Mùa tháng ba nắng hong vàng cuống ra, mùa của những cánh diều no gió, của đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ ướt đẫm sương mai. Ấy còn là mùa của những bồ thóc vàng đầy ươm của no đủ. Mùa tháng ba còn tất tả những gánh rơm vàng ụ chất cao thành cây để chuẩn bị cho một mùa mưa gió chú trâu, con bò có thể an yên trong chuồng mà nhởn nhơ nhai nhóp nhép mấy cọng rơm vàng mà trú cái mưa phùn gió rét…

Vụ mùa tháng ba, sau hơn ba tháng từ cày ải, cấy giặm đến chăm mởn từng hạt bông để gom lại một mùa thóc vàng nặng trĩu. Sông sâu thì tĩnh lặng, lúa nặng thì cuối đầu. Bởi thế từ lúc ra giêng lúa ươm đòng bung trổ sau cơn mưa giông đầu vụ, để căng mẩy hạt sữa chắc nịch mà cúi đầu nặng bông. Lúa vàng ướm lá gai đỏng đảnh rồi vàng rộ như tấm lụa vàng óng ả, dưới cái nắng hạ đã bắt đầu chói chang, những bông lúa rì rào trong gió nắng.

Mê mải mùa vàng ở bờ Tây Hà Giang

Thế là mùa vàng đã tới, đám ruộng đã chín vàng rực rỡ, mấy cái xe cắt nằm im trong kho bãi đã rục rịch chuẩn bị ra đồng. Con nắng lên quá dãy núi, mặt trời chói những tia nắng vàng hắt xuống những thửa ruộng hong khô những giọt sương đêm còn sóng sánh sót lại trên ngọn lúa thì những chiếc máy cắt lao thoăn thoắt như dệt những vệt vào tấm thảm vàng của lúa. Bây giờ đã thôi không còn mỗi độ mùa về là đem liềm đi cắt chấu, là đi gặt lấy công, là từng quang gánh nửa buổi ra đồng, rồi từng người đưa lúa, đạp mấy rồi từng mủng thủng thẳng gánh gồng trên những bờ mương, thửa ruộng về nhà. Những chiếc máy phóng, máy cắt lúa đã gặt thoăn thoắt, tầm độ mươi phút là đã suốt xong cả sào lúa. Những bao lúa chắc mẩy được đưa lên những con đường để được phơi khô. Trời còn tờ mờ sáng mấy bác mấy bà đã vội quét tước, dọn dẹp mớ bụi đất, mấy cọng rạ vương trên đường, để chuẩn bị đổ mấy bao lúa ra phơi khô dưới nắng hạ.

 

Con đường cũng trở nên vàng rực những thóc lúa, mùa phơi lúa cả làng xúm xít cả lên. Nhà có lúa cũng như nhà chưa suốt cùng phụ với nhau, bởi trời mùa này cứ như cô nàng đỏng đảnh, đang nắng chang chang bỗng đổ mưa rào xối xả. Ấy thế là cả làng thức trở luôn trưa mà cày trở những liếp lúa, rồi cùng nhau khẩn trương kéo, cào, ủ, đậy để tránh cơn mưa làm ướt đẫm hạt thóc đã khô quá nửa…

Mùa thóc còn chưa xong thì phải lo cuốn mấy cọng rơm vàng, bởi nếu để ướt mưa thì phải đem đốt bỏ. Mấy chú trâu nhởn nhơ là thế nhưng cũng kén ăn, rơm phải hong nắng giòn mới nhởn nhơ nhai được. Rơm được phơi trở vài nắng thì cuốn lại đem về, để dành cho những ngày mưa gió, cơn bão có về mấy con trâu, chú bò không ra đồng dăm hôm ba bữa cũng chẳng lo đói.

Mùa tháng ba tất tả và vội vàng như thế, ai cũng hối hả tất bật. Nhưng dưới cái ướt đẫm mồ hôi là nụ cười giòn tan trong nắng rát. Bởi mùa về thóc lúa đầy bồ, mùa của no đủ, không lo cái đói giáp hạt, có được cái tích trữ trong nhà để có miếng ăn no ấm.

Mùa đã xong lũ trẻ con tranh thủ những hôm đất nghỉ, chưa cày ải những liếp đất trắng trơ mà để cánh diều no căng gió. Để tuổi thơ thật tròn những yêu thương mà cùng hò nhau thả những cánh diều. Cả đám nô đùa trên cánh đồng nhá nhem tro, tơ hơ gốc rạ, nhem nhuốc cả gương mặt trong veo mà nụ cười rộn rã…
Mùa vàng hanh hao còn thêm vui vầy bên bữa cơm gạo mới, để khép lại một mùa dẫu vất vả mà an vui. Bữa cơm quây quần, cả nhà đoàn viên để cầu chúc cho những mùa vàng sắp đến sẽ đong đầy lúa thóc, luôn no đủ sum vầy…