Hà Nội chiều nay trong tiết cuối đông
Cái nắng hanh làm đỏ hồng đôi má
Vết chân chim hằn sâu thêm vất vả
Xếp loằng ngoằng che cả nét tươi xinh.

Hà Nội – thủ đô nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, gắn liền với ký ức nhiều người về một thành phố cổ nhưng thật ấm áp, giản dị. Từ những ngõ ngách trong thành phố, những công trình từ thời Pháp, gánh hàng rong với những món ẩm thực địa phương phong phú hay cách người Hà Nội sử dụng phương tiện giao thông cũng trở thành những ấn tượng khó quên trong lòng những người dân nơi đây.

Phạm Ánh – “Người lưu giữ kí ức Hà Nội”

“Hà Nội cổ kính đẹp đến say mê
Một góc sân ngập nắng
Một mái hiên cũ kỹ
Một giàn hoa giấy thắp lửa bốn mùa”

Những tác phẩm sơn dầu trong chuỗi Ngõ nắng của họa sĩ Phạm Ánh luôn khiến những người yêu Hà Nội phải nao lòng trước sự sinh động,chân thực và mức độ giống như ảnh chụp của nó.

Họa sĩ Phạm Ánh chia sẻ: “Chuỗi tranh Ngõ nắng là một giai đoạn trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Tôi sinh ra tại Hà Nội và yêu những con ngõ gần gũi, bám màu cũ kỹ. Tôi vẽ những gì bình dị nhất từ cây lá, hoa cỏ ven đường, chậu hoa và những bờ tường gạch cũ nát đang xiêu vẹo như sắp đổ. Đối với nhiều người thì nó vô cùng bình thường, thậm chí không ai để ý đến nhưng với tôi nó mang nhiều vẻ đẹp. Tôi muốn chứng minh với mọi người rằng cái đẹp không chỉ nằm ở những nơi xa hoa lộng lẫy mà nó ở ngay bên cạnh chúng ta, ở những gì đơn giản. Hi vọng khi xem tranh của tôi thì mọi người sẽ nhìn đời bằng con mắt yêu thương hơn, biết trân trọng những gì gần gũi nhất. Tôi cũng hi vọng giữa sự phát triển, đô thị hoá rất nhanh thì bộ tranh của tôi sẽ là một kỷ vật là tài sản tinh thần trong lòng người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung”.

Thật vậy, với tình yêu sâu sắc, chân thành và nét vẽ điêu luyện, màu sắc hài hòa bằng chất liệu sơn dầu cùng bối cảnh đầy thân thương mang những nét đặc trưng của một Hà Nội dịu dàng , họa sĩ Phạm Ánh đã đem đến cho người xem những cảm xúc vô cùng đặc biệt.Một Hà Nội không hoàn hảo trước mắt, những cái cây xiêu vẹo, hoa tàn, lá héo nhưng đối với những người con yêu Hà Nội, đó là những vẻ đẹp bình dị nhất trong lòng Thủ đô đầy náo nhiệt.
Họa sĩ Phạm Ánh từng chia sẻ về phong cách hội họa của mình: “Ngay từ thời sinh viên tôi đã yêu những mảng màu ghi xám mang sắc thái hoài niệm trầm lắng, màu sắc không nhảy nhót, không ồn ào và cũng không xanh đỏ rực rỡ. Nhưng trong tranh tôi luôn có một nguồn sáng, đó không chỉ là ánh điện, bếp lửa mà còn là những cái nắng của cả bốn mùa mang lại niềm hy vọng và xua tan đi nỗi buồn man mác. Ánh sáng trong tác phẩm của tôi có vai trò như vậy đó, nó làm cân bằng sắc thái của tác phẩm và đồng thời cũng là màu của hy vọng, của cái gì đó tươi mới”.
Họa sĩ Phạm Bình Chương – “Người họa sĩ của phố phường Hà Nội”

Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh năm 1973, tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ Thuật năm 1995. Anh là cái tên tiêu biểu của nhóm nghệ sĩ có tên gọi là Nhóm Hiện thực – tranh theo trường phái hiện thực. Với tài năng cùng cảm xúc từ những điều gần gũi nơi anh lớn lên – Hà Nội, anh đã có nhiều tác phẩm về Hà Nội ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Nhưng cái tài của Phạm Bình Chương không phải ở chỗ chỉ vẽ lại những cảnh đẹp Hà Nội mà anh còn mang tới cho người xem những cảm xúc mộc mạc về những góc phố cũ, chiếc xe cũ, cửa hàng sách cũ, con người nhẹ nhàng mang phong thái cũng xưa cũ, ánh nắng cũ… một Hà Nội xưa vẫn đẹp, dịu dàng và sâu lắng trong tranh của anh.

Hình ảnh phố cổ Hà Nội trong tranh của anh là những nét kiến trúc mái ngói rêu phong cổ kính, cây bàng khẳng khiu, một góc hẻm nhỏ giữa lòng Hà Nội đều là những hình ảnh quen thuộc nhưng tranh của họa sĩ cũng không hẳn là chỉ vẽ nên toàn bộ phong cảnh, mà trong đó còn là tinh thần, sức sống của Hà Nội. Những khoảng khắc bình dị của khu phố nhỏ nhuốm màu thời gian, với vệt nắng dài trên đường, khung cửa sổ xộc xệch hay mảng tường vôi bị bạc màu qua thời gian,…Vì vậy gọi họa sĩ Phạm Bình Chương là “Người họa sĩ của phố phường Hà Nội” quả là không sai.

Anh chia sẻ rằng: “Nhiều người tìm mua những tác phẩm về Hà Nội của tôi không phải vì họ thích những hình ảnh về Hà Nội trong tranh tôi vẽ mà là vì những kỷ niệm tuổi thơ chợt ùa về với họ. Đã từng có một người mua tác phẩm “Bạn cũ” chỉ vì ông ấy nhớ lại chiếc xe đạp đầu tiên được bố mua cho. Hoặc có người mua tác phẩm “Lối cũ” chỉ vì nhớ tới cái cầu thang cũ của căn nhà họ ở ngày xưa”.

Bùi Xuân Phái – “Tình yêu lớn dành cho phố phường Hà Nội xưa”

Nhắc đến những bức họa hình ảnh phố cổ Hà Nội, chắc chắn không thể không nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Kim Hoàng (Hà Nội) – một làng nghề nổi tiếng với tranh khắc gỗ dân gian, chính vì thế mà ông đã thuộc lòng từng con phố ở đất thủ đô và vẽ tranh Hà Nội bằng tất cả tình yêu của mình.

Tranh của ông nghiêng về Hà Nội những thập niên 50, 60 hay 70, một Hà Nội vừa cổ kính lại rất hiện thực thể hiện qua các mảng màu có đường viền đậm nét, mỗi cảnh vật đều có chiều sâu bên trong. Chỉ vài nét chấm phá thì ông cũng thể hiện được cái cốt lõi của bức tranh. Những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái khiến người xem cảm nhận được không chỉ nét đẹp cổ xưa mà còn đó là những hoài cảm sâu lắng đẫm hương vị thời gian, người xem như nhận thấy được họa sĩ đang gửi gắm những kỷ niệm, hay nỗi buồn man mác, tiếc nuối trước sự thay đổi của thời gian sẽ biến mất đi từng mái nhà, từng con người mang cái hồn xưa cũ.
Trong nhật ký về nỗi lòng mình với phố, ông viết: “Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người. Có những cái đẹp mới và lại có cả những cái đẹp cũ, thí dụ những căn nhà cổ Việt Nam. Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp. Nhịp điệu của nó không đều đều như những căn nhà cao tầng, nhà lắp ghép”.

Với ông, Hà Nội như một người bạn tri kỷ lâu năm, ông vẽ tranh như trò chuyện, và vì thế“Phố Phái” ra đời gắn liền một cảm giác hoài niệm cùng sự nhung nhớ về một thời quá khứ đã xa. Những hàng mái ngói cong cong, những góc nhỏ quán nước hay chiếc xích lô cứ như vậy trường tồn vĩnh cửu, gợi cho người thưởng thức tranh những ký ức bâng khuâng khó tả về một thời Thủ đô xưa, một hình ảnh rất thực, rất Việt Nam.

“Chúng ta thấy có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái lùi vào, cái nhô ra. Người vẽ về mặt tạo hình và bố cục có rất nhiều thuận lợi. Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian. Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ.” – Bùi Xuân Phái

Tất cả những điều bình dị ấy khi được họa sĩ Bùi Xuân Phái thể hiện bằng con mắt nghệ sĩ đầy tinh tế và tác phẩm ấy trở thành những tác phẩm vô giá, mang đậm dấu ấn thời gian. Nhờ những cống hiến lớn lao của mình cho nghệ thuật, năm 1997, Bùi Xuân Phái đã được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Phố cổ Hà Nội xưa và nay tuy khác nhưng vẫn có nét mộc mạc và thâm trầm theo thời gian. Những ký ức về Hà Nội cổ kính vẫn luôn được lưu giữ trong từng bức tranh của họa sĩ. Ngắm nhìn tranh phố cổ Hà Nội, mỗi người đều cảm thấy rưng rưng xúc động và yêu mảnh đất nghìn năm tuổi da diết.