Trong vô vàn đầu sách được xuất bản tràn lan với những tên gọi rất kêu, rất oách, thì Điểm đến cuộc đời của Đặng Hoàng Giang là một điểm sáng với những bạn đọc yêu sách.

Cuốn sách sẽ không phù hợp với những người chỉ ưa bề nổi, dễ đọc dễ hiểu. Cũng không phù hợp với những bạn thích những câu chuyện ngôn tình lâm li hào nhoáng. Cuốn sách là những gì giản dị nhất của cuộc đời khi những con người đối diện với cái Chết. Đó là những người có thật, bình thường xung quanh chúng ta thôi. Nhưng, họ đã chọn cách ứng xử với cái Chết vô cùng tuyệt vời, một nhân sinh quan mà hầu hết chúng ta sẽ học được ở họ nhiều điều để cuộc sống chúng ta thanh thản nhẹ nhàng hơn.

Ngay ở lời tựa Đặng Hoàng Giang đã viết: “Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do để chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra”. Đúng vậy, chúng ta không tránh được bất hạnh hay những bi kịch nhưng chúng ta lại được phép lựa chọn thái độ sống… Bao nhiêu lần nhắc tới cái chết, chúng ta sợ sệt chúng ta cố quên, lảng tránh. Nhưng có phải cứ tảng lờ là nó không tới đâu! Khi tác giả tiếp cận với những con người có quỹ thời gian còn lại vô cùng ít ỏi ấy, ông gọi họ là “ những người cận tử”. Những con người đã chấp nhận cái chết, sống với nó một cách bình thản và những ngày cuối của họ thực sự có ý nghĩa.

Tác giả thừa nhận: “ Ý thức về cái chết trước mặt khiến tôi ý thức rõ ràng hơn về thời gian tôi còn có trong tay, về những may mắn mà tôi đang được hưởng, về vẻ đẹp của vũ trụ”. Đây chính là tư tưởn g xuyên suốt của cuốn sách này. Chính tác giả đã thừa nhận mình bất an, hoang mang trước cái chết, ông tìm đọc các sách rồi cả kinh Phật… Nhưng chưa đủ. Ông đã “ bước vào một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi. Tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người ở mức độ dữ dội nhất.”

Tác giả đã chứng kiến những thời khắc đau đớn nhất của những bệnh nhân ung thư. Họ vật vã chống chọi với nỗi đau đớn về thể xác, những bạc bẽo của tình đời và cũng nhận ra những tình cảm đáng trân trọng nếu không muốn nói là quá vĩ đại.

diem-den-cua-cuoc-doi-2

Đó là hình ảnh chị Hà một mình cùng con chiến đấu với bệnh ung thư xương. Còn gì đau đớn hơn đối với một người mẹ bằng cảnh nhìn con mình chết dần? Không thể cầm nổi nước mắt khi cậu bé ấy nói với mẹ: “Con chỉ cần mẹ thôi, con chẳng sợ chết. Đi đâu có mẹ là được.”

Chị tự nói với mình: “Phải buông tay con và không giữ được con bên mẹ là điều qua sức với mẹ… Nỗi đau này thật sự không thể và không bao giờ nguôi ngoai”. Hành trình của nguời mẹ bên cạnh con trong giờ phút cuối cùng ấy mới đau đớn và vĩ đại làm sao. Đẹp hơn nữa là chị còn đồng hành với những người mẹ khác vượt qua được những giờ phút như chị đã vượt qua. Nỗi đau trở thành động lực, thành sức mạnh. Có người mẹ như chị Ánh không thể vượt qua nỗi đau và sự trống vắng mà con mình để lại. Chị Ánh đã tự sát. Vậy điểm khác nhau giữa chị Hà và chị Ánh là gì? Trước cú đánh của số phận, chị Hà chọn cách đón nhận chứ không đòi hỏi, chị chọn cách thay vì phát điên vì đau khổ chị tìm cách xoa dịu nỗi đau của người khác. Nhóm thiện nguyện của chị và của nhiều người với tấm lòng chia sẻ và bao dung đã giúp những hoàn cảnh bên bờ vực của những gia đình ở tận cùng của sự khốn khó…

Đọc kỹ từng dòng Đặng Hoàng Giang viết chúng ta vỡ vạc ra nhiều. Cuộc đời sẽ nhẹ nhàng hơn khi tâm ta biết buông bỏ. Chị nỗ lực làm việc thiện để chị có thể gặp lại Nam ở một thế giới khác đẹp đẽ và tuyệt vời hơn. Sâu thẳm trong tâm hồn chị không đánh mất niềm tin là thế giới này công bằng và vũ trụ này có ý nghĩa.

Rồi đến câu chuyện của Liên, cô gái mất 4 năm sống chung với ung thư vú. Những đớn đau về thể xác, những trăn trở trong tâm hồn người con gái bé nhỏ ấy có làm cho chúng ta thức tỉnh không? Cô đã kiên cường như một chiến binh , sống những ngày cuối đời của mình một cách trọn vẹn nhất. Cô đón nhận cái chết một cách bình thản và chủ động. Những khát khao những hoài bão khép lại, ước mơ một lần được mặc áo cưới cũng bay dần. Những khát vọng rất đời ấy lại quá xa vời với cô. Tôi đã khóc khi đọc những dòng thơ cô viết cho cháu mình. Một cô gái sâu sắc hiểu được rõ sống chết đến mức nào mới viết được một bài thơ như thế?

Cô không biết sẽ đi được thêm bao nhiêu đoạn đường
Sẽ kiên cường đến khoảnh khắc nào đây
Nhưng điều đó đâu có nghĩa gì đâu con
Một chiếc lá rụng xuống
Một mầm cây vươn lên

Một triết lý mà cô gái bé nhỏ ấy rút ra cho bản thân và cho nhiều người. Cô đón nhận cái chết một cách bình thản và an nhiên.

Đó là Vân – người phụ nữ mạnh mẽ và đáng thương. Những giây phút cô ghi nhật ký dặn dò các con sao mà xúc động. Người mẹ không thể đồ ng hành với con gái cho tới khi trưởng thành đã phải dùng cách ghi âm lại để dặn con. Tôi thương Vân và khâm phục Hoàng- chồng Vân. Anh ấy đã trải qua một thử thách khổng lồ về tình yêu và lòng kiên nhẫn. Anh đã đồng hành cùng vợ mình ở giai đoạn kinh khủng nhất đến mức phải nói rằng: “ Nếu chết được thì tốt cho Vân” vì anh chứng kiến sự đau đớn mà Vân phải chịu. Nhưng đến khi cái chết liền kề anh lại nức nở nói: “ Cháu thực sự thương Vân, không muốn mất Vân”. Tình yêu thật mãnh liệt trong nghịch cảnh trái ngang . Vân đã có thể hạnh phúc, hạnh phúc vì có được một tình yêu như thế, hạnh phúc vì có được một gia đình dù trong sự bất lực và nghèo đói cũng chưa bao giờ bỏ rơi cô.

“Có một điều quan trọng nữa để người ta có thể đến với cái chết một cách thanh thản… đó là khả năng bày tỏ lòng biết ơn và tình thương của người ra đi với người ở lại, để cả người ra đi và người ở lại khép lại một cách trọn vẹn quan hệ của mình.” Vân đã làm được điều đó, chị đã gửi lại tình yêu thương với gia đình và cuộc đời. Ở một vùng quê nghèo, nỗi đau đớn về bệnh tật như vậy mà chị vẫn nghĩ về người khác, chị gửi lại giác mạc của mình để giúp người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giá trị của cái chết là nó giục giã chúng ta sống một cách có ý nghĩa hơn. “Liên và Vân đã chỉ ra một cách tuyệt đẹp với tất cả đau đớn về thể xác, người ta có thể đạt tới một cái chết có ý nghĩa như thế nào. Đó là một cái chết mà người ta ra đi trong thương yêu và tha thứ. Tha thứ cho người khác, tha thứ cho bản thân, chấp nhận con người mình, chấp nhận cuộc đời mình đã sống và cho nó một ý nghĩa.”( t.225)

Không chỉ tác giả mới vỡ vạc nhiều điều khi ông đồng hành với những người cận tử. Ông đã tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống. Mà với bạn đọc, những người có trái tim yêu thương và chia sẻ cũng nhận ra rất nhiều. Những con người như chị Hà, Liên, Vân…đã đem đến cho chúng ta tình yêu cuộc sống và nhận ra điều gì là quan trọng. Những câu chuyện cuộc đời của các bệnh nhân ung thư, tác giả không đơn thuần chỉ là trần thuật lại một cách đơn điệu và máy móc. Ông còn lồng vào đó những triết lý sâu sắc của Phật giáo. Những khái niệm như Chánh niệm, buông bỏ… đã giúp con người dường như giải thoát khỏi những trói buộc trong tâm lý. Những luận cứ, những lập luận vô cùng sắc sảo và nhân văn của tác giảgiúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và con người. Ông viết bằng sự thông minh và tinh tế, bằng một trái tim tràn đầy yêu thương, bằng sự thấu cảm với tột cùng nỗi đau của đồng loại. Chính vì thế những con chữ của ông đã chạm vào trái tim người đọc. Đồng cảm, sẻ chia và hành động.

Tôi tin chắc rằng, bất cứ ai sau khi đọc xong cuốn sách này họ cũng sẽ thay đổi – như tôi. Để biết rằng: cuộc sống thật đáng quý, và cái chết cũng không đáng sợ. “ Bởi cái chết sẽ làm cho chúng ta trân trọng cuộc sống và sống một cách có ý nghĩa hơn.”