Chuyện rằng thời Tống có một nàng ca nữ tên Triệu Phi Yến đã mê hoặc Hán Thành Đế bằng một điệu múa độc đáo. Cô quấn dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Với thân hình mảnh khảnh uyển chuyển như tiên nữ, nay nhấn nhá thêm vào đôi bàn chân nhỏ bé làm Triệu Phi Yến như đang bay lượn. Hán Thành Đế thấy lấy làm yêu thích mà ra lệnh cho các cung phi khác học theo. Và từ đó, tục bó chân ra đời.

Một bé gái trong độ tuổi từ hai đến năm tuổi sẽ được mẹ và bà bắt đầu bó chân. Vì còn nhỏ, khung xương chưa cứng nên dễ dàng thực hiện hơn. Bàn chân bé nhỏ được ngâm vào một thau nước ấm có thảo dược và máu động vật rồi từ từ xoa bóp sau đó bẻ gập các ngón chân xuống, ép vào lòng bàn chân. Khi đó, xương vòm bàn chân bị bẻ gãy rồi cả bàn chân bị quấn lại trong băng vải được nhúng trong hỗn hợp nước thảo dược và máu động vật dài khoảng 3-5cm. Người ta nén gọn chân vào băng vài và kéo mạnh về phía gót chân cho đến khi nước bị vắt kiệt. Băng vải sẽ được thay định kì 2 ngày một lần và mỗi lần thay băng là mỗi lần càng bị bó chặt hơn, người bị bó cũng càng đau đớn. Người ta còn đánh mạnh vào để xương chân các cô gái bị vỡ nát. Các cô gái còn bị bắt đi lại để bàn chân biến dạng hơn nữa. Quá trình này kéo dài trong vòng hai năm, khi đó, chân các cô gái sẽ có hình dạng “gót sen” mãi mãi như thế.

“Gót sen” hay “gót hoa” thời phong kiến được cho là chuẩn mực của cái đẹp. Người con gái có đôi chân bó nhỏ khi bước đi sẽ không vững vàng mà như cành hoa lay trước gió, làm người ta thấy rất yểu điệu. Đôi chân lả lướt này cũng là dây trói trói buộc các cô gái ở nhà, không thể đi đâu quá xa và chỉ có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình. Cho nên, ở thời đại này, bó chân là việc bắt buộc nếu cô gái đó muốn lấy được chồng.

Cũng vì những lý do trên mà khi một cô gái không có đôi bàn chân “gót sen” sẽ phải lấy chồng với đẳng cấp kém hơn mình hoặc nếu gia cảnh không giàu có sẽ bị bán thành nô lệ. Họ sẽ bị khinh thường. Đối với thời xưa, đôi bàn chân càng nhỏ thì chứng minh được là cô gái đó càng đẹp, càng dễ lấy được chồng hay được gả vào hào môn.

Dù quá trình tạo ra bàn chân “gót hoa” tàn nhẫn đến thế, nhưng đến tận đầu thế kỷ XX vẫn còn tập tục này dù nhà nước đã cố gắng xóa bỏ nó. Những người cai trị thuộc tộc Mãn Thanh đã cố gắng bài trừ hủ tục này nhưng không thành công. Vào những năm cuối thể kỉ XIX, các nhà trí thức phương Tây đã bắt đầu lên tiếng phản đối tập tục vô đạo đức này nhưng phải đến những năm 1920 mới có khởi sắc trong nhận thức của một số người. Và tận năm 1948, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, hủ tục bó chân bị nghiêm cấm. Đến cuối thập niên 1960 thì tập tục này về cơ bản cũng biến mất.

Ngày nay, cũng còn một số cụ già còn đôi bàn chân gót sen, mang dấu vết thời gian về một tập tục tàn nhẫn thể xác, về tiêu chuẩn cái đẹp kỳ lạ của người xưa. Đó cũng là những chứng tích của tư tưởng phong kiến coi trọng đàn ông quá mức trong Nho giáo.