Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đồi trung du Phú Thọ, nơi có những nương sắn, nương ngô và không thể thiếu bóng dáng những cây cọ. Vì thế mà hình ảnh cây cọ cứ thế đi vào lòng tôi một cách tự nhiên nhất.
Cây cọ có từ khi nào? Tôi chẳng rõ, chẳng ai rõ điều đó, chỉ biết rằng khi tôi sinh ra thứ đầu tiên mà tôi nhìn thấy có lẽ chính là những mái nhà lợp lá cọ. Để rồi cọ cứ thế đi vào tuổi thơ tôi, mỗi lần nhìn lên mái nhà tôi lại tự hỏi, mái lá ấy có bao nhiêu tàu lá cọ, và mái nhà ấy đã rọi bao nhiêu lần rồi, mỗi khi như vậy tôi lại đếm, nhưng chẳng khi nào đếm đủ, bởi giấc ngủ luôn đến với tôi thật nhẹ nhàng. Còn nhớ, ngày ấy ở nông thôn quạt điện vốn là một thứ rất xa xỉ, mà thú thực cho đến năm tôi mười tuổi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ được gọi là “quạt điện”, vì thế lá cọ trở thành quạt, bố vẫn vui vẻ gọi đó là “quạt rời”. Lá để làm quạt phải là những lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, lành lặn không bị rách hay cháy nắng, phải như vậy mới đủ đẹp và dẻo dai. Tìm được lá cọ đủ tiêu chuẩn làm quạt, ta tiến hành chặt những lá ấy ra rồi tỉa chúng thành hình tròn hoặc những hình dạng như mong muốn sau đó đem chúng phơi dưới nắng hè. Mùa hè oi ả, nóng bức nhưng chính những quạt cọ đung đưa nhịp nhàng trên tay của bà của mẹ lại mang lại những làn gió mát lành cho những giấc ngủ của tuổi thơ chúng tôi thật êm đềm. Không chỉ là mái nhà, không chỉ là quạt cọ, mà chiếc chổi quét sân, chiếc mành tôi nằm ngủ mỗi ngày cũng là hiện thân của cây cọ trong đời sống con người.
Chúng tôi ngày một khôn lớn, đồi cọ vẫn đứng đó hiên ngang, thân cọ sừng sững, lá cọ xòe ra xanh mát một góc trời. Đồi cọ như những người già làng yêu thương, hàng ngày đứng đó che chở, bao bọc lấy ngôi làng. Ngày tháng trôi qua đất trời có những sự thay đổi tương ứng với từng mùa. Mùa xuân, trên ngọn cọ mọc lên những chiếc gươm xanh biếc, thứ màu xanh ấy khi được nắng xuân rọi vào nhìn tựa ngọc bích. Và rồi những chiếc gươm ấy xòe ra những tia nắng, các tia nắng xanh ấy bám lấy cái đường tròn ngộ nghĩnh, tựa như những “mặt trời xanh”. Mỗi ngày nhìn đồi cọ lung linh dưới nắng xuân lòng tôi lại thấy rạo rực nhựa sống. Hạ về, lá cọ trở nên xanh hơn, tươi tắn và tràn đầy sức sống. Ô kìa! trên ngọn cọ đâu đó những buồng cọ vươn ra đỡ lấy những chùm hoa nhỏ li ti, thoảng một thứ mùi đặc trưng, không hẳn thơm, thứ mùi ấy cứ phảng phất trong gió, giống như mùi của các loại hương đồng cỏ nội nơi vùng đất trung du từ ngàn đời nay quện vào nhau, vì thế mà nó vừa nồng nàn hương đất nhưng cũng dịu dàng như hương cỏ mật. Thu đến, màu quả non nổi lên trên nền lá xanh để khi đông sang, những quả cọ trở nên sẫm màu, quả chín lũ chúng tôi háo hức lấy về cho lên om ăn béo ngậy.
Cuộc sống vẫn vậy ngày này trôi qua thì ngày khác lại đến, cũng như xuân qua hạ tới, đông sang thì thu tàn, cứ vào dịp cuối năm những tàu lá cọ lại được chặt đi để lợp, rọi nhà chuẩn bị đón Tết, xuân sang lá non lại mọc như một chu kỳ. Nhưng giờ đây cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhà tầng mọc lên, nhà ngói, các loại tấm lợp thay thế cho mái nhà lá đơn sơ. Quạt điện, điều hòa thay thế cho quạt lá cọ,…Trong cuộc sống của mỗi người, giá trị của cây cọ mất dần đi.
Mỗi lần trở về quê, tới đầu làng nhìn thấy đồi cọ vẫn đứng đó, thân cọ nghiêng mình âu yếm, tán cọ xòe ra như những người tộc trưởng chào đón đứa con của làng trở về, lòng tôi lại vui sướng đến lạ lùng. Đồi cọ cho tôi sống lại những ngày thơ ấu hồn nhiên và yêu đời. Nhưng lòng tôi không tránh khỏi những lo âu, quá trình công nghiệp hóa gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, những cây công nghiệp, hoa màu ngắn ngày dần thay thế cho cọ. Những thân cọ hiên ngang cứ thế gục ngã theo thời gian. Lỡ đâu một ngày nào đó, tôi trở về làng mà chẳng thấy đồi cọ đứng đó, chẳng thấy những vị tộc trưởng thân yêu nghiêng mình trong nắng để chào đón chúng tôi, và lỡ đâu tuổi thơ tôi cũng bị chôn vùi theo những hình bóng thân thương ấy. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa tôi tự nhủ, đồi cọ và hình ảnh cây cọ sẽ luôn chiếm một vị trí trong tim tôi, tỏa những ánh mặt trời xanh biếc soi sáng tâm hồn tôi dù là tôi đang ở bất cứ nơi đâu.