Có con đường mọc đầy hoa dại, đất đá lao xao theo bước chân người.
Tuổi thơ nhiều người đầu trần chân đất, trốn giấc ngủ trưa rong ruổi hết các
ngõ ngách, xóm làng. Con đường quanh queo vào làng tôi có đoạn phơi mình
giữa nắng, có đoạn ẩn dưới hàng tre, mỗi trưa hè gió lùa thành tiếng nhạc kẽo
cà kẽo kẹt như miền cổ tích. Đám trẻ thơ thuộc nằm lòng, đến nỗi có thể
nhắm mắt mà đi, ban đêm cũng chẳng cần soi đuốc. Này là đường qua nhà cô
Nhung, mùa hè bao nhiêu là thơm, là mít. Này ngõ lên bà Huế, leo ngang gốc
thầu đâu sần sùi những rễ. Này là lối rẽ nhà bà Hược, trước ngõ có cây chay,
trái chín vàng ươm mà chua cũng…vô địch. Này là những bậc đá lên nhà cậu
Lễ, trưa nào cũng thi nhau bắt cun cút, chơi ông làng (ô ăn quan), chơi tít te
(trốn tìm)… Tiếng hồn nhiên trẻ thơ vang mãi trong nhung nhớ. Có lần, trong
bài làm văn lớp 4, tôi còn đánh bạo ví con đường làng mình như… một cây
cổ thụ khổng lồ nằm ngang. Thân cây là đường chính, mỗi nhánh là một ngả
về khu vườn với những mái tranh, chiều chiều vương khói bếp.

Tả con đường làng em | Văn mẫu lớp 5
Đó cũng là con đường đến trường của những đứa trẻ nhà quê. Mùa mưa
xăn quần xách dép đi trong lầy lội. Lấm lem. Ướt như chuột lột. Có khi đi học
cũng bắt được cá đem về . Mùa xuân, trời ấm lên. Là những mép đường dần
dần khô ráo. Cỏ bắt đầu ra lá, đơm hoa. Cỏ dù, cỏ đuôi chồn, cỏ mực và vô
số những loài thảo mộc không tên thi nhau khoe sắc trắng xanh vàng tím. Con
đường thơ mộng hẳn. Hạ tới, sau cơn mưa rào, nghe bừng lên mùi oi nồng
của đất, nghe thoang thoảng hương cau. Con đường bừng màu nắng hạ trong
tiếng ve râm ran, mỗi chiều ngan ngát hương dủ dẻ. Đẹp đến ngẩn người là
vào độ lúa chín. Cánh đồng rộn ràng sắc vàng tươi. Những bông lúa trĩu oằn
câu ra bờ đường, vàng óng như kén tằm, dường như muốn làm nũng. Con
đường thơm lừng mùi rơm rạ. Rơm phơi đầy đường, đi êm chân như bước
trên thảm cỏ. Phải đi hoặc chạy bằng chân đất, dù có khi xốn xang vì sỏi đá,
lúc thả cánh diều bay bổng cả miền tuổi thơ, mới cảm nhận được sự nhân hậu
dịu dàng của con đường. Miền quê yêu dấu nem nép mình dưới những hàng
cau…
Hiền hậu và thủy chung, dù vạn vật không ngừng biến chuyển. Bao
nhiêu mùa lúa, bao nhiêu mùa khoai, bao nhiêu mùa nắng hạn, bao nhiêu đợt
lũ về. Bao nhiêu phận người với hạnh phúc và khổ đau … Không ai có thể
đếm xuể. Chỉ có con đường không tên không tuổi, lặng lẽ với mưa nắng mới
có thể trả lời. Thầm lặng, độ lượng và bao dung, chứng nhân tươi đẹp này
luôn rực rỡ trong nỗi nhớ, dù đó là một thời đã xa.
Ngày nay, trong vô vàn dự án phát triển nông thôn mới, nhiều con
đường làng đã được bê tông hóa. Phải khẳng định rằng, đó là dấu hiệu đáng
mừng của sự đổi thay, là minh chứng sinh động cho sự phát triển. Con đường
vẫn quanh co, nhưng dường như đã hết dịu dàng. Nó không thể đổi sắc theo
mùa. Nó không còn lạo xạo đất đá. Trong niềm luyến tiếc tuổi thơ, lòng bỗng
nhớ đến ánh nhìn ngẩn ngơ của S. Yesenin, “ chiếc đại phong cầm” của thi ca

Nga cứ dõi theo bóng đoàn tàu lửa mà thao thiết nhớ về những chiếc xe ngựa,
nhớ sự thảng thốt của E. Hemingway khi xem mình thuộc “thế hệ mất mát”
trước nền văn minh công nghiệp Mỹ. Tất nhiên, mọi sự phát triển đều có
những được mất, âu cũng là lẽ thường. Con đường quê, giờ đã thay đổi,
nhưng tôi tin hồn quê mãi lung linh. Cũng như bóng dáng quê nhà luôn là
một phần không thể thiếu trong trái tim ai còn vỗ nhịp xôn xao.
Trong mênh mang cảm xúc, “một lần chợt nghe quê quán tôi xưa”,
người vẫn còn “đường về tình tôi có nắng rất la đà”. Nắng vẫn la đà hay nỗi
niềm cố quận luôn thường trực trong nhung nhớ yêu thương…