có lẽ đại dịch là một trong những bóng đen gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Từ cuối năm 2019 đến nay, virus mang tên Corona đã làm chao đảo cả thế giới. Nó cũng khiến tôi đặt ra câu hỏi : trong thời kỳ quân chủ chuyên chế ở nước ta, vấn đề dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người Việt? Tuy nhiên, đề tài này không được ghi chép nhiều. Thời đại mà chúng ta có thể dễ tiếp cận chính là giai đoạn trị vì của 13 đời vua Nguyễn.

Những vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã phải chứng kiến hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ. Không những thế, ngay trong thời gian mà vua Minh Mạng mới lên trị vì, đất nước Đại Nam đã phải chứng kiến sự lan rộng của bệnh dịch từ Nam ra Bắc. Lúc bấy giờ, “bệnh dịch phát ra từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên”. Trong đó, tổng cộng số người chết lên đến 206.835 người (theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ Nhị kỷ, quyển VI). Cũng trong thời gian bệnh dịch hoành hành, vua Gia Long và đại thi hào Nguyễn Du qua đời (năm 1820).

Tuy thư tịch cổ không ghi nguyên nhân gây ra thương vong nhưng đối chiếu sang lịch sử thế giới, giai đoạn nêu trên cũng trùng hợp với đại dịch tả. Nó bắt đầu ở Jessore, Ấn Độ (1817-1823) rồi dần dần lan rộng đến châu Âu.

Virus corona: Bắc Kinh hy vọng quốc tế "sáng suốt, ủng hộ" nỗ lực kiểm soát  dịch của Trung Quốc

Quay trở lại Đại Nam, tình hình cũng rất thê lương. Trước thực tiễn này, vua Minh Mạng đã phải cảm thán : “Gần đây lệ khí (khí độc) lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương”. Không chỉ nổi tiếng về sự táo bạo trong đường lối cải cách, vị vua này cũng biết khoan thư sức dân. Cũng theo Đại Nam thực lục, ông đã xuống lệnh “thông dụ cho ở Kinh và các thành dinh trấn phàm việc sung điền binh đinh trốn và chết đều hoãn lại, đợi sau khi lệ khí yên rồi sẽ bắt cũng chưa muộn”. Không những thế, vua Minh Mạng còn cho xuất kho bạch đậu khấu cấp phát để trừ dịch. Đây là loại thảo dược có công dụng trong việc trị tả, nhiễm lạnh đau bụng, khí trệ.

Đầu triều Nguyễn, đất nước có sự giao thương với các nước phương Tây, tiêu biểu là Pháp. Các thuyền buôn đậu tại hải cảng Đà Nẵng. Đình thần Phạm Đăng Hưng cũng cho rằng bệnh dịch từ Tây dương sang.

Như vậy, có khả năng rất cao dịch bệnh tại Đại Nam bấy giờ chịu ảnh hưởng từ dịch tả trên thế giới.

Khi vua Tự Đức lên ngôi (1848), Quảng Bình bùng phát dịch đậu mùa. Sang năm tiếp theo, số người chết ước tính gấp 3 lần so với trận năm 1820. Những năm sau đó, dịch bệnh vẫn âm ỉ và kéo dài đến năm 1888. Từ tháng 10 năm 1887 đến tháng 6 năm 1888 (triều vua Đồng Khánh), tại 2 huyện Mộ Đức và Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi dịch đậu mùa đã khiến người 13.934 chết (theo Châu bản triều Nguyễn). Viện Cơ mật đã họp bàn với Khâm sứ Pháp, cử bác sĩ đến chủng đậu cho người dân nên nhanh chóng dập tắt dịch.

Cũng chính dịch bệnh này đã tác động đến bối cảnh lịch sử. Giữa thế kỷ XIX, phong trào Thái Bình Thiên Quốc nổ ra để lật đổ nhà Thanh. Các tàn quân của phong trào này đã dạt xuống vùng núi miền Bắc nước ta. Mạnh nhất là quân cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh chỉ huy. Tại các địa phương như Cao Bằng, Tuyên Quang, nạn cướp bóc xảy ra liên miên. Trước tình hình biên giới phức tạp, lực lượng không đủ mạnh, vua Nguyễn đồng ý hợp lực cùng nhà Thanh để dẹp loạn. Năm 1869, quân Cờ vàng thất thủ, phải rời căn cứ Hà Giang. Thế nhưng do khí hậu khắc nghiệt cùng dịch bệnh hoành hành nên quân Thanh rút về. Bởi vậy, quân Cờ vàng vẫn kiểm soát được vùng đất rộng lớn.

Các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại đưa ra các quy định về vệ sinh trong lối ăn ở, vệ sinh đường phố. Đặc biệt phải kể đến chính sách xử phạt nặng những người không khai báo bệnh dịch. Đây chính là nền tảng để nâng cao khả năng phòng tránh dịch, ngăn chặn nguồn lây.

Bài học lịch sử luôn quý giá. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng đẩy lùi đại dịch Covid-19, trân trọng từng phút giây sinh tồn, sống và trải nghiệm!