Phần lớn, thói quen xấu rất khó loại bỏ, bởi chúng bắt đầu như là những hoạt động thú vị, là cái mà chúng ta muốn lặp lại.
Ví dụ: Chúng ta có thể dành vài tiếng để lướt Facebook thay vì ngồi học bài hoặc nhắn tin trong suốt cuộc họp.
Nhưng khi bắt đầu thay đổi thói quen xấu, ai trong chúng ta cũng sẽ có rất nhiều động lực nhưng bạn biết không, động lực được đánh giá cao quá mức trong khi môi trường lại có vai trò quan trọng hơn – môi trường là cánh tay vô hình nhào nặn nên thói quen của con người.
Yếu tố nào khiến bạn khó thay đổi thói quen xấu?
Ở con người, chúng ta nhận thức được nhờ hệ thống thần kinh và các giác quan thông qua hình ảnh, âm thanh, mùi, chạm và vị giác.
Ví dụ bạn có thể “cảm giác” chóng mặt khi đi dưới nắng quá lâu hay thấy chua khi đầu lưỡi chạm vào miếng chanh. Nhưng giác quan mạnh mẽ nhất của con người chính là thị giác.
Cơ thể người có khoảng 11 triệu cơ quan cảm nhận. Khoảng chừng 10 triệu trong số đó phục vụ cho thị giác của chúng ta.
Dựa trên những nghiên cứu rằng chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị giác hơn những giác quan khác, thì cũng không có gì ngạc nhiên khi những tác nhân thị giác là những chất xúc tác mạnh mẽ nhất lên hành vi của chúng ta.
Vì những lí do này, một thay đổi nhỏ trong những gì mà chúng ta nhìn thấy có thể đem lại một thay đổi lớn trong những gì mà chúng ta làm.
Môi trường là tác nhân lớn nhất trong việc hình thành thói quen
Mỗi một thói quen đều bắt đầu bởi một tác nhân nhưng không may là môi trường nơi chúng ta sống/ làm việc thường khiến chúng ta không thực hiện được một cách dễ dàng bởi vì không có những dấu hiệu hiển nhiên để hình thành nên một hành vi.
Sẽ không dễ dàng trong việc đọc một cuốn sách khi giá sách nằm trong góc của phòng khách.
Sẽ không dễ dàng trong việc uống vitamin khi chúng nằm ở nơi khuất tầm nhìn trong tủ đồ ăn.
Sẽ không dễ dàng trong việc học khi chiếc điện thoại kề bên luôn nhấp nháy thông báo.
Khi những dấu hiệu hình thành nên một thói quen không rõ ràng thì chúng ta dễ dàng bỏ qua chúng.
Vậy làm sao để bắt đầu thói quen tốt?
Trái ngược với việc đó là việc tạo ra những dấu hiệu/tác nhân rõ ràng, dễ nhận thấy có thể thu hút sự chú ý của bạn hướng về thói quen mà bạn mong muốn.
Dưới đây là một vài cách bạn có thể tái thiết kế lại môi trường của mình và khiến cho những dấu hiệu hình thành nên những thói quen mong ước của bạn trở nên hiển hiện trong tầm mắt bạn hơn:
– Nếu bạn muốn ghi nhớ việc uống thuốc mỗi tối, hãy đặt lọ thuốc trong tủ đồ phòng tắm hay trên đầu giường.
– Nếu bạn muốn học đánh đàn guitar thường xuyên hơn, hãy đặt đàn guitar ngay vị trí trung tâm phòng khách.
– Nếu bạn muốn uống nhiều nước hơn, hãy đổ đầy vài chai nước mỗi sáng và đặt chúng tại những khu vực bạn hay đi tới trong nhà.
Nếu bạn mong muốn biến thói quen thành một phần to lớn trong cuộc sống, hãy biến những dấu hiệu thành một phần to lớn trong môi trường của bạn.
Hầu hết chúng ta sống trong một thế giới mà người khác tạo ra cho chúng ta.
Nhưng bạn có thể biến đổi những không gian sống và làm việc của mình để làm tăng khả năng hiển hiện cho những tác nhân tích cực và giảm thiểu những tác nhân tiêu cực đối với bản thân.
Việc thiết kế môi trường cho phép bạn lấy lại quyền kiểm soát và trở thành kiến trúc sư của chính cuộc đời mình.
Hãy trở thành người kiến tạo nên thế giới của mình chứ không phải là người chờ đợi thụ động.
Bạn đang cố gắng ăn uống lành mạnh hơn?
Có vẻ như bạn đang mua sắm không kiểm soát tại siêu thị.
Hãy thử tạo một dánh sách những món cần mua khi đi chợ. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn trong việc tránh những đồ ăn không lành mạnh khi não bộ của bạn không tự động nhận biết được những đồ ăn đó được bày bán khu vực nào trong cửa hàng.
Tóm lại:
– Những thay đổi nhỏ trong bối cảnh theo thời gian có thể đưa tới những thay đổi lớn trong hành vi của chúng ta.
– Mỗi một thói quen đều được bắt đầu bởi một tác nhân. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết các tác nhân nổi bật.
– Hãy biến các tác nhân cho những thói quen tốt trở nên hiển nhiên trong môi trường của bạn.
– Dần dần những thói quen của bạn sẽ có mối liên kết không chỉ với một tác nhân mà với cả bối cảnh toàn diện xung quanh nó. Bối cảnh sẽ trở thành tác nhân.