Mùa hè năm 1828, ở Petecbua, ông lấy hết can đảm ngỏ lời cầu hôn nhưng người thiếu nữ A.Olenhia đã không đồng ý. Puskin lúc đó đã thật khổ sở với mối tình không hồi đáp nhưng ông cũng biết trong tình yêu lòng chiếm hữu là thứ bỏ đi và ông viết “Tôi yêu em” bằng sự trân trọng, tôn thờ vô hạn đối với người con gái mà ông rất mực yêu thương:
“Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng,
Bị giày vò khi thì bởi sự rụt rè, khi thì bởi nỗi hờn ghen.
Tôi đã yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế,
Cầu Chúa cho em vẫn là người được yêu dấu như thế bởi người khác.”
Hơn 100 năm sau câu chuyện ấy lặp lại, nhưng là với một người nhạc sĩ nhạy cảm của xứ Huế. Bạn đã bao giờ hình dung về người con gái của cố đô sẽ trong hình dáng thế nào, có giống những bức ảnh John Donimis đã chụp khi ông sang Việt Nam năm 1961, những cô gái mặc áo dài trắng, đội nón lá, chiếc cặp đen đặt trước giỏ, đạp xe đi qua phố cổ- người con gái Huế thật thơ, thật dịu dàng!
Đó hẳn cũng là những thước phim đã tràn qua đôi mắt của Trịnh như một bộ phim dài tập. Trong những tán lá xanh của hàng long não mỗi sáng, con gái lớn của thầy dạy Pháp Văn ở trường Đồng Khánh, Bích Diễm- thiếu nữ dong dỏng cao, thanh tú với một vẻ đẹp thuần Á.
Nhưng gặp Diễm khó lắm, ba Diễm đời nào để một anh chàng văn thơ và cuộc đời ọp ẹp với những khuông nhạc, cây đàn, lãng tử tóc dài, chiếc cằm râu lấm chấm như anh đến gần những Diễm, những Ánh thân yêu và đài các. Mãi sau này, trong một bút ký người ta mới biết Trịnh cũng thừa nhận rằng “cha mẹ Diễm khó lắm và không thích tôi”, thế nhưng “tôi vẫn cứ theo đuổi hình bóng của Diễm”- một Diễm xa vời và lấp lánh như một vì tinh tú.
Trong cơn mê man của một trận sốt, Trịnh vẫn thấy trong giấc mơ chập chờn của mình một người con gái áo trắng, rải gót sen trên đường đến trường. Ông tỉnh dậy muộn và thấy trên cửa cài một bông dạ lý hương, mùi hương thoang thoảng, phảng phất. Mỗi lần người đẹp cố đô đi qua nhà, cô đều cài hoa dạ lý hương lên cửa sổ, hành động nhỏ ấy như là chút nắng giữa những ngày mưa sưởi ấm và tưới tắm hạt mầm. Hạt mầm nảy nở, lớn dần khiến người nhạc sĩ mỗi lần thức dậy “đều mong nhìn thấy cành hoa trên cửa”. Nhưng rung động thế, Diễm vẫn không vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình, tình thân để nói cho Trịnh nghe tiếng lòng của mình, để chàng nhạc sĩ của ngày xưa buồn bã biết bao “Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất”.
Năm đó Diễm vào Sài Gòn khi đậu đại học Văn Khoa, Trịnh vẫn ở Huế, không ai tìm cách liên lạc với nhau, hạt mầm tình yêu vừa nảy nở đã bị ngó lơ. Những khổ sở và nỗi nhớ ấy Trịnh dệt vào tiếng đàn và những nốt nhạc, ông viết “Diễm Xưa” và nhiều bài hát thất tình buồn bã khác nữa. Năm 1923 nọ, cũng là bóng dáng trăng trắng mờ mờ nhân ảnh, cũng là một người con gái của Huế thơ, chàng thi sĩ họ Hàn luyến tiếc và tự ôm mình trong nỗi nhớ Kim Cúc, cô gái cố đô hiền dịu, giữa vườn thôn Vĩ xanh rì bóng mướt và nên thơ.
Vậy mới nói, khi đau khổ quá người ta phải tìm đến một thứ gì đó để giải thoát, nếu không thì như một quả bóng ,cảm xúc và nỗi đau cũng biết nổ tung khi quá giới hạn. Trịnh cũng như Puskin, như Hàn Mặc Tử, viết để thấy nhẹ lòng trở lại “tôi thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu”, “nó không còn nồng nàn mãnh liệt như trước kia”.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.
Hình bóng của Diễm không còn đi qua giữa cái mơ màng, tịch mịch của Huế nhưng “Diễm của ngày xưa” thì đi lại trong những giấc mơ và ký ức. Diễm đi qua cây cầu Phú Cam, dọc con đường Nguyễn Trường Tộ, qua một cây long não, hai cây long não, ba cây long não… đi mãi, thả những gót chân sen hằn in trong trí nhớ. Chỉ còn lại điệu nhạc, tiếng hát, những âm vang “Diễm Xưa” nhảy nhót trong tiếng đàn. Bài hát được khơi từ một bóng trắng dưới hàng long não của bốn mùa nắng mưa, dưới con đường trước nhà “hun hút cho mắt thêm sâu”.
Hết