Hồi còn học phổ thông, chúng ta thường được dạy rất nhiều về các định luật như: định luật phản xạ ánh sáng, định luật bảo toàn năng lượng, định luật Newton, định luật Ôm, định luật Junv.v… Nhưng có một định luật mà trong nhà trường không hề dạy chúng ta, đó là Định luật Nhân Quả.

Tất cả các định luật trên không phải do các nhà khoa học tự sáng tạo ra, mà là do họ đã phát hiện và chứng minh nó bằng khoa học thực nghiệm. Từ đó chúng ta dễ dàng tin tưởng chúng. Luật Nhân quả cũng tương tự như vậy, nó cũng được Ngài Thích Ca Mâu Ni phát hiện ra và truyền lại cho đời. Nhưng vì Luật này nó không biểu hiện trong một đời một kiếp, nên người ta không dễ dàng thấy được và không tin nó. Nhưng dù có tin hay không thì Định luật này nó vẫn hiện hữu và tác động lên chính mỗi con người chúng ta. Mỗi ngày chúng ta sống đều phải chịu theo nghiệp quả báo của mình. Chúng ta của ngày hôm nay chính là kết quả của những hạt nhân hồi quá khứ. Cuộc sống chúng ta nghèo nàn hay sang trọng, hạnh phúc hay khổ đau, sung sướng hay cực nhọc, tất cả đều do nhân của nhiều đời nhiều kiếp trước. Chính vì chỉ biết và sống trong một đời này mà thôi nên chúng ta không thể chứng mình được rằng kiếp sau ta sẽ như thế nào, nên nhiều người nghĩ rằng Luật nhân quả không hề tồn tại. Và thế là họ cứ sống theo bản năng, dục vọng, sống buông thả.

Ý nghĩa cội rễ của Luật Nhân Quả

Nhưng từ Nhân mà đi đến Quả thì phải còn một quá trình ở giữa gọi là Duyên. Duyên tựa như điều kiện giúp cho hạt Nhân đi đến đơm hoa kết trái, tựa như khi ta gieo hạt giống xuống đất mà nếu không tưới nước, không bón phân, không vun trồng thì hạt nhân ấy sẽ không nảy mầm và không lớn lên và ra trái. Nhiệm vụ của ta trong cõi đời này, ngoài việc tạo tác nên nhiều hạt giống thiện lành, còn phải biết tạo nên những duyên lành, để giúp cho những nghiệp xấu ác lặn đi, tươi xới cho những hạt giống tốt được nảy mầm. Sống trong chánh niệm, trong tỉnh thức, biết tạo nhiều việc phước lành, bố thí,.. tất cả đều là những duyên lành giúp cho chúng ta có những phước báu về sau.
Nhân quả là điều không ai tránh khỏi. Bởi nên nếu đời này mình có nhiều điều bất trắc, không được như ý thì càng nên tu tập để có được một tương lai tốt hơn. Cuộc đời như một giấc chiêm bao, sớm còn tối mất nên phải cần tu học tinh tấn. Xin mượn bài thơ của thiền sư Vạn Hạnh để kết thúc bài viết này:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thị đệ tử)

Tạm dịch là:

Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ hoa tươi tốt thu qua rụng rồi
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như giọt sương mai đầu cành