Sốc văn hoá là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ sự lo lắng và những cảm xúc (ngạc nhiên, mất phương hướng, bối rối, v.v…) mà một người cảm thấy khi phải hoạt động trong một nền văn hóa hay môi trường xã hội hoàn toàn khác, ví dụ như ở nước ngoài. Điều này nảy sinh từ những khó khăn trong việc hòa nhập với nền văn hoá mới, là nguyên nhân của việc khó lòng nhận thức cái gì là thích hợp và cái gì không. Tình trạng này thường đi đôi với sự căm ghét (vì lý do đạo đức hay mỹ học) đối với một số khía cạnh nhất định của nền văn hoá mới lạ hoặc khác biệt kia. Khái niệm này được Kalvero Oberg đưa ra lần đầu năm 1954. Một vài nhà nghiên cứu khác sau đó cũng đã nghiên cứu về “sốc văn hóa” còn có Michael Winkelman.

Thông qua phim điện ảnh Outsourced (2006) – người viết minh họa cụ thể các giai đoạn sốc văn hóa cũng như các xung đột văn hóa dựa trên các tình tiết trong phim để người đọc nắm bắt rõ hơn vấn đề này. Outsourced là phim đề cập đến một hình thức kinh doanh trở nên phổ biến từ cuối thế kỷ XX nhằm tiết kiệm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận thu vào. Cũng từ hình thức kinh doanh outsourced (thuê ngoài) này trong lĩnh vực kinh tế mà các nền văn hóa có cơ hội xích lại gần nhau hơn thông qua tương tác giao tiếp. Bộ phim là một ví dụ sinh động của các giá trị khác nhau: xã hội coi trọng cá nhân – xã hội coi trọng cộng đồng, xã hội coi trọng bình đẳng – xã hội coi trọng sự phân cấp. Bên cạnh đó, người xem cũng có thể thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa thông qua hình thức kinh doanh này.

Phần 1: Các giai đoạn sốc văn hóa của nhân vật nam chính.

Trong bộ phim Outsourced, nhân vật nam chính Todd ngay từ đầu vốn dĩ không hề muốn đi Ấn Độ để làm việc, anh ta đến đó chỉ vì bị ép buộc và cần phải duy trì công việc hiện tại. Do đó, Todd đã không hề có sự thích thú hay hứng khởi đối với chuyến đi này. Todd đã trải qua ba giai đoạn sốc văn hóa như sau:

+ Thời kỳ nhức nhối (Irritation and hostility): đây là giai đoạn kéo dài nhất trong phim vì cuộc sống ở Ấn Độ hoàn toàn khác hẳn so với cuộc sống tại Mỹ. Todd đã rất vất vả để có thể chấp nhận những sự khác biệt này. Cụ thể:

• Ngày đầu tiên đến Ấn Độ, Todd bị vây quanh bởi các tài xế, họ tranh cãi với nhau để có được Todd. Sau đó anh chàng này đã gọi một tài xế taxi nhưng hóa ra lại là tài xế xe tuk-tuk (một phương tiện không hề được sử dụng tại Mỹ), Todd chưa kịp ngồi ngay ngắn thì xe đã chạy khiến Todd cảm thấy sợ hãi vì loại phương tiện không an toàn này, không những vậy các tài xế khác vẫn chưa buông tha cho Todd mà tiếp tục níu kéo anh khi xe tuk-tuk đã lăn bánh. Phương tiện giao thông kỳ lạ cùng cách hành xử quái dị của tài xế khiến Todd cảm thấy hoang mang và sợ hãi.

Hot girl ĐH Văn hóa đẹp rạng ngời trong bộ ảnh đón Xuân

• Trên xe tuk-tuk, Todd ngắm nhìn đường phố và trông thấy các khu nhà xập xệ, đầy rác ở các ngõ hẻm, các loại phương tiện khác nhau thì chạy lung tung, người sử dụng xe hai bánh thì không đội mũ bảo hiểm, một đàn trâu chen ngang giữa con phố làm ách tắc giao thông, một người đàn ông tiểu tiện trong hẻm. Điều này quá khác biệt so với cuộc sống văn minh, hiện đại mà Todd đã sống từ trước đến nay.

• Khi Todd đi tàu lửa, hành động phải nhảy lên tàu khiến Todd cảm thấy khiếp sợ. Trên tàu lửa lại không có chổ ngồi khiến Todd lúng túng, sau khi được một đứa trẻ nhường chỗ , đứa bé lại ngồi trên đùi của Todd. Tuy nhiên khi nhìn sang đoàn tàu bên cạnh, Todd trông thấy các hành khách chen lấn nhau trên các cửa ra vào của toa tàu rất nguy hiểm thì anh ta đã không phản ứng gì thêm với đứa trẻ. Điều này cho thấy tại Ấn Độ phương tiện công cộng còn quá lạc hậu và không đảm bảo an toàn, khác hẳn hoàn toàn so với nước Mỹ đầy đủ tiện nghi của Todd.

• Khi đến văn phòng, lần đầu nhìn thấy nó Todd không thể tin rằng đó là một văn phòng vì nó đang xây dang dở, sau đó Todd nhìn thấy một con bò xuất hiện ở nơi làm việc của anh ta, đến cuối phim thì nước từ nông trại ngập vào tận văn phòng. Điều kiện làm việc tồi tệ càng làm cho Todd thêm bị sốc khiến anh ta chẳng tha thiết ăn uống.

• Phòng ngủ của Todd có ảnh của một vị thần, tay cầm kiếm, tay kia cầm đầu người khiến Todd cảm thấy ám ảnh vì khác biệt tôn giáo. Khi Todd đi trên phố thì bị một đứa trẻ xin tiền lấy cắp điện thoại. Todd mua cola để uống thì phát hiện ra nơi này con người thô lỗ với nhau vì người bán cola đã đuổi người phụ nữ bán hàng rong một cách hung hăng. Quan trọng hơn là toilet mà Todd sử dụng lại không có giấy vệ sinh. Những điều này đã khiến cuộc sống của Todd tại Ấn Độ không chỉ đơn thuần là khó khăn trong sinh hoạt mà còn là gánh nặng tinh thần khiến anh ta mệt mỏi vì quá khác biệt văn hóa dẫn đến sự xáo trộn khủng khiếp trong cuộc sống.

+ Thời kỳ hồi phục (Gradual adjustment): đây là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi trong con người Todd, anh ta bắt đầu quen với cuộc sống, thay vì yêu cầu mọi người và mọi thứ ở môi trường mới phải thích nghi với anh ta thì bản thân Todd lại cảm thấy hứng thú với những điều ở đây.

• Lễ hội màu sắc (ném bột màu vào người khác) ở Ấn Độ khiến Todd ban đầu bỡ ngỡ, sau đó anh ta lại rất vui, anh ta hào hứng tham gia chơi cùng mọi người và gọi nó là Halloween. Điều này cho thấy anh bắt đầu chấp nhận cuộc sống và đặc điểm sinh hoạt ở môi trường mới.

• Todd thừa nhận mình cần tìm hiểu về Ấn Độ, anh ta xin lỗi các nhân viên và cho phép họ làm những điều họ thích để họ yêu văn phòng làm việc hơn, đồng thời làm việc thoải mái hơn. Trong suy nghĩ của Todd đã thay đổi rõ rệt, anh ta tự thay đổi bản thân để hòa nhập cuộc sống cùng mọi người xung quanh.

• Todd đã bắt đầu yêu thích cuộc sống tại Ấn Độ khi anh ta mua bút tặng cho đứa trẻ, mặc dù đứa trẻ đã lấy điện thoại của anh ta nhưng Todd lại cười rất vui vẻ. Sau khi kết thúc buổi tập huấn, anh ta cùng các nhân viên nhảy điệu nhảy truyền thống của người Ấn Độ và gần như không còn rào cản về ngôn ngữ Anh – Mỹ hay là khác biệt sinh hoạt.

• Todd đã yêu cầu phía công ty ở Mỹ gửi những món hàng mà nhân viên của Todd yêu thích đến Ấn Độ để làm quà cho họ, mặc dù bị phía công ty phản đối nhưng Todd đã thuyết phục bằng mọi giá để nhân viên của anh ta được hài lòng. Todd đã thật sự gắn kết được với nhân viên của anh ta.

+ Thời kỳ tái trăng mật (Biculturalism): Todd của giai đoạn này đã hiểu được rất nhiều điều về Ấn Độ, từ tôn giáo đến văn hóa, từ ẩm thực đến con người. Anh ta đã có tình cảm với một cô gái Ấn Độ, điều này chứng tỏ Todd đã yêu thích văn hóa và cuộc sống nơi đây.
• Todd cùng Asha đi phà, tìm hiểu về tôn giáo, nảy sinh tình cảm và mọi thứ trở nên thân thuộc. Todd lần đầu ăn xoài nhưng ăn một cách ngon lành đến nỗi dính đầy trên miệng vẫn vô tư tiếp xúc với lễ tân khách sạn. Chi tiết này đã phần nào cho thấy Todd đã bỏ qua sự chỉn chu hào nhoáng vẻ ngoài của người Mỹ và đến gần với hình ảnh giản dị chân chất của Ấn Độ.

• Todd gần như xem bản thân mình đã thuộc về Ấn Độ. Anh ta được dẫn đến nhà một người lạ và được họ đãi cơm, Todd đã ăn bốc bằng tay rất ngon miệng và đứa trẻ đã trả lại điện thoại cho anh sau khi trang trí nó rất đẹp. Khi nghe thông tin về việc trụ sở phải chuyển đến Trung Quốc, Todd hoàn toàn không hài lòng, anh ta không muốn đến đó và cũng không muốn nhân viên của mình mất việc. Todd của giai đoạn này đã trở nên thành thạo với đời sống của một người Ấn Độ, biết quan tâm và lo lắng cho những người xung quanh như người thân của anh ta. Điển hình là Todd đã gợi ý Asha sẽ trở thành trợ lý cho Puro, giúp Puro có công việc để cưới vợ.

• Sau khi được Asha giải thích về con mắt thứ ba trên trán, đến cuối phim Todd đã chấm lên trán ảnh của tổng thống Washington như một biểu hiện cho thấy anh đã gần như thuộc về cuộc sống, văn hóa của Ấn Độ.

Ba giai đoạn mà Todd trải qua trong phim hoàn toàn phù hợp với diễn biến tâm lý và ứng xử của con người khi phải thay đổi môi trường sống một cách đột ngột, Todd không trải qua thời kỳ trăng mật (The honeymoon stage) vì bản thân anh bị ép buộc phải đến Ấn Độ, nó không xuất phát từ việc hiếu kỳ, tò mò muốn trải nghiệm môi trường sống mới. Todd đã vượt qua cú sốc văn hóa bằng cách tìm hiểu, dung hòa và chấp nhận những gì diễn ra trong cuộc sống mới của anh, thay vì định kiến Todd học cách hài hòa, tìm kiếm điều tốt đẹp, thích ứng bản thân và hòa hợp với những con người nơi đây để cuối cùng anh và Ấn Độ, cụ thể là cô gái Asha – hai con người của hai nền văn hóa khác nhau đã chấp nhận lẫn nhau và trở thành của nhau trong cuộc sống.

Phần 2: Những xung đột văn hóa của các nhân vật được thể hiện trong các chi tiết nào?

Xuyên suốt bộ phim là những khác biệt về văn hóa, lối sống, quan điểm của các nhân vật, được khắc họa bằng những xung đột giữa nhân vật nam chính Todd và những người xung quanh anh ta. Cụ thể:

+ Lần đầu tiên gặp Puro, Puro đã phát âm tên của Todd thành “Mr.Toad”, không chỉ Puro mà hầu như tất cả mọi người ở Ấn Độ đều gọi Todd là Toad. Điều này đối với một người Mỹ như Todd thật là mất lịch sự, đến nỗi anh ta phát cáu và bảo rằng nếu có một người vợ Ấn Độ thì cô ấy sẽ gọi anh ta là Toad.

+ Puro không biết quá nhiều từ vựng tiếng Anh của người Mỹ, đặc biệt là các từ lóng hoặc thành ngữ nên Todd phải mất thời gian để giải thích cho anh ta. Khi tập huấn cho các nhân viên, Todd phải giải thích sự khác biệt giữa tiếng Anh mà người Ấn Độ sử dụng và tiếng Anh của người Mỹ mà Todd đang nói. Cụ thể, người Ấn Độ gọi gôm tẩy là rubber nhưng người Mỹ gọi là eraser. Sự khác biệt ngôn ngữ khiến Todd cảm thấy phiền toái và khó chịu trong công việc.

+ Khi Puro đến đón Todd, Puro tự ý thay đổi nơi ở của Todd mà không hỏi trước, điều này đối với người Mỹ như Todd là không chuyên nghiệp và không đúng với thỏa thuận ban đầu nhưng với Puro – một người Ấn Độ với phong cách làm việc theo cảm tính và thói quen thì anh ta chỉ muốn mang lại điều tốt đẹp cho Todd.

+ Todd bị hỏi những câu hỏi mang tính cá nhân riêng tư như hôn nhân, tình cảm,… từ người phụ nữ Ấn Độ lớn tuổi khiến Todd rất bối rối và khó xử vì văn hóa người Mỹ không cho phép người khác hỏi về cuộc sống cá nhân, trong khi văn hóa phương Đông lại muốn tìm hiểu những điều đó lần đầu gặp mặt.

+ Lần đầu tiên dùng thức ăn Ấn Độ, Todd ăn bốc bằng tay, anh ta dùng tay trái và điều này khiến cho những người chứng kiến hốt hoảng. Sau khi được giải thích phải ăn bằng tay phải vì tay trái theo quan niệm của người Ấn Độ là bàn tay dơ bẩn đã khiến Todd rất đỗi bàng hoàng vì điều này. Đây cũng là một trong những xung đột văn hóa rõ nét nhất giữa nếp sống văn minh của Mỹ và cuộc sống dân dã ở Ấn Độ.

+ Trong quá trình làm việc, Todd và nhân viên của anh ta mâu thuẫn nhau về văn hóa làm việc. Todd muốn họ trả lời với khách hàng rằng họ đang làm việc ở Chicago và các sản phẩm đều làm từ Mỹ chứ không phải gia công từ Trung Quốc, điều này khiến các nhân viên khó chấp nhận việc họ phải nói dối mặc dù đối với người Mỹ như Todd thì đây chỉ là một phần của công việc.

+ Xung đột quan trọng được thể hiện trong phim đó là khi Todd giải thích về một sản phẩm cow brand, các nhân viên rất sốc và bàng hoàng vì không ngờ người Mỹ rất thích ăn thịt bò và lại đối xử rất tàn nhẫn đối với loài động vật này. Người Ấn Độ xem con bò là động vật linh thiêng nên Asha đã rất tức giận và yêu cầu Todd hãy tìm hiểu về Ấn Độ chứ đừng liên tục yêu cầu họ phải hiểu về nước Mỹ.

+ Lối sống và quan điểm của Todd hoàn toàn khác với người dân Ấn Độ, cụ thể khi Puro thông báo thời gian làm việc của người lao động tại nơi đây, Todd cho rằng điều đó là không thể chấp nhận nhưng Puro trả lời rằng họ đã quen rồi. Điều này cho thấy người Ấn Độ có quan điểm sống cam chịu và hài lòng với những gì họ có, trong khi người Mỹ như Todd thì mọi thứ phải theo khoa học và được sắp xếp phù hợp. Một điểm nổi bật khác trong phim là khi Asha cho Todd biết rằng cô đã được đính hôn từ khi còn bé, Todd rất ngạc nhiên vì một người phụ nữ bản lĩnh tài giỏi như Asha lại chấp nhận việc cuộc sống hôn nhân do người khác sắp đặt, điều này làm Todd nhận ra ở Ấn Độ người phụ nữ phải nghe theo gia đình chứ không thể tự do hôn nhân như người Mỹ.

+ Một xung đột khác cũng rất nổi bật đó là trong khi người Ấn Độ thích sống cùng người thân, quay quần cùng gia đình thì người Mỹ như Todd lại rất ít khi về thăm ba mẹ trong khi họ lại ở gần Todd. Todd đã rất khó trả lời những câu hỏi này từ Puro và dường như anh nhận ra rằng bản thân anh dành quá ít tình cảm cho gia đình, trong khi đó công việc hiện tại, môi trường hiện tại bản thân anh không yêu thích nhưng lại phải chấp nhận và dành cuộc đời cho nó.

Các xung đột văn hóa trên đã giúp nhân vật nam chính trong phim hiểu nhiều hơn về cuộc sống, về văn hóa và con người Ấn Độ. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong tiến trình hoà nhập với môi trường sống mới của con người khi phải bắt đầu mọi thứ ở một nơi xa lạ.

Hy vọng bài viết sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về thuật ngữ sốc văn hóa.