Làng Phước Tích quê tôi thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 35km về phía Tây Bắc. Làng ở châu thổ sông Ô Lâu; dòng sông ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị.

Theo lời các cụ kể lại thì làng được thành lập vào khoảng thế kỉ XV. Lúc đầu làng có tên gọi là Phúc Giang như ước mong một vùng đất gần sông nước được nhiều Phúc lộc, sau đó được đổi thành Hoàng Giang để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng (Hoàng là tên dòng họ khai canh). Đến đời nhà Nguyễn, làng được đổi tên thành Phước Tích như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

Với ước nguyện đó, các thế hệ dân cư của làng đã tiếp nối truyền thống cha ông lao động sáng tạo, xây dựng nên một làng quê tươi đẹp với những nét văn hóa cổ kính, như cảnh quan kiến trúc luôn mang đậm triết lí phương Đông, cùng với văn hóa làng nghề; dòng họ, và đặc biệt là hệ thống đình, chùa, đền, miếu, nhà rường cổ.

Thật tự hào vì làng tôi còn giữ được rất nhiều nét xưa của một làng cổ ở đất Cố đô. Cách quốc lộ chỉ vài cây số là một khoảng không gian cây xanh, sông nước, xen lẫn với nhiều kiến trúc truyền thống nằm rải rác khắp làng. Lúc tôi còn bé, muốn vào làng phải đi bằng thuyền, nhưng hiện nay một cây cầu rộng rãi đã được xây dựng nên.

Quanh co khắp làng là những con đường với những hàng chè tàu xanh tươi được dân làng chăm sóc kỹ lưỡng. Trong làng hiện còn rất nhiều ngôi nhà rường cổ. Điều lí thú là các ngôi nhà rường này liên kết với nhau chỉ cách nhau một khu vườn rộng với những hàng chè tàu xanh thẳng tắp. Từ trước đến nay, làng được chia thành 7 xóm nằm trên con đường chạy dọc bờ sông Ô Lâu, ở đó có là đình làng và các nhà thờ họ vẫn giữ nguyên dáng vẻ truyền thống. Ngay vị trí trung tâm mỗi xóm là con đường chạy thẳng từ bến nước lên.

Quần thể nhà rường cổ có mật độ dày đặc hơn cả tại kinh đô Huế. Cả làng có 117 ngôi nhà thì có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, cùng 12 nhà thờ họ, các đền miếu vẫn còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ từ 150 – 200 năm, cột gỗ đen bóng thời gian, vì kèo, xuyên, trếng, hoành phi, bản khoa, cửa đố… chạm trổ tinh xảo không thua kém các công trình kiến trúc gỗ trong Hoàng cung triều Nguyễn

Tiêu biểu trong số những ngôi nhà cổ như ngôi nhà rường của ông Hồ Đình Lan, xưa ông từng làm tri huyện. Từ cổng vào là bình phong, bể cạn thiết kế theo lối trấn phong. Hơn 100 năm tuổi mà hàng cửa cột bằng gỗ mít còn bóng loáng. Giữa nhà còn bức hoành phi của vua Duy Tân (1909 -1916) ghi công vị quan thanh liêm. Nhà ông Hồ Văn Tế liền đó cũng đã có tuổi thọ 150 năm, qua mấy đời người vẫn giữ nguyên vẹn nếp xưa nhà cũ, tường ngói rêu phong. Hay như ngôi nhà của cụ Trương Công Bậc đã 200 tuổi, kiến trúc kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói liệt đã thâm nâu, tường gạch rêu phong. Hàng cửa bản khoa sậm đen. Sân rộng, trước nhà rộng thênh thang lót gạch Bát Tràng.

Điều đặc biệt nhất ở làng còn lưu lại nhiều ngôi miếu bằng gạch được cho là dấu tích của văn hóa của người Champa. Ngôi miếu Cây Thị ở vị trí ngã ba trung tâm dù có quy mô nhỏ, nhưng nằm dưới chân một cây đại thụ, mặt chính diện có bình phong và cửa vòm đã làm nên một cảnh quan tiêu biểu cho làng. Hiếm có hơn là tại miếu Quảng Tế còn lưu lại biểu tượng yoni  tượng trưng cho phái nữ, Việc tìm thấy những dấu tích của một nền văn hóa khác còn lưu giữ lại một cách lặng lẽ cũng là một điểm thú vị của làng tôi.

Làng cũng nổi tiếng về nghề gốm từ xưa. Khi nội tôi còn sống, ông kể là từ thế kỷ XV đã có những cư dân từ Nghệ An về đây bắt đầu nghề gốm. Sau đó, đến thế kỷ XX, làng trở thành một làng gốm tiêu biểu ở miền Trung. Các sản phẩm gốm của làng theo đường thủy, đường bộ vận chuyển vào Huế, hoặc tới Hội An. Xưởng gốm nằm gần một bến nước, đất sét và nhiên liệu làm gốm và các sản phẩm gốm sau khi hoàn tất cũng được di chuyển theo đường sông. Do đó, vào thế kỷ trước, làng tôi phồn thịnh lắm.

Mỗi năm, làng tổ chức phiên chợ quê Hương xưa làng cổ để tái hiện một không gian chợ quê đậm chất của một làng cũ, cũng với những sản vật và nét văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay người dân làng vẫn cố gắng giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp truyền thống xưa. Sự yên tĩnh, tấm lòng hiếu khách của người dân làm cho những ai khi đến đây cũng đều mang cho mình những trải nghiệm, ký ức đẹp về một làng quê cổ ở đất cố đô.