Trong ký ức của tôi, mái đình màu đỏ, nằm ngay trên con đường dẫn ra một bãi chợ lởm chởm đá. Trước cổng đình từng trồng hai cây phượng vĩ, ngôi nhà cổ kính lặng lẽ giấu mình trong sắc hoa đỏ rực rỡ và tiếng ve ngân khi sang hạ. Ngôi nhà bình dị, ấm cúng như một nốt trầm lặng lẽ, lạc loài trong bản Sonate mạnh mẽ của đời sống thực. Ngôi nhà trang nghiêm, linh thiêng như một di tích cố hữu từ ngàn đời trước và đến nay tiếp tục một kiếp cố hữu để gắn mình vào ngàn đời sau.

Từ thuở ông bà, ba mẹ tôi lọt lòng, ngôi đình đã có, từ khi chỉ là một khoảng sân nhỏ bé, cũ sờn được xây bên cạnh hợp tác xã của làng cho đến khi trở thành một khu di tích trang nghiêm và đầy ắp cây xanh. Sân đình lát gạch màu đỏ, từng ô vuông san sát nhau như bàn cờ tướng, từng đám rêu phong đen kịt và đóng vảy trong từng kẻ hở mong manh. Cơ hồ, rêu cũng là chứng tích cho sự hoài cổ và nét hoang sơ bấy lâu ngự trị tại nơi này.

Tôi nhớ cạnh sân đình có một cây hoa gạo. Hoa gạo không hương hoặc vì quá cao để những đôi chân ngắn củn của tuổi lên bốn, lên năm chúng tôi có thể dễ dàng trèo lên và ngửi được dư hương của nó ngay khi còn bám chặt trên những thân cây. Những bông hoa rơi xuống đa phần rũ héo; chỉ riêng màu đỏ chói thì phải qua hai, ba hôm nữa mới dần bầm đi và hoà xác thân trong lòng đất ẩm. Hoa gạo bốn mùa rụng nở như những ngọn nến, lặng lẽ sáng, lặng lẽ phát quang và làm một người gác cửa hiên ngang cho miền hoài cổ yên ả, thanh tịnh này.

Đình làng xưa: Hồn quê đất Việt - P1 (Ảnh) - Trí Thức VN

Những ngày sang xuân, mưa bụi lất phất, có chạy trong mưa cũng chỉ làm mái tóc mềm đi chứ không thể khiến cho áo quần sũng nước như những cơn mưa quê tháng Bảy. Từ xa, trông ngôi đình lờ mờ và xa vắng hơn thường lệ. Những buổi họp chợ vẫn đông đúc, màu tấm bạt rách phất phơ, không che kín được từng ngọn gió tàn đông lạnh lẽo, thổi thốc vào từng chân tơ kẽ tóc. Không khí tấp nập và đượm mùi hương của những nén trầm dở dang vẽ những vòng khói loằng ngoằng đầy ảo diệu, huyền hoặc.

Ngôi đình đầu năm được sửa soạn khang trang để đón những ngày hội lớn. Đình làng rộn rã hơn bao giờ hết, những hàng cờ đuôi tôm nối nhau chạy hết khoảng sân nho nhỏ, lư hương trước cửa ra vào lúc nào cũng bốc hơi ấm cúng của đám tro vừa rũ mình từ những thân nhang còn đỏ. Không khí tinh sạch và thoáng đãng lạ kỳ đan lồng trong mùi hương của những dãy lồng đèn mới mua- những chiếc đèn chong sáng xuyên đêm và chỉ tắt đi khi trời dần sáng. Cứ thế, “ồn ào và lặng lẽ”, ngôi đình sống thầm cuộc đời mình trong những hoài niệm của người ở xa và trong phút thực tại của người ở gần.

Tôi vẫn nhớ những ngày hội làng, từ tờ mờ sáng đã thấy những bóng người vừa lạ vừa thân. Lũ trẻ chúng tôi cơm sáng no căng mới được đến đình với bộ đồ mới. Đôi lần gặp nhau lại là phút giây cho sự chạnh choẹ, khoe khoang sống dậy, nhưng niềm vui thì cứ vẫn hồn nhiên và đầy ắp. Ai nấy đều trang trọng, lịch sự và luôn mỉm cười- nụ cười mở đầu cho hành trang 365 ngày tiếp theo dài đẵng trong suy nghĩ của tôi. Tiếng chống chiêng, tiếng tụng gõ, tiếng những bước chân chạy nhảy, tiếng khấn, bài cầu tự…tất cả tôi thu lại từ một ánh nhìn trong veo và lắm lúc bỡ ngỡ, xen lẫn sự phấn khích, háo hức lạ kỳ. Một đám bồ câu đâu đó vỗ cánh bình an trên những thân cây xà cừ hay nơi mái ngói, một tiếng chồi non tách vỏ thật to và mạnh mẽ, sung tràn; mùi đào, mùi mai, mùi nắng lấp ló lẫn trong hơi thở cổ kính của những nén nhang đang tàn dần, trái tim tôi cứ thế an nhiên và nhẹ bẫng muôn phần.

Tôi đã gắn trọn cả mười tám năm tuổi trẻ để thấy mình dần lớn cùng sự đổi thay mỗi ngày của ngôi đình ấy. Rêu phong ít nhiều đã vơi đi và rồi bị quét sạch hẳn bởi xi măng và hồ bê tông. Phượng vĩ không còn, cây bàng không còn và cây xà cừ cũng không được toả bóng tròn như ngày trước nữa; chỉ duy nét cổ kính là vẫn hiện hữu để lấn át đi sự bảo tồn tân tiến của con người. Và cũng chỉ duy có một tuổi bé nồng nhiệt vẫn ở lại đó, ở lại trong cả ký ức non nớt của tôi, của chúng tôi, của lũ trẻ làng quê tự thuở mới bắt đầu học cách nhớ ghi và yêu thương những điều sáng trong nhỏ nhặt nhất.

Mùa hạ lại về, dẫu không còn những ngày gọi nhau đi bắt châu chấu, ve sầu hay hái bàng non; chúng tôi vẫn còn những mùa lúa chín rục vàng phơi nắng trong sân đình- vừa đủ dấu yêu để nhắc tôi về một thời xa xăm nào đó đẹp lắm, đáng yêu lắm. Ngôi đình vẫn thế, âm thầm làm một chốn cổ tự thanh bình và lắm lúc như một người tri kỷ nặng tình- người tri kỷ cũ sờn vẫn đang kéo lê cuộc đời mình qua tiềm thức của nhiều lắm những thế hệ ngày ấy, bây giờ và cả mai sau.