Làm dâu khó lắm…

Hai mươi ba tuổi, chị được anh đem trầu cau qua nhà cưới hỏi đàng hoàng, lúc đó chị vừa tốt nghiệp đại học, anh hơn chị năm tuổi. Hai đứa quyết định về quê sinh sống, nên lúc cưới cả hai chỉ có một ít tiền dành dụm bao nhiêu năm đi làm ở Sài Gòn của anh, chút tiền không đủ đâu vô đâu cho cái đám cưới trọn vẹn. Ba mẹ chị cũng không có nhiều tiền. Tất cả nhờ hết ở ba mẹ anh, nào là tiền chụp hình cưới, tiền nạp tài cho nhà chị, tiền vàng cưới, tiền sắm sửa giường mới, tủ gỗ đựng quần áo mới cho phòng tân hôn. Ba má chị không đòi hỏi điều gì, nhà trai tính sao thì chịu vậy, con gái có một đời, nên ba má không muốn khó dễ rồi khổ cho tương lai con mình.

Ba má chị có mình ên chị thôi, chị là con một, từ nhỏ tới lớn dẫu không giàu có, nhưng trong căn nhà của mình với ba má mình chị không thua gì một nàng công chúa. Vừa học giỏi, vừa khéo văn thể mỹ, năm nào chị cũng làm ba má nở mày nở mặt, tự hào với dòng họ bà con. Chị là tất cả của ba má.

Rồi chị chọn anh, một người đàn ông theo như ba má nhận xét là rất chân thành. Biết rằng cưới nhau trong lúc còn thất nghiệp là khó khăn tràn đầy, nhưng anh vẫn quyết lấy chị cho bằng được, không muốn để quá lâu rồi sanh thêm nhiều chuyện không hay. Vậy là cưới…

Bạn bè, người quen, dòng họ chị đều ở Sài Gòn hết, chị sinh ra và lớn lên ở đó, ba má thương chị nên bán nhà cũ chuyển về quê theo con gái, nhà mới của ba má cách nhà chồng chị mười lăm phút chạy xe. Nghe tưởng dễ chừng nhưng làm dâu rồi thì năm phút cũng là xa xôi.

Đám cưới chị, bạn bè ở xa nên chỉ có ít người rất thân tới dự.

Ngày rước dâu, má chồng chị bận áo dài thiệt đẹp, trang điểm thiệt cầu kỳ, còn má chị đã lo bù đầu bù cổ từ trước đám hỏi, nên hôm đó má chỉ trang điểm qua loa, mặc áo dài bà sui, vấn cho gọn mái tóc, mắt má thâm quầng vì đêm qua má thức trắng cùng chị, chị thương má đứt ruột. Tới giờ lành, làm lễ nhà gái xong, không đợi chị rớt giọt nước mắt nào, mặc cho chị với má chị mặt mày buồn hiu thiu thỉu, má chồng vẫn nắm tay dắt chị đi ào ào ra xe dâu. Ông chụp hình chưng hửng sao không phải là chú rể dắt cô dâu ra chụp tấm hình cầm bông ngay xe. Chị chưa kịp nhìn coi ba má mình đi lên chiếc xe nào, và… Má có khóc không.

Má chị nhìn theo bóng con gái mà bẽ bàng…

Lên xe hoa, thay vì chồng ngồi kế bên mình, nắm tay mình cho đỡ tủi, thì má chồng là người ngồi kế bên, chồng ngồi ghế cạnh tài xế. Cảm giác xa lạ và bơ vơ nhanh chóng làm chị thất thần.

Tới cổng nhà trai, má chồng lật đật xuống xe mở cửa dắt chị vô tới tận bàn gia tiên, chồng chị lúi húi đi theo đằng sau. (Cái cảnh này lúc coi lại trên băng cưới nhiều người cũng cười nói chơi như thiệt “ cái này là má chồng rước con dâu chứ đâu phải chồng rước vợ” để rồi má chị quay đi giấu sau mái tóc ánh nhìn thoáng chút tủi thân.)

Lúc xong xuôi hết lễ, nhà gái cũng nhập tiệc ăn uống, chỉ có ba má chị không ăn nổi cái gì, người ta nói gả con gần xịt mà cũng buồn. Nhưng không buồn làm sao được, khi bao nhiêu năm nay ngày nào má cũng thấy chị ở nhà, bao nhiêu năm nay, nhìn chị khôn lớn trưởng thành, giờ chị về nhà chồng, chị cũng thành con nhà người ta rồi, biết khó dễ, trong đục làm sao, có cha mẹ nào mà không buồn.

Đợi dòng họ ăn uống xong hết, ba má ra cổng hoa chụp hình với con gái con rể và ông bà sui. Tấm hình ai cũng tươi có mình cô dâu với ba má ruột mặt buồn rười rượi, má chị đi nhanh ra xe, để giấu những giọt nước mắt không thể kiềm nén được nữa, chị mếu máo khóc thiệt sự, thiếu điều trôi phấn bay son, nhưng chị mặc kệ, chị chỉ muốn được quay về với má, ôm má lúc này… Chồng chị dỗ dành, mà lau hoài nước mắt chị cứ rớt hoài không ngưng được.

Làm dâu khó lắm…

Nhà chồng không đông anh em, chồng chỉ có một cô em gái lớn hơn chị ba tuổi. Được cái em chồng cũng thương chị.

Sau bữa tân hôn đó, chị với cô em chồng cắm mặt chà đống nồi nhôm cho bóng loáng, má chồng chị nổi tiếng kỹ tính vô cùng, chà chưa bóng thì phải chà lại cho bóng. Móng tay chị bị miếng bùi nhùi làm xước hết trơn, chồng xót lòng muốn xông vô phụ, mà chị cản lại, chị không dám để chồng động tay sợ má nói mình làm biếng, phụ nữ muôn đời nay sống quen nhún nhường…

Nhà cô ruột chồng có đám giỗ, tính ra cái ông cái bà đã chết đó không có họ hàng bà con gì với chồng chị hết. Nhưng má chồng chị là người nhiệt tình hết sức nói, ba giờ sáng, má lên gõ cửa phòng chị, kêu chị dậy đi phụ đám giỗ với má. Chị kèm nhèm hai con mắt cay xè, ráng lấy bộ dạng tươi tỉnh nhất có thể đánh răng rửa mặt lật đật theo má lên nhà cô.

Tới nơi, chị con gái và hai chị con dâu của cô vẫn còn say ngủ… Trời khuya lành lạnh, chị vừa buồn vừa tủi!

Chị cắm mặt học gói bánh, lặt rau, làm tất cả những cái gì chị biết, hoặc không biết nhưng má kêu cũng làm. Ai mà dám từ chối, làm xong xuôi hết, rửa hết một đống chén nồi dơ rồi, mấy chị mới thức dậy chưng hửng hỏi “ủa em lên sớm dữ vậy”. Trong một thoáng chị ước được làm con Cám hơn là cô Tấm ngoan hiền.

Làm dâu khó lắm…

Ông nội chồng mất, chị với con dâu của cô đang có bầu 8 tuần, đám tang ông nội, cô dặn con dâu đừng có làm gì hết, ráng ăn uống vô, mới cấn bầu không khéo là khổ lắm. Má chồng chị không nói gì, chị lẳng lặng chui xuống bếp phụ thím út lặt rau, quay qua phụ cô năm rửa củ cải, quay lại phụ cô mười canh nồi cháo, chiên chả giò, cuốn bì, rửa chén… Cái gì cũng tới tay mà má chồng thì không dặn chị đừng có làm. Chỉ có chồng cứ lên lên xuống xuống lôi chị đứng dậy, thương, buồn, rớt nước mắt.

Làm dâu khó lắm…

Chị mang bầu, chưa đi làm được, sáng dậy sớm, quét sân, quét nhà, lau nhà, bầu bì thèm ngủ mà phải vừa làm vừa ngáp… Lau qua lau lại, xong xuôi lên nhà ngồi xíu, chị thấy má chồng xách cái thùng với cây lau nhà đẩy qua đẩy lại đúng y cái chỗ chị đã lau… Chị bấm bụng hỏi má chỗ nào chưa sạch để chị lau lại, nhưng đáp lời chị là sự im lặng của má. Lắm khi, sự im lặng nó còn dã man hơn là những lời chì chiết…

Chị đứng đó xơ rơ, xớ rớ, không biết mình phải làm cái gì tiếp theo, lại giành lau cho má, hay là bỏ lên nhà đóng cửa buồng ngồi luôn trong đó? Chị bối rối… Ước gì chồng ở nhà ngay giây phút này.

Đứng chôn chân tại chỗ hồi lâu, chị đi tìm việc khác để làm, chị chà nhà vệ sinh, chà từng đường ron gạch, chị sợ má sẽ làm lại nên ráng soi kỹ từng chỗ dơ… Chị nghĩ nếu má chị biết, má chị sẽ xót xa cỡ nào…

Cuối tuần về thăm má, má hỏi chị như thế nào, chị cười tươi nói con được thương lắm, không có làm gì nhiều hết má ơi… Rồi má nấu cho chị một bữa cơm hoành tráng, cơ mang gom hết những món ngon mà chị thích dồn vô một mâm… Chị quay đi giấu những nước mắt tủi hờn, thương mến! Chị hơn một lần muốn bỏ hết về với má thôi.

Làm dâu khó lắm…

Chị sanh đứa con đầu lòng, chờ ròng rã, đau ròng rã thằng nhỏ mới chịu ra, sanh thường, mà chị mất máu nhiều nên huyết áp tuột luốt, không ăn uống gì nổi, bước chân xuống giường là chóng mặt rồi quỵ luôn.

Vết thương đau đớn, sức khỏe xuống, chị không có sữa cho con bú, lần đầu ẵm thằng nhỏ trong tay, ép hoài nó cũng không thèm vú mẹ vì nhóp nhép mỏi miệng cũng chả có giọt sữa nào, nó giận quá khóc la inh ỏi, chị sợ con đói, chị không biết dỗ con, chị thấy mình vô dụng, bất lực rồi chị cũng khóc nức nở, vừa ôm con vừa khóc… Má chồng nói chị phải ngồi dậy cho con bú mới đúng, má chồng nói thấy người ta sanh mổ mà khỏe re hà…

Má con chị tê tái trong lòng rồi im lặng…

Đêm chị không ngủ được, đứng ngoài ban công bệnh viện, gió thốc lạnh lùng, không có chồng bên cạnh, chị tự khóc với chính mình, chị thêm một lần ước gì mình chưa cưới… Chỉ có má lặng lẽ ra với chị, kêu chị vô phòng ngủ đi cho có sức chăm con…

Hoa hồng trên ngực trái”: Mẹ chồng-nàng dâu, khác máu mãi tanh lòng?

Làm dâu khó lắm…

Con trai bốn tháng là chị đi làm, chị nhớ con da diết, nhưng về nhà má chồng cứ ôm thằng nhỏ miết, biết má thương cháu nội nhưng chị cũng buồn, nhiều lúc muốn được ôm con cho đã cơn thèm hơi của nó. Nhiều lúc chỉ muốn hít hà mùi da thịt thơm sữa của thằng nhóc, mà có lẽ nào giựt con từ tay má, chị ngậm ngùi khóc với chồng, chồng lặng thinh…

Có cái bữa, chị hứa với má chị đưa thằng nhóc về chơi, má đi chợ mua đủ thứ đồ ăn thức uống cho chị, cho thằng cháu ngoại, chị chuẩn bị sẵn sàng ẵm thằng con ra xe, thưa má chồng xong bà tự nhiên đổi ý không cho đi nữa, lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày tháng chị bùng nổ, lần đầu tiên chị lớn tiếng, chị thể hiện sự khó chịu ra mặt với má chồng. Nói xong chị ẵm thằng nhỏ đi một nước…

Ra cổng chồng thỏ thẻ “hay mình ở lại bữa nay mai hẵn về được không em.” Chị im lặng, mắt chị nhìn anh thay hết những lời chị muốn nói, rồi anh chịu thua chị.

Cách má chồng dạy cháu nội, cách má cho con chị ăn, cách má cho con chị uống thuốc, nó không giống như những gì khoa học, y học ngày nay mà chị biết. Nhưng bao nhiêu lần góp ý với má đều không thay đổi được. Chồng thương chị, cãi lại má chỉ làm mọi thứ thêm rối ren…

Một khoảng thời gian dài chị sợ về nhà chồng, sợ phải gặp má chồng trong im lặng, lúc thưa má đi làm, má không trả lời ư hử…

Nhưng anh thương chị, chị thương con và thương chính ba má mình, chị không muốn tới từng tuổi này mà chị còn là gánh nặng cho ba má không an lòng, chị nhẫn nhịn hết, chị nghĩ thôi thì mình thương má trước, thương nhiều thiệt nhiều rồi đành đoạn nào má không thương lại cho được.

Đi làm được thời gian, chị gom tiền dành dụm, mua cho má chồng chiếc nhẫn vàng tây hột đỏ hột trắng, má nhận chiếc nhẫn, mặt lạnh căm, chỉ nói mua chi cho tốn kém. Rồi tới nay đã bảy năm rồi má chồng chưa một lần đeo chiếc nhẫn đó lên tay…

Những năm tháng đã qua đó, chị nhiều lần khóc ròng trong nỗi khổ tâm, khóc với anh, khóc một mình… Chị luôn cảm thấy lạc lõng khi về tới nhà chồng, cảm giác mình đang đứng ở đâu đó, xa lạ và chơi vơi lắm. Có lúc chị nói với lòng, sau này con trai lớn, chị có dâu, chị sẽ không bao giờ như má…

Nhưng má chị, má chồng chị cũng từng làm dâu, còn khó khăn cực khổ, ấm ức hơn chị bây giờ, chỉ một chút này làm sao thấm thía được…

Năm nay là năm thứ bảy chị về làm dâu nhà anh, năm thứ bảy chị sống trong một gia đình khác gia đình của mình. Má chồng có khắc khe nhưng ba chồng thương chị hệt như thương con gái ruột, ông làm hết những gì có thể làm để đỡ đần cho đứa con dâu. Ông biết vợ ông nhiều khi gay gắt nên ông dịu dàng hết sức có thể để chị được thoải mái sống trong nhà.

Bảy năm đi qua, chị nhìn lại cha mẹ đôi bên đều đã già, nhìn tấm hình chụp hồi chị cưới so với bây giờ, nếp nhăn trên mặt ba má nhiều hơn, những dấu vết thời gian rõ ràng hơn bao giờ hết.

Những năm tháng qua đi chị hiểu được, để chuẩn bị cưới chị về làm dâu, má chồng đã lo lắng rất nhiều, hồi hộp sợ con dâu xuất thân ở Sài Gòn không hợp với má nhà quê. Cưới chị về, ba má chồng nhường cái buồng rộng nhất, đẹp nhất, khang trang nhất trong nhà cho vợ chồng chị, cái thứ hai nhường cho cô em chồng, ba má lui về đằng sau cất cái buồng nhỏ nhỏ, để cái tủ và cái giường nhỏ nhỏ. Buồng cưới của chị, ba má mua tủ gỗ mới, mua cái giường gỗ mới, lúc đi lựa má chọn cái tốt nhất, rộng nhất dành cho đứa con dâu mới… Má không nói ra!

Bảy năm làm dâu, má chồng chưa một lần dễ dãi với chị, nhưng sự khó của bà, làm chị biết thêm nhiều thứ. Hồi xưa ở với má mình, chị nấu ăn thường thôi, chị ngủ nướng tới trưa, chị không biết làm gì khác trừ việc cầm viết cầm sách…

Nhưng từ hồi về với má, chị kỹ tính hơn, nấu ăn ngon hơn, tháo vát hơn việc nhà việc đám tiệc. Chị biết gói bánh, biết xài cục xà bông muối chà đồ nhôm cho bóng loáng. Thậm chí xếp quần áo chị cũng xếp đẹp hơn.

Má chồng chưa từng khen chị giỏi, ngoan, hiền. Nhưng những khi có ai đó trong nhà ngoài ngõ khen con dâu má, rõ ràng mắt má sáng lên sự tự hào.

Má chưa bao giờ đeo chiếc nhẫn chị tặng, má cũng tháo cái vòng chuỗi hạt xanh có con tỳ hưu vàng chị cho đem cất, nhưng sau ngần ấy năm chị biết má giữ lại những thứ đó kỹ càng trân trọng như một kỷ vật. Quý giá và nâng niu…

Má thương con chị, thương nhiều hơn thương con trai của má nữa, mỗi lần chị la tụi nó, phạt tụi nó là má tìm cớ xin cho nó được tha. Má chăm lo từng cái ăn, cái mặc cho tụi nó, hàng ngày đưa đón tụi nó đi học, lúc con chị khỏe, hay nó bệnh sốt má chị lo, thì má chồng cũng lo. Má chưa than thở với chị hay với anh một lần nào.

Mỗi lần chị bận công tác về khuya, má chồng cũng là người lo cho con chị hoàn toàn. Mỗi lần chị báo sẽ ăn cơm nhà, là sáng đó dù có ăn chay má cũng đi chợ về nấu món gì ngon ngon cho chị.

Làm dâu khó lắm…

Bảy năm chị mới mở được lòng mình những nghĩ suy thoáng hơn, bảy năm chị mới chấp nhận rằng má chồng chị cũng chỉ là một người mẹ bình thường, sự ích kỷ đó chỉ vì má thương con trai của má nhiều hơn bất cứ báu vật nào trên cuộc đời. Ngần đó năm chị mới có thể nhìn má dịu dàng hơn, ngồi nói chuyện với má nhiều hơn, chị nhận ra rằng nếu chị không mở lòng thì làm sao có thể gần má được.

Người phụ nữ đó cũng không khác gì má chị, cũng tảo tần quá nửa đời người để yêu thương và chăm sóc cho hai đứa con. Mà chồng chị hồi còn nhỏ, một năm mười hai tháng là bệnh hết chín tháng rồi, má đi làm công nhân cao su cực khổ trăm bề lo cho người đàn ông của chị thành người, thì chút ích kỷ của má có đáng là gì…

Bảy năm gắn bó, không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để chị hiểu rằng, không có người mẹ nào quá sắt đá trước những yêu thương chân thành. Người ta nói với chị “ làm dâu nhà đó khó dữ lắm”. Chị cũng thấy không dễ dàng gì. Không dễ dàng gì để hiểu được một người phụ nữ khác trong nhà, không dễ dàng gì để hai người không cùng chung máu thịt có thể thương nhau vì thương chung một người. Mất thời gian dài như vậy để chị hiểu ra má chồng cũng rất thương nhưng tình thương đó âm thầm không bao giờ nói ra bằng lời.

Từ ngày đám cưới, má nắm tay, dắt chị từ nhà chị về tới nhà má, thì coi như rằng má cũng là má của chị. Mất tới bảy năm chị mới có thể nghĩ nhẹ nhàng như vậy, bởi thù hận, căm ghét nó dễ làm hơn là thương một ai đó bằng cả trái tim của mình…

Len lén nghĩ sẽ có một ngày, khi vợ chồng chị quay về nhà sau giờ làm sẽ không còn có má lo lắng cho một bữa cơm, sẽ không còn có má dọn dẹp lau chùi từng khung cửa sổ khi Tết về. Ngoài sân trước sân sau, mỗi khi chị cầm chổi quét tước, chị sẽ lại nhớ má không thôi. Từng đó năm, đủ để thấy làm dâu rất khó nhưng mà cũng rất dễ, đương không mình có thêm một người cha, một người mẹ để nâng niu và trân trọng, đương không mình có thêm một mái nhà ấm cúng mỗi lúc mòn mỏi trở về, thì dẫu có khó khăn gì cũng vượt qua được hết.

Ba má chị hy sinh cả đời cho chị, rồi đem chị trao cho anh.

Ba má chồng cũng hy sinh cả đời cho hai đứa con, rồi cũng đem trao con trai họ lại cho chị. Ba má hai bên là cầu nối cho một gia đình nhỏ mới với anh với chị với những đứa trẻ, thì cớ gì lại không thể vì thương mà bỏ qua hết những nỗi niềm đã cũ…

Làm dâu khó lắm…

Nhưng… Bấy nhiêu đó năm đủ để hết giận và chỉ còn thương

Chỉ cần chân thành, hoa sẽ nở sau những ngày bão dông…