Rồi có thể đến một thời điểm nào đó, tôi sẽ không còn nhớ mình là ai nữa, tôi sẽ không còn nhớ mình bao nhiêu tuổi, tôi sẽ không thể nhớ nổi đôi chân mình đã đi đến bao nhiêu mảnh đất mà chẳng biết mệt mỏi, cả những gì ồn ã của cuộc sống…lúc ấy tôi sẽ chỉ muốn trở về nhà, gặp lại mình trong những đêm mùa hạ cắt lúa, chỉ muốn nằm dạt xuống bờ ruộng lúc mệt mỏi ngắm những vì sao trên bầu trời đêm, ngắm những đêm trăng sáng bàng bạc trải khắp nơi, nó làm tôi quên đi sự mệt mỏi khi cắt lúa, tôi sẽ muốn trở lại điểm bắt đầu của cuộc đời mình, ở những cánh đồng quê ngày lúa chín rộ.
Đó là thời điểm mà còn chưa xuất hiện định nghĩa về máy gặt, những ngày gặt nóng gắt, lựa chọn của mọi người chính là đi gặt đêm, vì thế lũ trẻ con chúng tôi chẳng sợ hãi bóng đêm mà cứng đầu nhất quyết đòi theo ba mẹ đi gặt lúa. Nói nghe to tát vậy nhưng kỳ thực chúng tôi chơi còn nhiều hơn gặt, cái khoảnh khắc ngửi mùi gió của đồng quê lúc ấy thơm biết mấy, chúng tôi đã lớn lên bằng tình thương của đồng nội, của những ngày hạ nắng cháy lưng, của mùi mồ hôi tầm tã, những cánh đồng lúa chín trải dài bất tận, mỗi lần nhìn bầu trời sao ấy tôi lại thấy tôi trong bộ quần áo vá một miếng bên vai trái đang làm bộ ngây ngô và nài nỉ người lớn rằng: “ Cánh đồng đang đẹp như vậy hay để ngày mốt, ngày mốt rồi ba mẹ hãng gặt, con thấy hơi tiếc vì chúng đẹp quá à ? ” Tôi đã ngồi tiếc ngẩn ngơ .
Tôi xúc động với vẻ đẹp ấy, và tôi những tưởng ba mẹ cũng sẽ thế nhưng có lẽ ba mẹ đã quá bận bịu để ngắm nhìn những điều đó, để mủi lòng vì những cánh đồng mùa gặt đẹp lắm và cũng lãng mạn nhiều, không chỉ đẹp lúc ngày nắng mà còn đẹp lúc về đêm với cái mùi của hương của hoa cỏ xung quanh làm lòng người dịu lại. Rồi lại phải cắt lúa trong sự nuối tiếc và cũng lại phải làm việc bản thân không muốn làm, đâm ra tôi ghét mùa gặt nhất, tôi tiếc cái tấm thảm nguyên vẹn ấy bị cắt xẻ, nhưng rồi tôi chấp nhận điều đó diễn ra thật hiển nhiên rằng: Đó chính là sứ mệnh của những bông thóc đến với cuộc đời này, chỉ vậy thôi.
Tôi nhớ về những vết xước trên đôi bàn tay khi ôm lúa, những vết xước cứ thay nhau đỏ ửng và rớm máu, nhưng biết sao giờ, đám lúa ấy chẳng mang tội gì cả, đành ra tôi chẳng còn biết phải trách móc ai và cái gì nữa, tôi hét lên giữa cánh đồng từ mùa gặt này qua mùa gặt khác mà không biết chán, tôi than trách rằng tại sao mẹ lại không trồng thứ khác mà sao nhất thiết phải là lúa vậy trời. Thời ngây ngô tôi đã có những phát ngôn thật kỳ cục và những cảm xúc hỗn loạn, tôi gào khóc và lẩn trốn trong những khóm lúa mà lòng như mắc nợ chúng điều gì đó, những cánh đồng, những con đường và những ngày gặt lúa cứ vô thức đi vào trong đầu tôi một cách dĩ nhiên và rất sâu đậm.
Những ký ức ùa về một cách lộn xộn, có một nỗi sợ xâm lấn trong người, biết đâu một lúc nào đó tôi không còn có khả năng để nhớ nổi, tôi sợ mình quên mất những mùa hạ oi ả ấy, tôi luôn tự hào với chính mình về cánh đồng quê tôi là đẹp nhất, sẽ chẳng thể nơi nào đẹp bằng những bông lúa quê tôi. Nhưng rồi tôi nhận ra thứ đi theo chúng tôi chỉ là ký ức, là niềm vui trong trẻo của tuổi thơ lúc còn nhỏ bên cạnh những cánh đồng lúa chín, tôi cứ chạy theo đuổi bắt những mảnh ký ức còn sót lại, một thoáng ẩn, một thoáng hiện về hình ảnh cô bé có hai bím tóc đang vuốt ve những ngọn lúa ngả nghiêng trước lúc chúng bị cắt bỏ.
Có rất nhiều giấc mơ mà tôi muốn gặp lại, tôi muốn mơ về những buổi chiều nọ thả diều trên cánh đồng vàng rực của lúa chín, của màu vàng của nắng hạ, của tháng mười dịu dàng hơn một chút, của năm tháng đã cũ theo thời gian và đôi khi đã từng cũ với tôi, tôi nhớ nhà, nhớ năm tháng ấy, tôi chạy xe ngày cuối tuần, lao về nhà như điên vào mùa gặt, đã lâu lắm chẳng còn nhìn ngắm nó nữa rồi, tôi trở về nhà dưới cái nắng gắt gỏng, nhưng tôi quên rằng cánh đồng ấy chẳng còn, điều còn lại là một hồi ức xa xăm, chỉ có một toà nhà, một xưởng may ngay trước mặt, tôi đã góp nhặt tất cả những cũ xưa ấy gom góp về thực tại. Tôi gìn giữ nó như một thứ của để dành đáng giá mà tiền bạc không mua được lần thứ hai trong đời, tất cả như dạy tôi biết chân trọng quãng đời tuổi thơ của mình, chân trọng nơi mình từng sống. Tôi lờ mờ tìm thấy khái niệm quê hương trong lồng ngực, trong từng thớ thịt, trong cảm xúc và trong cả trái tim nồng hậu và thân thiện của bà mẹ đồng quê dành cho con người. Lúc ấy là lúc tôi biết yêu tha thiết và biết chân trọng hạt cơm mỗi bữa.
Đứng trước tôi lúc này là một cánh đồng xa lạ, nhưng sao cái cảm giác lao xao lại ùa về, lại rộn lên trong tâm hồn những cảm xúc dịu dàng chan chứa .