Dù biết rõ rằng, lúc tôi ngồi đây vẩn vơ kể ông nghe tâm tình của tôi- kẻ đang lang thang trong mớ hỗn tạp, xô bồ của thực tại – thì chắc hẳn ông vẫn đang rảo bước đâu đó trong giới dương âm. Buồn này tôi kể ông nghe, không hi vọng chờ lời hồi âm chỉ mong lòng bớt chút trĩu nặng.
Nhiều lần một mình bên khung cửa sổ, ngóng mắt trông con tàu đang tới, tôi vẫn thắc mắc không hiểu ông đã viết “Hai đứa trẻ” với những xúc cảm ra sao? Có phải là nỗi mênh mang mơ hồ về những ao đời phẳng lặng, cái phải cái đau đáu lòng cho những kiếp măng non, có phải là phút tuyệt vọng cùng cực về xã hội để rồi phải khăn gói trốn chạy thực tại tầm thường như người ta vẫn nói hay là một điều gì đó khác mà tự tâm đến chính ông cũng không thể diễn tả bằng ngôn từ?
Ông có thắc mắc không khi tôi nói “buồn này kể với ông”- vâng, là buồn của một đứa trẻ hơn Liên dăm ba mùa phượng nở, buồn của tuổi mới lớn chập chững bước ra ngã tư đời. Tôi đã nghe ông âu lo về hạnh phúc mong manh của trẻ thơ, nó lập loè chợt tắt trong hột sáng quá đỗi nhỏ bé của hai mẹ con chị Tí, nó xót xa vời vợi trong tiếng đàn thê lương của vợ chồng bác Xẩm, nó lẫn trong cả tiếng cười chua chát thấu tận của một cụ bà tóc đã hoa râm và làm ngập tràn trong cánh cửa tâm hồn Liên một vùng “bóng tối ngập đầy dần”. Tôi cũng như ông, thương cho những mảnh đời bị quên lãng ấy và hơn cả, tôi thương những đứa trẻ chẳng có tiếng cười.
Tôi chưa từng thấy Liên, An, cu Tí hay những đứa trẻ trên bãi chợ cất một tiếng cười, sự thực là chúng có làm gì sai để phải chịu nỗi khổ đau, đói nghèo ấy. Lũ trẻ, dù nghèo hay giàu, dù tốt hay xấu thì đáng lý ra vẫn phải được sống với tâm hồn vô ưu thật sự của tuổi nhỏ chứ không phải gồng mình gánh lấy những trái tim chín ép. Ông đã có lòng trao gửi nơi Liên những hạt giống tình thương, hạnh phúc, tin yêu; ông đã kín đáo giấu trong từng tấc đất ngôn từ ước mong của những đứa trẻ, cả xúc cảm, khao khát của chính ông về thế giới tương lai và tôi đọc thấy hình bóng ông trong cả những trăn trở của riêng tôi.
Xin đừng nói tôi là kẻ bao đồng, vì sự thực nếu chẳng phải tôi thì sẽ có những người khác đứng nói thay tôi. Ông có nghe chuyện về Nguyễn Quang Duy, đứa trẻ làm thêm để mưu sinh ở một quán bánh xèo bị chủ quán bạo hành, phải ăn đồ thừa, ngủ dưới nền đất và quần quật suốt ngày với chỉ duy nhất ba tiếng để nghỉ ngơi. Ông có biết cháu trai bị ba dượng đánh đập dã man ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ vì nó tè dầm, cả cô nhóc ba tuổi bị chấn thương sọ não dưới bàn tay mẹ nó chỉ vì vệ sinh cá nhân không sạch sẽ… Liệu trẻ có lòng tin với cuộc sống được không khi đến chính người thân nhất có khi cũng sẽ trở thành kẻ bóp nghẹt cuộc đời của chúng. Tình thương thực sự lẽ nào không được sẻ chia và lan toả hay sao mà vẫn nhiều những mảnh tuổi thơ lớn lên với đòn roi lằn vết. Ông có thấy không, những chuyến tàu qua không phải lúc nào cũng mang niềm vui, có những đứa trẻ đến giấc mơ về tuổi hồn nhiên cũng chẳng dám mơ vì với chúng đó là những nỗi ác mộng. Liên và An vẫn hạnh phúc hơn nhiều vì chúng có cả một miền yêu sâu thẳm trong tiềm thức, chúng vẫn được yêu, được cho đi và nhận lại.
Có những con tàu không đẹp như trang cổ tích của phố huyện nơi ông. Chuyến tàu ấy ghé qua dù đêm hay ngày và ông biết không chúng tôi đón con tàu bằng những nỗi sợ mơ hồ, nó đón chúng tôi bằng âm thanh chói tai đến xé toạc cái thanh bình cố hữu của miền quê, bằng làn khói đen đặc quánh như bàn tay thần chết từ xa vẫy tới. Con tàu mang theo ô nhiễm trên mọi nẻo đường. Mỗi lần như thế tôi lại nhớ thật nhiều trang lòng ông viết. Vẫn là đấy, một miền quê nghèo, nhỏ bé, rách tàn xập xệ với nét buồn thê lương, tịch mịch nhưng vẫn ấm áp bao nhiêu bởi tình người tình đời, bởi sự chân thành sẻ chia vô tận. Hạnh phúc ở đó ông ạ, là khi một người bị đau chân nhưng vẫn biết nghĩ cho cái chân đau của người khác. Như việc Liên nghèo và khổ nhưng vẫn biết xót cho những mảnh đời tàn giống mình, là phút giây cô gái nhỏ hỏi thăm chị Tí dù đợi mãi mới có tiếng trả lời, là khoảnh khắc cô bất lực vì nỗi chẳng có tiền để có thể cho những đứa trẻ nhặt nhạnh rác thừa trên bãi chợ chiều và cả ngay lúc cô nhanh ý rót đầy cho bà cụ Thi một cút rượu ti mặn chát… Cuộc sống vẫn đẹp nhường nào và trẻ thơ vẫn an nhiên để sống cho qua những tháng năm tăm tối nhất của xã hội đương thời.
Thời hiện đại này, cái xấu và tốt song hành tồn tại. Tôi chỉ ước mong một ngày cái tốt lên ngôi, sẽ không nghe thêm lần nào nữa tiếng trẻ khóc vì bị bỏ rơi, tiếng rên lạnh giá dưới những chân cầu, đầu cống… Hãy để trẻ là những tia nắng đầu ngày rực rỡ với sự hồn nhiên vốn có của chúng.
Ước mong ông gửi chúng tôi, lớp hậu thế đến giờ vẫn chưa trọn vẹn hoàn thành để ông có thể yên lòng siêu thoát chốn cao xanh . Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng nó sẽ mãi chỉ là mong muốn trong tâm tưởng vì tôi tin phần nhân bao giờ cũng có thể điều khiển được hành vi ý thức của một con người thực sự. Và tôi biết rằng, sẽ sớm thôi, tương lai là những ngày đầy nắng vàắp tràn tiếng cười.
Gửi lên thiên đàng nơi ông đang đứng- tâm sự của một cõi lòng bâng quơ…