Hà Nội luôn khiến cho người ta xiêu lòng bởi những thứ bình dị nhất. Một đời sống chậm rãi cứ thế bước qua bao nhiêu kiếp người, bao nhiêu thế hệ với những giá trị cố hữu chẳng bao giờ phai mờ trước sự khắc nghiệt của thời gian. Người đi người ở ngược xuôi giữa những con phố nhỏ, qua thảm lá vàng giòn, bức tường cao rớm nắng, khu tập thể cũ hoài cổ hay đơn giản chỉ là những tiếng rao lanh lảnh trong một đêm khuya mùa đông, tất cả cũng đủ để góp vào đời sống văn hóa đô thị hiện đại những nốt trầm tư. Nhiều khách vãng lai nán lại ở mảnh đất thủ đô cũng vì lẽ ấy, họ bị thôi thúc bởi nhịp sống mưu sinh tất bật đã chia Hà Nội thành nhiều mảnh khác nhau với màu sắc, mùi hương và âm thanh như một bữa tiệc cho mọi giác quan hiện hữu ở trần thế. Trong đó, gánh hàng rong như một mắt xích mà thời gian đã lưu giữ lại những nét văn hóa xưa cũ với hiện tại, trong ký ức và tâm hồn của những người trót say lòng trước mảnh đất này.

Ít ai biết được gánh hàng rong đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi nhắc đến cuộc sống ở thành phố Hà Nội hơn ngàn năm tuổi, người ta không thể không nói đến những gánh hàng rong nghiêng nghiêng trong nắng, đem theo hồn quê dân dã len lỏi vào từng ngõ ngách, từng góc phố thân quen. Người Hà Nội thích ăn vặt và đã quen với việc mua hàng từ những người bán rong. Đó cũng là cách thưởng thức ẩm thực rất riêng. Thật thú vị biết bao trong những trưa hè oi bức, được thưởng thức cho riêng mình một bát tào phớ ngọt lành, thanh thanh mùi nước nhài, giòn dai vị thạch găng, hay trong những ngày mùa thu trở gió, cùng nép lại bên nhau bốc từng nhúm cốm xanh làng Vòng mướt thơm mùi lúa mới, gói cẩn thận trong chiếc lá sen già nua. Rồi những tối mùa đông giá rét, ngồi quanh gánh hàng ngô nướng xuýt xoa trên lò than rực hồng mà nhiều người cũng quên đi cái rét căm căm thổi về từ phương Bắc.

Những gánh hàng rong có thể bán nhiều loại đồ ăn vặt, hay những đặc sản theo mùa như táo, ổi, vải, nhãn, cốm, sen, v.v dẫu mộc mạc hồn quê nhưng lại đem cả phong vị ẩm thực độc đáo rất riêng của nhiều vùng miền đến với Hà Nội. Dưới ánh đèn vàng của nhịp sống mới, điểm tô cho không gian tấp nập của Hà Nội còn là những gánh hàng hoa theo mùa. Những ngày hạ vắt sang thu trải dài đến chớm mùa đông mới, người dân thủ đô còn thích thú ngắm nhìn những gánh hoa bồng bềnh của đóa sen đỏ cuối mùa, những đóa cúc vàng hơn màu nắng, hay một vài bông hồng diễm lệ khoe sắc trong phố đông. Mỗi mùa một màu, một mùi hương, một sắc thái, một sự báo hiệu từng bước chân thời gian qua những gánh hoa len lỏi đường. Với lẽ đó, Hà Nội như thâu nhận những gì đẹp nhất về với mình, từng mảnh ghép đô thị dần hoàn thiện với những giá trị ở tứ phương chất chồng trên những gánh hàng rong.

Đi cùng với một đôi quang gánh, hay một chiếc xe đạp thô kệch cồng kềnh là những tiếng rao có vần điệu, nhịp phách rất riêng. Nhiều người đã quen với tiếng rao đến nỗi, coi đó như tiếng chuông báo thức tự nhiên của mỗi buổi sáng sớm, song, cũng là giờ điểm rất khuya mỗi khi đêm về. Nếu đôi quang gánh như một dấu chấm trầm mặc và dân dã nơi phố thị hiện đại, thì tiếng rao lại là âm thanh quen thuộc, đôi khi át cả những ầm ĩ của còi xe, của loa phường hay công trường của tòa nhà mới xây. Dù chỉ hoạt động như một hình thức báo hiệu mặt hàng mua bán của gánh hàng rong nhưng tiếng rao phần nào đã len lỏi vào từng con ngõ, góc phố và trên hết là hơi thở đời sống văn hóa của Hà Nội. Đằng sau tiếng rao ấy đôi khi toát lên sự mệt mỏi, cho ta thấy hai mặt của sự việc luôn hiện hữu song hành với nhau, rằng vẻ đẹp đó đánh đổi lại một cuộc mưu sinh cùng cực của những người lao động. Hầu như họ là dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận Hà Nội, do việc đồng áng là không đủ, những ngày rảnh rỗi họ rủ nhau ra thành phố kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Từ tờ mờ sáng, họ đã phải thức dậy lấy hàng rồi tỏa đi các ngả. Với số tiền ít ỏi, những con người ấy gánh trên vai cả gánh nặng cuộc đời, gánh thêm cả tương lai của những đứa con và một chút ít gì đó văn hóa đất Kinh Kỳ. Họ chấp nhận lao động và cống hiến như những mảnh hồn thầm lặng không chút tủi thân giữa xô bồ của thủ đô, để rồi dần dần hóa thành một hình ảnh lớn lao ở thơ ca và nhạc họa:

“Một gánh hàng rong nặng gánh đời
Trưa nồng chợ ế quá đi thôi
Thiu thiu giúp qua cơn mỏi mệt
Vất vả từ chưa tỏ mặt người
Nặng gánh giang san nặng bước chân
Mưa nắng đường xa nẻo phong trần
Chất cả buồn vui vào đôi gánh
Gói ghém nhọc nhằn giữa thế nhân…”
                                                  (Sinh Hoàng)

Như vậy, vẻ đẹp của gánh hàng rong không chỉ nằm ở những mặt hàng nông sản thơm phức, hay những bó hoa đua nhau khoe sắc theo mùa, mà còn là vẻ đẹp của những kiếp mưu sinh. Đó là sự hòa quyện hữu tình giữa vẻ đẹp lao động và vẻ đẹp của tự nhiên, tạo nên một chỉnh thể hoàn thiện của người dân và đôi quang gánh liêu xiêu trên vai. Họ chỉ tập trung cần mẫn lao động từ sáng đến tối khuya thế thôi chứ họ đâu biết mình đẹp đến thế, và cái đẹp ấy dù Hà Nội có già đi thì nó cũng chẳng bao giờ cũ. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ khi nhắc đến gánh hàng rong thì bồi hồi xúc động hồi tưởng lại: “Trong đêm ngủ, nhất là đêm mùa đông, có người đi bán hàng đêm là nghe tiếng kĩu kịt của đôi quang gánh. Thế thì khi nghe cái tiếng nó buồn lắm. Hay cái tiếng phở kéo dài, theo cái tiếng ấy là cả một dải gương dài, cái mùi phở nó chạy dọc các con phố mùa đông. Nó gợi nhớ và có cái cảm xúc ấn tượng ghê gớm với đời người, một con người, những người đã gắn bó với phố phường Hà Nội này từ lúc tuổi ấu thơ đến tận già. Gợi nhớ một cái gì đó rất xa, một cái gì rất cũ kỹ, nhưng mà cũng rất ấm áp của Hà Nội, của chúng ta”. Có lẽ cũng như nhà văn Nguyễn Văn Thọ ám ảnh bởi một hình ảnh cùng những câu chuyện mưu sinh ẩn đằng sau mà những gánh hàng rong dần trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ sáng tác. Từ “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam đến “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng, những người văn sĩ đều dành những trang viết tinh tế về nét đẹp văn hóa Hà Thành trong đó khẳng định giá trị của văn hóa hàng rong. “Tôi nghĩ rằng một Hà Nội ngày thường, một Hà Nội đời thường, một Hà Nội của những người bình thường nhất… nếu như Hà Nội thiếu đi cái hình ảnh ấy thì chắc chắn nó không còn là Hà Nội dù Hà Nội có hiện đại và phát triển như thế nào”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Hà Nội ngày một phát triển, những mái ngói xô nghiêng đã dần thay bằng những tòa nhà chọc trời khang trang hiện đại. Đi cùng với đô thị hóa, gánh hàng rong cũng thưa dần, hình thức rao cũng đổi khác sang sử dụng loa đã ghi âm sẵn, đôi khi gây phiền đến cuộc sống hối hả thúc giục của một Hà Nội đang thay áo mới. Tuy nhiên, nếu một ngày vắng đi hình ảnh, âm thanh ấy thì thủ đô như mất đi một nửa hồn sắc giá trị vậy. Khi màn đêm dần buông xuống thành phố, đâu đó trong những con ngõ nhỏ kia là vẫn là những tiếng rao khuya, thoắt ẩn thoắt hiện rồi mất hút theo chiều sâu, và đâu đó trong tâm khảm của những người yêu Hà Nội, nét văn hóa ấy không thể bị phai mờ đi dù thế thời có đổi khác. Xét trên phương diện giá trị văn hóa, đây là một dấu ấn đã in rất sâu, tuy cũ kỹ nhưng cũng rất đỗi êm đềm. Hơn cả, gánh hàng rong cũng là một lối giới thiệu và tiếp cận đời sống bản địa độc đáo cho nhiều thực khách du lịch, xứng đáng được đề cao hơn là phai mờ theo năm tháng.