Mới đó mà dịch bệnh đã gần hai năm hoành hành. Với tôi, đó là khoảng thời gian vô cùng và vô vàn khó khăn khi vừa đi làm (thật ra là bữa lên công ty, bữa làm ở nhà, nhưng việc vẫn phải hoàn thành tốt), vừa trông 2 đứa nhỏ, một đứa lớn sắp vào lớp một thì không quá khó nhọc, nhưng đứa sau mới hơn một tuổi, rất cuồng mẹ thì thật sự rất vất vả. Tuy nhiên, đúng là ông trời không cho ai tất cả, và cũng chẳng lấy hết của ai, tôi được sự hậu thuẫn và tin tưởng của cấp trên nên không nhất thiết ngày nào cũng phải đến công ty làm việc, miễn là tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tranh thủ sáng sớm lên công ty sắp xếp chứng từ sau đó đem việc về nhà. Hơn nữa tôi có ông xã bên cạnh, mặc dù công việc của anh bận rộn gấp mấy lần, anh vẫn thu xếp buổi sángđi chợ nấu ăn sớm cho cả nhà trước khi đi làm, hai vợ chồng chia sẻ khó khăn và luôn biết ơn nhau về điều đó.

Tôi còn nhớ những ngày dài mệt mỏi, khi đứa nhỏ khóc đòi mẹ ẵm, mẹ chỉ cần ngồi vào máy tính hoặc nghe điện thoại là linh cảm của một đứa trẻ biết là mẹ sẽ không dành thời gian cho nó, thế là con bé cứ khóc thét, khóc cho đến khi mẹ dập máy tính lại và ẵm nó vào lòng. Vì thế, mọi việc ở công ty tôi chỉ có thể hoàn thành vào tầm một đến hai tiếng canh trưa lúc con ngủ (vốn dĩ con bé ngủ rất ít, hay thức để tìm mẹ), và canh tối khi con đã ngủ, nhưng thỉnh thoảng con bé vẫn thức dậy tìm xem mẹ có bên cạnh không? Tôi rất biết ơn cấp trên đã thông cảm cho hoàn cảnh của tôi nên luôn nỗ lực hết mình để không làm họ thất vọng. Một ngày trôi qua trong bận rộn và mệt mỏi vậy đó, nhưng khi vượt qua được tất cả, tôi lại cảm thấy biết ơn cuộc đời đã cho mình nhiều cơ hội, thử thách để triêm nghiệm.

Nhiều đồng nghiệp hỏi tôi rằng: “Sao không gửi con nhờ ông bà trông giúp”?

Tôi cười nói: “ Em chăm con từ bé, em hiểu nó khổ thế nào, lương tâm nào mà gửi con cho ông bà chứ, ông bà khổ tới đời con là đủ rồi, khổ tới đời cháu nữa thì tội lắm, em sinh con được thì em sẽ nuôi nó được, sức trẻ còn mệt, huống gì người già!”

Vâng, những đứa con ấy, không kể những người học thức cao, tiền không thiếu vẫn luôn xem con cái của mình là nhất nhất, họ vẫn nghĩ gửi con cho người lạ thì sợ bị đánh, nên gửi cho ông bà là yên tâm nhất. Hoặc, gửi con đi trường thì tốn kém lắm, ông bà dưới quê cũng rảnh mà, đâu có làm gì, tranh thủ chăm cháu rồi con gửi cho ít đồng tiêu vặt. Hoặc, ông bà cưng cháu lắm, không cho ai chăm hết…Nhiều vô kể những lý do cho bản thân nhưng ngụy trang thành vì ông bà là vậy đó. Ai trong số chúng ta có thể hiểu cho tâm tư của những người làm cha làm mẹ:

  • Cha mẹ mình không bao giờ muốn con mình vất vả! Đúng.
  • Cha mẹ mình rất cưng cháu, thậm chí cưng hơn cả con! Lại đúng.
  • Cha mẹ không muốn cháu đi nhà trẻ, nhà trẻ không sạch bằng ở nhà, cô bảo mẫu lại hay đánh trẻ! Đúng.
  • Cha mẹ sợ con không lo được tiền cho cháu đi nhà trẻ! Và lại đúng.

Chúng ta vẫn luôn ngụy biện như thế đấy! Bạn có từng nghĩ sinh con ra, việc nuôi con là trách nhiệm của mình, không phải của ông bà? Chỉ cần ông bà nói ra điều mình thấy có lợi nhất cho con mình và bản thân thì bạn sẵn sàng nghe theo, dù bất lợi có thuộc về ông bà? Bạn đã bao nhiêu lần tự vấn về những điều đó?

Cùng tầng chung cư của tôi có hai ông bà quê ở Quảng Ngãi, từ ngày con gái sinh con, ông bà vào ở chung để tiện chăm sóc cháu. Cô con gái khoảng bảy giờ hơn buổi sáng thay đồ đẹp đi làm, đếnnsáu bảy giờ tối mới về, và tất nhiên con cái, cơm nước đã có ông bà lo. Nhiều hôm bên nhà tôi nghe tiếng ông bà cãi nhau vì bà bận nấu ăn mà ông còn chưa đút cho cháu ăn, hôm nào cháu không chịu ăn thì ra đóng mở thang máy cho nó chơi để nó chịu ăn, có hôm thì cháu ốm quấy khóc, ông ngoại già lụ khụ ẵm dỗ đi khắp hành lang, vừa mệt vừa hát…Mãi đến khi con bé lên ba tuổi, tôi hỏi bà ngoại sao bà không gửi đi trẻ cho đỡ vất vả, bà nói: “Mẹ nó làm lương thấp lắm, không đủ tiền gửi đi trẻ”. Vậy mà thấm thoát con bé đã lên năm tuổi, khi bà bắt đầu cho nó đi nhà trẻ thì đứa con thứ hai lập gia đình và sinh đôi hai bé, hai vợ chồng cũng đi làm cả ngày, và giao cháu cho nội! Tôi nghỉ ở nhà tránh dịch trông hai đứa, ra vào vẫn hay gặp ông bà đẩy hai đứa đi dạo dưới sảnh chung cư, bà nhìn cũng già đi hẳn và trông rất mệt mỏi, nào cơm nước, nào chăm cháu… Sức trẻ như tôi còn không chịu nổi, ấy vậy mà tình yêu của ông bà với con, với cháu thật là bao la không thể nào diễn tả được. Tôi còn nhìn thấy, không biết những đứa con của bà có nhìn thấy? Hay thấy đó nhưng xem đó là hiển nhiên, vì mình cũng bận đi làm kiếm tiền mà, mình đâu có ngồi không, vì ông bà thương cháu mà…. Nước mắt chảy dài vô tận, chảy xuôi đến bao giờ, nghĩ mà thấy thương đấng sinh thành quá đỗi!

Đến bao giờ, ông bà mới thôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với cháu? Ông bà nuôi con được thì con nó cũng sẽ nuôi con nó lớn thành người được mà, sao ông bà cứ mãi trăn trở và gánh thay con làm gì. Con cái chỉ mong ông bà sống thật vui, thật khỏe, con khổ nhưng con luôn phấn đấu để nuôi con cái, nên ông bà chỉ cần ngồi đó thôi, con sẽ mặc nhiên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ai cũng có sức mạnh của cái gọi là “bản năng” làm cha, làm mẹ, xin ông bà đừng giành phần làm cha mẹ đó của con cái, để chúng không ỷ lại và lệ thuộc vào tuổi già, sức yếu nữa!

Tôi thật sự mong đến ngày những đứa con sẽ nhận ra tấm lòng của đấng sinh thành, và thôi nghĩ cho bản thân của mình. Ông bà thương cháu đó, nên hãy để ông bà được chơi với cháu, nhìn cháu chơi, nhìn cháu khôn lớn trong vòng tay của bố mẹ chúng, chứ không phải chăm cháu nữa.

Chúc ông bà luôn mạnh khỏe, bình an hưởng tuổi già bên con cháu.