Ngày quyết định trở lại Hà Nội, trong lòng tôi xốn xang bao cảm xúc. Tình hình Covid lúc bấy giờ như một ẩn số, người nhà lo lắng, đứa cháu nhỏ tội nghiệp thì rơm rớm nước mắt. Bao năm qua, dù bận rộn thế nào, tôi cũng về quê đón sinh nhật cùng cháu. Ngày tôi đi, con bé dặn : “Cô hứa phải về với cháu nha!”. “Tất nhiên rồi, cô sẽ về sớm mà” – tôi nhanh chóng đáp lại không chút lăn tăn.

Ngày tháng bình yên vội vã ra đi, để lại những biến cố bất ngờ. Covid lại xuất hiện, gieo rắc nỗi lo sợ trong lòng người. Để đảm bảo an toàn cho chính mình, cho người thân, tôi quyết định ở lại Hà Nội. Và thế là tôi trở thành kẻ lỡ hẹn. Tôi vô cùng khó chịu với cảm xúc của kẻ thất hứa, nỗi nhớ nhà cũng dâng đầy mỗi khi đọc bản tin Covid. Nhưng hơn hết, tôi cầu mong gia đình bình an. Tôi sợ những cuộc chia ly đau xé lòng.

Trong thời gian trụ lại Hà Nội, tôi đã cố gắng tìm niềm vui cho bản thân bằng nhiều cách. Tôi hô biến căn phòng của mình trở nên thơ mộng hơn, học nấu những món ăn mới. Hằng ngày, lướt các trang mạng xã hội khác nhau, tôi biết trân trọng những gì mà mình đang có. Những người nghèo kiệt quệ với tiền nhà, tiền sinh hoạt, dịch vụ khi mà túi tiền cứ nhẹ dần, nỗi âu lo thì thêm nặng trĩu. Có những người tứ cố vô thân, lang thang khắp ngõ ngách mà chẳng biết đâu là điểm dừng chân. Một cơn mưa ngang qua có thể khiến họ ướt nhẹp. Nếu may mắn tìm được gầm cầu, mái hiên thì đó chính là nhà! Tôi thấy những ánh mắt đỏ hoe. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy có nhiều người đàn ông rơi lệ đến thế. Sống trong thế kỷ XXI, vẫn có những con người đi bộ hàng trăm kilomet với mong muốn trở về quê hương, được đoàn tụ với gia đình. Ôi, mỗi lần xem những tin tức như vậy, ai mà không cay mắt, ai mà không đớn đau trong lòng?

Thế nhưng lòng trắc ẩn, tình thương giữa con người với con người sẽ tạo ra những điều kỳ diệu. Hằng ngày chúng ta chật vật giữa dòng đời, hao tâm tổn lực để mưu sinh. Vậy tiền nhiều để làm gì? Lúc bình yên thì chúng ta có thể khoe xe sang, điện thoại xịn, quần áo hiệu, nhà cao cửa rộng, những chuyến nghỉ dưỡng ở thiên đường du lịch. Lúc này ở yên trong nhà, việc làm đẹp nhất chính là dang tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Một suất cơm từ thiện, một hộp khẩu trang khiến người đàn ông vô gia cư đang ngủ trên vỉa hè phải nức nở, nghẹn ngào. Phải chăng đã lâu lắm rồi, ông không còn nhận được thứ tình cảm nào ấm áp như thế? Phải chăng trong giấc mơ kia, ông cũng không nghĩ đến việc mình được quan tâm, được yêu thương, được đùm bọc? Rồi những bàn tay run rẩy khi nhận được những món quà đầy ắp tình quê. Đó là những trái bí xanh, bí đỏ, những hạt gạo làng ta cùng người nông dân dãi nắng, dầm mưa. Sau bao ngày húp cháo hoa, ăn mì tôm để qua ngày đoạn tháng, họ tìm thấy một sức sống mới trong những thực phẩm vốn rất bình thường của những năm không Covid.

Những binh đoàn áo xanh, những chiến sĩ áo trắng ngày đêm dập dịch, quên đi cả bản thân, giấu trong tim nỗi nhớ gia đình. Tất cả cùng chung một mục tiêu, chung tay đẩy lùi Covid, cứu lấy sự sống của biết bao con người. Những cuộc gọi ngắn ngủi về nhà cũng đủ thắp lên nghị lực để vượt lên tất cả thử thách.

Trong hoạn nạn, chúng ta cảm nhận rõ hơn huyết quản trong cơ thể. Chúng ta là một dân tộc, cùng máu đỏ da vàng. Những truyền thống tốt đẹp được phát huy, Bắc Trung Nam đều là một nhà, như bầu bí chung một giàn. Đoàn kết sẽ giúp chúng ta thắng được trận đại dịch, mang bình yên về nước Nam.
Mong lá thư này sẽ có cơ duyên đến với nhiều người, để kết nối trái tim giữa những con người Việt Nam!