Chiều nhạt nắng, mọi người cùng nhau đi tắm và ngắm hoàng hôn về trên biển Cồn Đen. Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp yên bình của một vùng biển không xanh ngắt một màu ngọc bích mà nó ánh lên màu của phù sa và nắng hòa quyện vào nhau. Phù sa vốn là sản phẩm phong hoá của các loại đất đá bị vụn bở, được nước mưa di chuyển theo các dòng sông vào ruộng đồng, đổ ra cửa biển. Đứng trên bờ, tôi nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, cảm nhận làn gió mát dịu mang vị phù sa mặn mòi của biển.

Điểm nổi bật và độc đáo của biển nơi đây là cây cầu tre dài chừng hơn một nghìn mét nối từ bờ chạy thẳng ra giữa mặt nước mênh mông. Thật kỳ diệu, cây cầu mang hình một khuông nhạc khổng lồ, mà các nốt nhạc là các khúc tre nằm ngang và dãy cọc tre nâng đỡ hai bên cầu. Lần đầu tiên tôi được đi trên một cây cầu tre vượt biển dài nhất Việt Nam. Cất từng bước chậm rãi, nhẹ nhàng; những con sóng xô dào dạt dưới chân cầu, ta thấy mình như đang dạo từng nốt nhạc du dương. Cuối cây cầu là chiếc chòi nghênh gió. Tháng năm trôi, một cây cầu tre mảnh mai trườn trên đầu ngọn sóng, một mái chòi nhỏ bé giữa biển khơi mà đã vững vàng qua bao mùa giông bão. Phải chăng, đó cũng là ý chí, là sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ.

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng, bầu trời, hồ, đại dương và chạng vạng

Trong chòi, một sàn tre rộng chừng hơn bốn mét vuông. Chúng tôi tới nơi và nhanh chóng bày ra một “mâm tiệc” với đầy đủ cốc, đĩa khá tươm tất. Rượu hảo hạng do một thi huynh thủ sẵn từ nhà mang đi. Sau chầu nhâm nhi rượu, lạc, bánh gạo… anh chị em chúng tôi men theo từng bậc thang tre ào xuống biển. Trời chiều, mây như sà xuống thấp hơn, đôi lúc mưa lắc rắc rải đều trên mặt nước. Vốn rất ngại độ sâu nhưng được sự cổ vũ, khích lệ của mọi người, mon men mãi, cuối cùng tôi cũng hoà mình giữa làn nước phù sa mát lạnh. Một cảm nhận thật khác biệt, không thanh mát như dưới làn nước biển trong xanh; không ấm nóng râm ran từng lỗ chân lông như tắm nguồn khoáng nóng; cũng không mướt mát, trơn láng như khi tắm bùn; mà nước biển phù sa mơn man làn da cho ta cảm giác mát mịn như vừa được thoa một lớp kem dưỡng da hảo hạng. Chốc chốc những con sóng nô đùa đuổi nhau ào tới trước mặt, tung những hạt nước mằn mặn vị muối, nồng nồng vị đất, thấm vào bờ môi đầu lưỡi lâng lâng.

Hướng tầm mắt về phía đất liền vài chục mét là Cồn Lờ uốn mình một dải như nàng thiếu nữ nằm nghiêng để con sóng thoả sức vươn tới vỗ về. Từng lớp, từng lớp sóng phù sa lung linh màu nắng. Mặc cho cơ thể dập dềnh theo sóng, tôi mơ màng với những vần thơ ngọt ngào, ma mị của nữ sĩ Tâm Dung:

Sao anh chẳng về với biển cùng em?
Để biển thiếu vết chân trên cát
Để con sóng xô bờ ngơ ngác
Để một mình em chẳng thể kết thành đôi.

Đất nước mình biển đẹp lắm anh ơi
Biển Nha Trang nước xanh màu ngọc bích
Biển Hạ Long đẹp như triền cổ tích
“Con sóng nhớ thương nghiêng cả biển Vũng Tàu”…

Biển quê mình chẳng huyền thoại thế đâu
Bát ngát phớt hồng vương hồn của nắng
Như tình yêu ta mặn mòi, đằm thắm
Như màu áo nâu Mẹ mặc ngày xưa.

Về đi anh! Tìm lại vết chân ta
Để màu phù sa tô hồng đôi gót nhỏ
Ơi hạt phù sa bồi lên quê hương, xứ sở
Dòng sữa Sông Hồng huyền thoại bốn nghìn năm.

Biển ơi! Biển chẳng xanh trong
Cứ vương màu nắng cho lòng ta say!

(Biển màu nắng).

Ráng chiều đã nhuộm đỏ chân mây, trên chiếc cầu tre lấp lóa ánh hoàng hôn, thấp thoáng dáng hai nàng thơ xinh đẹp thướt tha tà áo dài xanh biếc cứ mải mê ghi lại những bức hình lung linh, huyền diệu. Có lẽ các nàng ấy cũng như tôi đã mê trời biển nơi đây mất rồi.

Biển Cồn Đen, 01/7/2022.

Cần Vũ