Bàn tay khéo léo và tinh tế của Mẹ thiên nhiên đã mang đến những cảnh sắc tuyệt mỹ cho chốn nhân gian. Tháng Năm – tháng của những ngày hè oi ả. Đây cũng là thời điểm của bằng lăng tím, phượng đỏ, sen hồng… khoe sắc. Ngoài ra tháng Năm còn đánh dấu thời điểm bung nở của một loài hoa làm say đắm lòng người, để lại những dư vị vấn vương khắc khoải. Đó chính là hoa hòe!

Chính danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cũng đưa hình ảnh loài hoa này vào trong những vần thơ của mình : “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương” (trích Cảnh ngày hè). Chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam đều rất quen thuộc với thành ngữ “Hoa hòe hoa sói”. Hình ảnh này dùng để miêu tả về người hoặc vật có diện mạo quá ư sặc sỡ, lòe loẹt, phô trương. Thế nhưng màu sắc của hoa hòe lại vô cùng thanh nhã, dịu dàng. Khi hoa bung xòe các cánh, chúng ta có thể liên tưởng đến những cánh bướm tinh khôi rập rờn theo nhịp gió.Vậy tại sao lại có cách giải thích có phần đối ngược như trên về cụm từ “Hoa hòe hoa sói”? Với nét đẹp mong manh, trong trẻo, hoa hòe và hoa sói được nữ giới yêu thích. Những người thiếu nữ mộng mơ thường cài hoa lên mái tóc để tạo thêm nét duyên dáng, yểu điệu. Tuy nhiên, lớp người xưa cho rằng phụ nữ yêu hoa thường đa cảm, nếu hồng nhan thì càng thêm truân chuyên. Bởi vậy, ban đầu “Hoa hòe hoa sói” chỉ đơn thuần là một sự cảm thán về kiếp hồng nhan bạc mệnh. Sau này, theo phong ba thời gian, ngữ nghĩa của câu từ cũng đã thay đổi.

Cây hoa hòe | Hoala.vn - hoa quý

Bên cạnh đó, hoa hòe còn gắn liền với nhiều quan niệm khác nhau. Người ta thường trồng cây hòe trước cửa nhà với mong muốn con cháu đỗ đạt, thăng tiến trong sự nghiệp. Ở Trung Quốc thời nhà Chu có tục lệ trồng hoa hòe ngoài cung đình. Khi quần thần trình tấu với vua thì có quy định là các quan Tam Công đứng đối diện với ba cây hòe. Tam Công cũng tương đương với 3 chức quan triều đình cao nhất lúc bấy giờ. Về sau, các quan khanh tướng được gọi là “thao hòe”, “hòe tỉnh”. Bởi vậy, cây hòe đại diện cho sự thăng quan tiến chức, công thành danh toại.

Ngoài ra, người ta sử dụng cụm từ “hòe an quốc” để nói về giấc chiêm bao. Đây cũng là tên một bài thơ cổ của Trung Quốc. Chúng ta có thể tìm thấy cụm từ mang ý nghĩa tương đương trong Truyện Kiều. Cụ thể là “Tiếng sen khẽ động giấc hòe”. Nó liên quan tới điển tích “Mộng Nam Kha”. Truyện kể cuối đời Tùy, đầu thời Đường, có một người tên là Thuần Vu Phần nhà ở Quảng Lăng. Trong vườn nhà ông có một cây hòe trồng lâu năm. Vào ngày sinh nhật của mình, Thuần Vu Phầnquá chén, một mình ông trong đêm khuya mang rượu ra ngồi dưới gốc hòe để hóng mát rồi ngủ quên.Ông mơ thấy mình đến nước Hòe An và tham gia ứng thí. Ông đỗ Trạng Nguyên và được ban làm phò mã. Cuộc sống phu thêvô cùng hạnh phúc. Rồi một ngày Thuần Vu Phần được phái đi làm Thái Thú quận Nam Kha trong 20 năm. Ông là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, được lòng dân, được vua khen ngợi.Tới khi có giặc ngoại xâm, quân triều đình liên tiếp thất bại. Trước thế ngàn cân treo sợi tóc, nhà vua triệu tậpbá quan để tìm kế sách. Tể tướng đã tiến cử Thuần Vu Phần. Nhà vua chấp thuận và hạ lệnh cho Thuần Vu Phần cầm quân đi đánh giặc. Do không hiểu biết về binh pháp nên chuyến đi này thất bại. Nhà vua vô cùng giận giữ, cắt chức và đuổi Thuần Vu Phần về quê. Giật mình tỉnh giấc, ông nhận ra nước Hòa An chính là tổ kiến dưới cây hòe mà mình đang tựa vào khi ngủ.

Tìm hiểu về tích xưa, ta thấy được nhiều điều thú vị xung quanh cây hòe thân thương, mộc mạc!