Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng gà trống gáy vang trời, tiếng gà mái mẹ cục tác dẫn đàn con đi bới đất kiếm ăn là chúng tôi biết chắc rằng mặt trời phải lên cao tận đỉnh đầu. Nghe tiếng lọc cọc từ chiếc giỏ xe gắn hờ hững trước càng xe đạp, anh em tôi chạy ùa ra sân reo vang: “A, mẹ về. Mẹ có mua quà cho chúng con không mẹ?”.

Thời gian trôi nhanh như gió thoảng mùa thu, ai rồi cũng phải lớn lên. Người dựng vợ gả chồng, không còn ở chung với cha mẹ, người bận lo làm ăn xa nhà. Lâu lâu dưới quê có giỗ chạp, anh em chúng tôi ở xa đều cố gắng thu xếp để về. Ai cũng tranh thủ về được chốc lát rồi lại hối hả lái xe đi lo công việc, để lại trong lòng cha mẹ một khoảng trống và nỗi buồn miên man. Ở nhà, cứ mỗi lần thấy bóng chiếc xe lạ đi chầm chậm ngoài ngõ, mẹ lại thấp thỏm đoán già đoán non hay là cái Tý hay thằng Tèo nó về.

Cả tuổi thơ, anh em tôi háo hức đợi nghe tiếng xe đạp cũ kỹ kêu lọc cọc mẹ đi chợ về để được chia cho chiếc bánh rán đường. Đến khi trưởng thành, biết cha mẹ già ở nhà ngày nào cũng tựa cửa ngóng trông con cái trở về mà bởi những gánh lo cuộc đời mà bỏ lỡ những ngày sum vầy trong nỗi xót xa cất đựng tận sâu trong đáy lòng.

Những mùa hè nắng chói chang, tôi vẫn giữ thói quen gọi điện thoại về nhà để hỏi thăm bệnh cao huyết áp và đau nửa đầu của mẹ. Có những chiều, tôi chỉ nghe những tiếng chuông đổ dài mà không thấy ai bắt máy. Lòng tôi suốt cả buổi cứ nóng như nửa đốt. Mãi đến tối, sau khi dọn dẹp thóc lúa, cơm nước xong xuôi, mẹ tôi mới bấm gọi lại thủ thỉ với con gái. Nhìn da mẹ đen sạm khi lúa vào mùa thu hoạch mà lòng dạ như thắt lại.

Á khôi Sinh viên Việt Nam khoe nét xuân thì bên đồng lúa

– Nhà mình đã gặt hết chưa hả mẹ? Trời nắng thế mẹ có khỏe không? Có choáng đầu, hoa mắt gì không mẹ?
– Nhà mình hôm nay là xong hết rồi. Thóc vẫn để đống ở sân kia. Vừa trời lất phất mưa, mẹ phải ra đậy bạt lại không sang mai dậy mưa trôi hết thóc lúa. Mẹ không, mẹ vẫn bình thường.

Chất chứa trong thứ giọng địa phương chân thành, hồn hậu của người phụ nữ sống quá nửa đời người ở vùng quê nghèo ấy, tôi cảm nhận thấy ngoài sự phấn chấn khi mẹ khoe vừa xong vụ mùa trước đợt bão còn cả sự giấu giếm bệnh tình trong lời nói ngập ngừng “mẹ không, mẹ vẫn bình thường”. Sau này, khi làm cha, làm mẹ, tôi cũng sẽ hiểu đượcẩn giấu trong những lời nói dối ngọt ngào ấy là tình yêu thương vô bờ. Người làm cha mẹ nào cũng thế, đều sợ con cái ở xa lo lắng, lại bỏ công bỏ việc chạy về vì cái chuyện bình thường của một người sống bằng thuốc Tây như mẹ tôi nên họ luôn nén cơn đau vào trong, chỉ kể về những ngày vui tươi, mạnh khỏe với con cái.

Có những chiều về ngồi dưới mái hiên,tiếng chim tíu tít trên cây khiến cả một thời ấu thơ ùa về làm nhòe đi khóe mắt. Lặng im nghe thấy tiếng chim non kêu chíp chíp kéo lòng tôi trở lại những buổi trốn ngủ trưa đi hái trộm xoài mùa hè. Thỉnh thoảng bắt gặp tổ chim sâu bọc trong kén rơm được chim bố, chim mẹ bện lại khéo léo, bọn trẻ chúng tôi reo hò lên sung sướng rồi thẳng tay xé bỏ biết bao tổ chim non từ trên cành cây xuống. Mãi khi lớn lên, ngẫm lại mới thương những chuyến tha mồi bay về tổ hụt hẫng, hoảng hốt vì không thấy tổ đâu, không thấy con đâu của những chim mẹ. Loài chim cũng có tâm hồn, cũng có tình yêu thương giống loài như con người vậy.

Lúa” và “Áo dài” | Br-art

Người ta vẫn bảo, con gái là con người ta. Nuôi lớn, gả chồng rồi như cánh chim trời. Chim bay mỏi cánh, chỉ lúc đậu nghỉ trên cành cây hay vì một trận mưa ướt cánh mới nhớ lại tổ ấm bên cha mẹ.Nghĩ thế, kỷ niệm về những buổi đi bắt tổ chim khiến lòng tôi trùng xuống nghĩ về những ngày rộng tháng dài nhớ mẹ, thương cha từ nơi đất khách quê người.
Nếu ai đó hỏi rằng thức quà nào đi cùng năm tháng, tôi vẫn tự hào nói về món bỏng tẩm đường mẹ rang từ những vụn cơm, vụn cháy ăn thừa phơi khô dưới nắng trưa hè bỏng rát. Thỉnh thoảng về nhà, tôi vẫn thấy mẹ ngồi bóp vụn những mảng cơm cháy vón cục ra chiếc nia đựng thóc đan tre đã cũ. Món này phải phơi đến khi hạt cơm khô quắt lại, rửa sạch với nước rồi rang trong chiếc chảo gang cũ,rang đến khi từng hạt giòn tan thì rắc đường vào. Đợi đường tan chảy dưới lửa nhiệt, quyện vào từng hạt cơm khô giòn là đã có một thức quà ngon lạ không ở đâu bán, không nơi nào có.

Ở thành phố, cuộc sống đủ đầy, cơm thừa canh cặn ăn không hết thì đổ đi, còn ở quê, nhà nào không nuôi chó, nuôi gà thì sẽ phơi khô làm bỏng gạo tẩm đường cho trẻ con ăn vào những chiều giông gió mùa hè. Bao năm sống xa nhà, giữa phố thị hoa lệ, tôi đi qua bao tiệm bánh ngọt kiểu Pháp, bao cửa hiệu mọc lên giữa phố bán đặc sản phố phường, tôi vẫn thấy không có thức quà nào ngon bằng món bỏng gạo tẩm đường mẹ làm trong những năm nhà còn nghèo khó.
Thường mỗi dịp về quê chơi, cứ chiều chủ nhật, tôi đều tranh thủ chạy xe về ngoại thăm bà, thăm cậu. Nghe tiếng cửa sắt khô dầu kêu kèn ket, bà ngoại đang ngồi nhổ cỏ ở khoảnh vườn trước nhà ngó ra thấy cháu gái thì mừng rỡ: “Thế mày về bao giờ? Tí lại đi luôn hở? Có ăn rau không tao hái cho một ít?”.Về ngoại, thấy bà vẫn bắc mấy giàn tre: giàn dưa leo, giàn mướp, giàn bầu,.. Khoảnh vườn trước nhà rau gì cũng có. Lần nào về, bà cũng hỏi xem bao giờ đi, thích ăn rau gì để bà hái. Lên thành phố, rau quả mua ở đâu cũng tiện, nhưng tình yêu thương trong từng bó rau ngoại hái thì đó lại là thứ hiếm có nhất trên đời.

Nhắc đến bà ngoại, tôi chợt nhớ về những trưa hè chói chang, hai bà cháu nằm võng ngoài vườn nghe hát chèo từ chiếc đài cát sét cũ. Ở thủ đô, có những chiều muộn tôi ở lại văn phòng đợi đường phố bớt tắc mới phóng xe về nhà. Đường đi về, tôi thường đi qua nhà hát chèo thành phố. Những nam thanh, nữ tú diễn viên bước hối hả như sợ bị cánh săn cảnh chụp vội. Vé vào cửa chừng đâu cũng ngót nghét 200.000 đồng. Sân khấu trang hoàng đẹp mắt, diễn viên váy áo lộng lẫy,..nhưng không nhiều cảm xúc như những trưa mùa hè nằm ké võng cùng bà tôi hồi còn bé. Cứ cơm nước xong xuôi, bà ngoại tôi buộc hai đầu võng qua hai thân cây ngoài vườn. Một tay bà sải rộng cho đứa cháu bé nằm gối đầu, tay kia vẫn phe phẩy chiếc quạt đan bằng tre. Hai bà cháu nằm nghe hát chèo từ chiếc đài cát sét cũ chạy bằng pin được bác trai tôi mua lại từ một cửa hiệu cũ trên thành phố mang về biếu. Mỗi thời mỗi khác, nhưng đối với tôi, những hoài niệm xưa cũ về quê hương, gia đình là dòng suốt ngọt mát không bao giờ tắt lịm.

Đêm về, phố vắng như tờ, bao mái nhà đã đóng cửa im lìm, mọi người chìm vào trong giấc ngủ say,chợt có tiếng xe máy đi đêm rồ ga ngoài phố khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Bỗng nhớ dáng mẹ hao gầy, mòn mỏi vì bệnh tật vẫn cố nhổm dậy vài lần hằng đêm chỉ để hé cửa nhìn ra bên ngoài nhìn xem trời đã sáng hay chưa.