Tuổi 22 – những ngày tháng sống vội vàng, vội vàng tìm một công việc, vội vàng phấn đấu, vội vàng học hỏi, vội vàng đạt thành tích và vội vàng trong cả chuyện tình cảm.

Năm nay có lẽ là năm mình đã bước vào độ tuổi trái khoáy hơn bao giờ hết, mong muốn tự lực cánh sinh hơn bất kì năm nào trước đó.

Ngày mình năm nhất Đại Học từ chuyện nhỏ nhất đi chơi, quên cả mình vẫn đang cắm siêu tốc, nhớ ra trong lòng run sợ “Cháy mất cái siêu mua, cháy luôn cả cái phòng trọ”, chẳng ngần ngại mình gọi ngay cho mẹ hỏi siêu tốc có tự ngắt không?

Bây giờ mỗi lần gặp phải chuyện gì mình vẫn đều muốn nhấc máy lên gọi ngay cho mẹ, hoặc gửi ngay vài dòng tin nhắn cho các chị nhưng lại do dự vì sợ mọi người lo lắng hơn, cảm thấy thất bại cho bản thân.

Những năm tháng bước vào đời là cảm hứng và chất liệu mà rất nhiều người đã viết, đã cảm nhận và có những bài học rút ra cho chính họ. Quy chung lại là nhắc đến hai từ “trưởng thành”. Mình không phải là ngoại lệ bởi vì mình đang trải qua những ngày tháng ấy, chênh vênh, mông lung về mọi thứ. Có những áp lực, bất công khi mà những cố gắng, nỗ lực không được công nhận, thấy được sự mất mát và cả sự tổn thương.

12 cách hiệu quả để vượt qua khủng hoảng tâm lý | Prudential Việt Nam

Rất muốn dựa vào bản thân nhưng lại phát hiện bản thân chưa đủ để dựa. Chúng ta muốn là chính mình nhưng lại chưa khám phá ra mình là ai. Muốn an ủi bản thân còn nhỏ nhưng lại rõ ràng hơn ai hết, chúng ta đã hết tuổi được nhà trường bao bọc- đó là quyền lợi của những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn chúng ta rất nhiều. Giờ đây dù muốn hay không, đã đều đã bị thời gian đẩy ra dòng đời ngoài kia.
Mình biết mình không phải là người duy nhất cảm thấy không ổn ở độ tuổi này, bởi dù nhìn thế giới có vẻ hoàn hảo thế nào thì mình luôn biết rằng : “Không ai muốn cho người khác biết những trăn trở và cảm xúc tiêu cực của mình”.

Điều cần làm là biết được bản thân cũng là con người cũng có những lúc mọi thứ diễn ra không như ý muốn của mình, có thể buồn, phẫn nộ, đau khổ rồi mọi thứ sẽ qua. Đôi lúc mọi chuyện không ổn cũng chẳng sao cả!

Vỡ lẽ ra nhiều điều từ những chuyện đã qua “thật ra không ai quan tâm nhiều đến mình nhiều như mình nghĩ, mọi lời nói đều trở thành gió bay” những gì đã qua hãy để nó qua, đừng suy nghĩ hay tiếc nuối bất cứ điều gì. Bởi vì nó là kết quả từ quyết định của mình trong quá khứ, nó xuất phát từ chính mình và do mình. Cho nên phải học cách chấp nhận, không đổ lỗi đó là trách nhiệm với chính bản thân.

Ngày còn nhỏ mình luôn nghĩ rằng “trưởng thành” là khi con người ta có công việc ổn định, có gia đình và có con cái , đơn giản mình hiểu từ câu nói “Gừng càng già càng cay”, người càng lớn tuổi càng có nhiều trải nghiệm và hiểu sự đời. Và rồi càng lớn mình càng nhận thấy nó không đúng hoàn toàn, có những người tưởng chừng như đã hoàn toàn trưởng thành nhưng lại hành xử như một đứa trẻ.

Mình từng đọc quan điểm về “trưởng thành” khoảng hơn 1 năm từ lời dịch của một Blogger, một Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ – Chi Nguyễn trong chappter “Forward Thinking”.(Bây giờ chị ấy ra thêm cả nhiều bài radio chuyển thể từ các bài viết, mọi người có thể ghé qua: https://thepresentwriter.com/podcast/)

Cuốn sách sách “Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời” (The Defining Decade) của Tiến sĩ/Nhà tâm lý học Meg Jay, tôi càng chắc chắn hơn về sự hoài nghi của mình đó là một người dù 40 hay 50 tuổi không có nghĩa họ đã trưởng thành, một đứa trẻ 17-18 tuổi hoàn toàn có thể được coi là trưởng thành nếu chúng có suy nghĩ đủ chín chắn, đủ từng trải, vị tha và có chính kiến của riêng mình “… Lối suy nghĩ hướng về phía trước không chỉ đến cùng tuổi tác. Nó đến cùng thực hành và trải nghiệm trong cuộc sống. Đó là lí do tại sao có những người mới 22 tuổi đã rất tự chủ, hướng đến tương lai, biết mình nên làm gì ở những tình huống bấp bênh. Trong khi đó, có những người đến 34 tuổi rồi mà đầu óc vẫn còn đang lạc lối…”

Người lớn và trẻ con chung quy lại chỉ khác nhau về suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc đời. Xã hội chỉ có thể bao dung một đứa trẻ chứ không bao giờ chấp nhận “một đứa trẻ ” trú ngụ trong thân xác một kẻ đã lớn.

Đôi khi, khủng hoảng tâm lý lại là đòn bẩy vô cùng quan trọng, giúp con người bước sang một trang cuộc đời mới.

Trong quá trình giải quyết cơn khủng hoảng, có người tìm đến thiền định, du lịch, hay như mình đọc sách và viết ra từng cảm xúc suy nghĩ của mình. Sau cuộc “rút lui” đó nhiều người trong số chúng ta học cách bình tĩnh hơn, trưởng thành hơn. Vì họ đã tìm được cho mình trải nghiệm mang đến sự bình yên tại tâm.

Còn bạn, bạn chọn cách nào để đi qua những năm tháng này?