Trong kí ức tôi, làng quê xưa luôn vẫn sống êm đềm, trầm lặng sau lũy tre làng. Thoảng hoặc mới có tiếng người bán hàng rong vọng lên xua tan cái không khí tĩnh lặng, hắt hiu ấy giữa ban trưa. Những tiếng rao rất đỗi quen thuộc một thời ấy đã trở thành âm thanh của hoài niệm trong kí ức mờ xa…

Thưở ấy, người dân quê khép kín sau lũy tre làng, vốn đã quen tự cung tự cấp, nhu cầu cuộc sống cũng giản đơn nên chẳng mấy ai thiết nghĩ đến chuyện giao thương bên ngoài. Phiên chợ quê cũng chỉ đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống thôn quê. Thế nên nhờ có tiếng rao của gánh hàng rong mà xóm làng tôi chộn rộn đôi phần.

Tôi vẫn nhớ như in bà buôn đồng nát hay ở trọ lại nhà tôi. Bà tên Kha, quê ở Phú Thành (Yên Thành). Thuở ấy, chưa có xe đạp nên bà chỉ đi bộ, quảy trên vai một đôi gánh, một đầu là xoong nồi bằng nhôm mới, một bên là những thứ đồng nát bà đổi được cộng thêm gói kẹo cau để “hối lộ” con nít. Bà tử tế, biết điều nên cha tôi rất nể bà, cho bà ở và đổi cho bà rất nhiều thứ mỗi lần bà lên. Những nồi đồng, mâm đồng nặng trịch, thậm chí là dây phơi quần áo bằng đồng cũng được đổi cho bà để lấy những dụng cụ nhà bếp hiện đại và nhẹ hơn.

Có lần, bà đổi được của nhà ai trên mạn ngược một chiếc bàn là con gà bằng đồng ủi bằng than đã nhượng lại cho nhà tôi, bởi bà biết nhà tôi nhiều con gái nên cần là quần áo cho phẳng phiu. Tôi vẫn còn mường tượng được hình dáng và giọng rao trầm ấm mà thôi thúc của bà “Ai có nồi đồng, xoong thủng, dép nhựa hư hỏng bán đổi xoong mới đê… đê”. Giọng rao của bà đã thành một phần âm thanh trong kí ức làng quê xưa. Tôi lớn lên, đi học xa nhà, trở về không còn thấy bóng dáng của bà đến với làng tôi. Chắc là bà đã già yếu, đã qua đời… ?! Thế nhưng tiếng rao, chiếc bàn là vẫn là một kỷ vật quý báu với gia đình tôi.

Hiện đại hơn bà đồng nát là anh bán kem que. Một chiếc xe đạp cà tàng đèo sau là một thùng gỗ được bọc bằng xốp, đựng trong đó là nỗi ước ao của mọi đứa trẻ quê. Anh không rao mà có chiếc kèn bóp bằng tay kêu lên âm thanh “bọp… bi… bọp”. Anh đến làng nào cũng túa ra đầy những lũ trẻ vây quanh: đứa thì chiếc dép hỏng, đứa thì chiếc xoong sứt quai hoặc thủng đáy, đứa khác là đùm lông vịt, có đứa là một mớ tiền lẻ vò nhàu… Tay háo hức cầm que kem mát lịm, mắt sáng rực nỗi khát thèm. Chiếc kem que đá nhiều hơn đường sữa thế mà quyến rũ suốt cả một thời thơ dại. Có được que kem, đứa nào cũng chỉ dám mút nhẹ cho nó tan dần nơi đầu lưỡi chứ nào dám cắn bởi sợ nhanh hết. Nếu hai anh em mà chỉ có một chiếc kem thì lần lượt luân phiên nhau mút, rồi nạnh nhau chí chóe vì đứa này mút lâu hơn đứa kia đến nỗi mẹ phải giảng hòa… Tiếng “bọp…bi… bọp” với chiếc thùng đầy ắp kem cứ chập chờn hiện về trong giấc ngủ ấu thơ.

Những gánh hàng rong chật vật “vượt bão” Covid-19 mưu sinh | Báo Dân trí

Cũng đi xe đạp để bán hàng rong nhưng vất vả hơn anh bán kem là chị bán muối (thực ra là đổi muối). Những diêm dân Diễn Châu đạp xe mấy chục cây số, đi từ sáng tinh mơ đến non trưa mới tới được làng tôi. Sau xe là là bì xác rắn đựng đầy muối, trước ghi đông là chiếc cân quả móc, người ướt đẫm mồ hôi, rướn giọng rao “Ai muối không ?”. Hồi ấy, gia vị chính trong mỗi bữa ăn của mọi gia đình là muối nên rất nhanh hết. Hơn nữa nếu đổi muối nhiều để trong chiếc nừng (dụng cụ đan bằng nứa) thì nó cũng sẽ chảy nước.

Dạo quanh một vòng trong làng là bì muối đã vơi cạn thay vào đó là lưng bì lúa. Cứ 2 muối = 1 lúa; bữa nay chị này, ngày mai chị khác, đường làng không mấy khi vắng tiếng rao đổi muối. Khi nghe tôi nói thương người đổi muối vất vả giữa trưa nắng chang chang, mẹ tôi cười bảo: – Dân quê mình còn đáng thương hơn, 6 tháng trời đầu tắt mặt tối chân lấm tay bùn mới làm ra hạt lúa; chứ làm ra hạt muối chỉ cần một ngày. Ừ thì diêm dân hay nông dân cũng gian nan, cũng tay làm hàm nhai cả thôi; chỉ có kẻ chức quyền, tham ô tham nhũng mới ngồi mát ăn bát vàng…

Ngày nay, vẫn còn người bán hàng rong nhưng đã hiện đại hơn rất nhiều. Vận chuyển hàng bằng xe máy, xe ô tô; tiếng rao bằng băng ghi âm thu sẵn; thậm chí còn rao hàng qua mạng online. Thế nhưng những tiếng rao khó nhọc của một thời khó nhọc trên những đường làng cứ vang vọng