Chắc hẳn đã có ai đó từng nghe đến câu ca dao:

“Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn.”

Theo sử sách ghi lại, Mễ Trì ngày xưa có tên là Anh Sơn. Đó là một mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và nổi tiếng là gạo tám thơm. Vào cuối thế kỷ 19, danh tiếng gạo tám thơm bay vào tận kinh đô Huế và được dâng lên vua. Vì ăn gạo ngon và thơm được vua khen, sau đó ban tặng cho cái tên là Mễ Trì  –  Ao gạo ngon. Gạo tám thơm nổi tiếng dẻo và thơm rất lâu, chỉ cần ngửi mùi khói khi nấu đã thơm nức và dù ở cách đó vài ngôi nhà thì vẫn ngửi được mùi thơm của nó. Vì thế dù cơm được nấu từ hôm trước thì đến tận hôm sau vẫn còn thơm. Và đó chính là đặc sản quê tôi.

lenguyen: Hương vị quê hương

Sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo, quanh năm chỉ có ruộng đồng, đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nên cuộc sống lam lũ vất vả cứ đeo bám lấy mảnh đất ấy. Làng tôi có ba thôn, mỗi thôn lại có nghề riêng để kiếm kế sinh nhai. Nơi tôi ở là thôn Thượng thì chủ yếu trồng lúa và đi chợ gạo. Còn thôn Hạ thì du nhập được nghề làm cốm của làng Vòng nên cũng có công ăn việc làm. Ngày nay nghề làm cốm được cả hai thôn duy trì và phát triển. Còn thôn Phú Đô thì nổi tiếng với nghề làm bún. Kể từ đó đi khắp ngang cùng ngõ hẻm của đất Hà Nội đều có bún Phú Đô và cốm Mễ Trì.

Hàng năm, người dân quê tôi sẽ làm cốm vào hai vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Tuy nhiên, để cốm đạt độ ngon nhất, dẻo nhất và thơm nhất thì là vụ mùa –  tức vào khoảng tháng 8. Chẳng thế mà cốm trở thành một món ăn không thể thiếu cứ mỗi độ thu về. Vào ngày rằm tháng 8, thì trong bất kỳ nhà ai đều thắp hương tổ tiên bằng cốm được gói bằng lá sen. Mùi thơm của cốm, của lá sen hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị rất riêng mà không gì có thể sánh được. Màu xanh của cốm hòa lẫn màu xanh của lá sen tạo nên một màu đặc trưng riêng mỗi khi nhớ về. Cứ mỗi độ thu về nhà nhà mua cốm, người người ăn cốm. Chẳng thế mà vào mùa cốm xung quanh làng tôi đâu đâu cũng nghe thấy tiếng chày, tiếng cối vào lúc tối muộn hay sáng sớm. Những nhịp cối đều đều giã tạo ra những mẻ cốm non xanh mơn mởn mà khi nhìn đã muốn ăn.

Vào ngày 29/3/2019 quê tôi đã tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề cốm Mễ Trì. Đây là một cơ hội mới, một niềm vinh dự và tự hào nhưng cũng là thách thức, là khó khăn đối với công tác bảo tồn và phát triển của làng nghề.

Là người con của mảnh đất này nên tôi biết được quy trình để có được những mẻ cốm vừa non vừa ngon lại còn dẻo. Đầu tiên vào lúc tờ mờ, khoảng 2h sáng, những người đàn ông trong nhà đã đi mua lúa. Họ chọn những ruộng lúa nếp mà bông lúa còn non, đều hạt và chắc. Sau khi gặt về, các bà trong làng sẽ cùng nhau nhặt và tuốt vỏ, rồi đem đi máy lấy hạt thóc còn rơm thì đem vặn chổi bán. Thóc được cho vào nước để loại bỏ những hạt nép và làm sạch. Sau đó cho vào một cái chảo to để rang chín. Đây là công đoạn rất khó và đòi hỏi người rang phải lành nghề. Khi rang phải đều tay thì hạt lúa mới chín đều và sẽ không bị hạt chín hạt sống, lại còn phải thường xuyên kiểm tra độ chín của hạt cốm. Sau khi rang chín, cốm được đem đi giã bằng cối đá. Cứ giã như thế cho đến khi tách vỏ và khi những hạt cốm nhìn mỏng manh như lá me là được. Hạt cốm càng mỏng thì ăn càng dẻo, càng dai nhưng vẫn giữ được độ ngọt của cốm. Cốm sau khi giã xong thì đem sảy để loại bỏ trấu. Đến khi ấy là hoàn thành được mẻ cốm thơm ngon.

Ngày nay khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, những gia đình còn làm nghề ngày càng ít. Và để đáp ứng sự đòi hỏi của thị trường thì giờ đây người ta không chỉ ăn cốm đơn thuần mà quê tôi hay gọi là cốm mộc. Chính vì thế ngày càng có rất nhiều món ăn làm từ cốm như: xôi cốm, bánh cốm, chả cốm…để phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như sở thích của người tiêu dùng. Tuy vậy, với riêng bản thân tôi thì cốm mộc vẫn là món mà tôi yêu thích nhất. Không chỉ bởi hương vị thuần khiết của hạt cốm mà còn bởi sự tự nhiên không pha chút tạp chất hay gia vị nào. Tôi thích sự đơn sơ mộc mạc từ chính cái tên của nó.

Dù thời gian có thay đổi, dòng đời có chuyển biến xoay vần thì nghề làm cốm vẫn luôn tồn tại và giữ nó như một nghề truyền thống của quê tôi. Bởi đang còn những người vẫn tha thiết với nghề, yêu nghề và muốn lưu truyền nó đến mãi về sau. Và tôi tin rằng nó sẽ luôn tồn tại mãi mãi không chỉ trong đời sống mà còn cả trong ký ức mỗi người dân quê tôi.