Tôi không giỏi nhớ và không thể nói chắc với ai về những điều thực tâm chính tôi cũng chỉ vẽ ra mơ hồ trong trí óc, nhưng tôi tin cảm nhận mình đủ sâu để ở đây kể lể với người khác về một phần kí ức bé thơ của mình.
Tuổi thơ tôi lớn lên từ những lời ru của bà. Cả chị gái tôi, chị họ tôi, anh họ tôi hay ngay cả những đứa em sau này của tôi cũng lớn dần lên trong cái nôi tinh thần ấy. Bà đã ru tôi trong những cánh võng mắc giữa ngôi nhà nhỏ bé, gạch tường đã cũ. Đó là câu hò, điệu ví thân quen của biết bao người con miền Trung. Tôi mơ hồ nhận thấy tiếng hát ấy tôi đã được nghe thấy, được cảm nhận thấy ngay từ khi còn là một bọc tròn đỏ hỏn trong bụng mẹ. Và ngay cả khi tôi rũ bỏ thế giới trẻ thơ để làm một thiếu nữ, tiếng hát ấy vẫn cứ tự một góc xúc cảm đâu đó mà dai dẳng mãi. Tôi nhớ như in căn nhà ông bà tôi vẫn ở, căn nhà tôi đã lắm lần đòi mẹ đưa đến và nằm ườn suốt những ngày thứ bảy chủ nhật, căn nhà chị em tôi vẫn hay đánh nhau và chảnh chọe một quả thanh long, một gói bim bim, một chùm ổi chín. Căn nhà xập xệ, cũ sờn mà lúc nào tôi cũng chỉ thấy ấm áp. Mùa đông tràn về, cái lạnh đi xuyên vào huyết mạch, chiếc ô cửa gỗ không đủ kín kẽ để đỡ giúp tôi những hơi giá buốt, chúng tôi đôi khi trằn trọc vì nỗi khó ngủ, vì cơn nhớ mẹ vào giữa đêm khuya. Những lúc như thế bà lại ru, tiếng ru như hoá một thứ thuốc uống diệu kỳ, tôi uống bằng đôi tai, bằng thính giác, bằng cả xúc giác để rồi thấy mình từ từ chìm đi trong cơn mê sảng nào đó của cổ tích, như người đàn ông tửu lượng kém cỏi tự đánh say mình chỉ bằng một ly Whisky nho nhỏ.
Tôi theo câu hát mà khai mở cho mình một miền ảo mộng nào xa lắc lơ, nơi những cánh cò hoá loài hồng hạc đậu mình trên cổ tự, nơi cỏ cây biết hát, biết cười, nơi dòng sông con suối hò reo đạp mình vào ghềnh đá tấu khúc bất diệt của thiên nhiên và nơi chúng tôi thấy mình là những thiên sứ nhỏ bé, với đôi cánh nhỏ bé, với chiếc vòng thánh sáng nhỏ bé, những đôi chân nhỏ bé, bàn tay nhỏ bé và những trái tim lại chẳng hề nhỏ bé. Tiếng hát dài mãi, xa mãi, đi xuyên bóng tối, xuyên qua khoảng không tịch mịch và lạnh lẽo trước mắt, xuyên qua cả thời gian đằng đẵng để rồi sống lặng cuộc đời của một loài thanh âm không gì giam giữ.
Tiếng hát của bà trầm trầm, khàn đục, tiếng hát có hơi cay nồng của miếng trầu cau, tiếng hát đượm buồn, đượm thương. Tiếng hát ấy nhiều khi không có âm thanh, hoặc giả rằng chính chúng tôi bỏ luôn âm thanh ngoài cánh tai để tự thấy nó như có dáng hình mà vẽ nên hình hài biết bao điều dấu yêu trong câu hát. Tiếng hát mà như không hát, tiếng hát mà có hình, có vị, có hương, có nồng dư của những yêu thương thầm lặng. Tiếng hát có cánh cò, cánh vạc, có con dế, con ve, có con đò, con sông, cảnh vắng. Tiếng hát có hương sen hồng ngang ngái, mùi cỏ gà giật mình rỉ nhựa vì một đám trâu đen, mùi của khói bếp thả mình lang thang trên hàng ngói đỏ rêu đen đã đóng vảy. Tiếng hát ngút ngàn sắc xanh tha thiết của đồng lúa, nương ngô, bãi khoai lang hay đồng mướp trổ hoa vàng. Tiếng hát có cổ tích ai kể đầu tiên mà người ta tụng truyền giờ này là kiếp bao nhiêu, tiếng hát mà có dáng cha, dáng mẹ, dáng ông con lùi lũi, dáng những thanh niên trên chiến trận, dáng những bóng người bé nhỏ quật cường với đời lao động sản xuất, dáng của cả một xứ sở linh thiêng mang trên mình hình chữ S viết hoa cao quý.
Tôi không thuộc lòng những gì bà đã hát, ký ức về tuổi lên hai lên ba với tôi là điều gì đó quá nhỏ và rất mơ hồ, tôi chỉ cảm nhận, cảm nhận bằng chính nghĩ suy và xúc cảm của chính một tôi bây giờ, lời ru câu hát của bà rất đẹp, không đẹp vì một âm điệu thanh nga hay trong trẻo, không đẹp vì một người hát kiều diễm, cũng chẳng đẹp vì thứ câu từ hoa lệ, mỹ miều lắm lúc sến súa, sượng xạo mà đẹp vì trái tim của người đã hát, đẹp vì cả tâm hồn của người đang nghe. Tôi may mắn, chị tôi may mắn, lũ em tôi và tất cả những ai đã lớn lên từ câu hát ấy của người thân mình thì đều gọi là may mắn. May mắn vì được chạm lấy dòng giai điệu chân chất và mộc mạc ấy chính trong những tháng năm mà bản thân mình cũng là một sinh linh chân chất và mộc mạc nhất. Tâm hồn trong trẻo đón lấy một liều linh dưỡng cũng trong trẻo chẳng kém. Và rồi tôi nhận ra chỉ những trái tim chưa tắt nắng thì mới xứng đáng nhận lấy những âm thanh không bao giờ tắt sáng. Chẳng ai có thể đem một tâm hồn vẩn đục ra để làm bức màng hứng về những điều cao quý mà lọc sàng được những điều cao quý khác. Nó sẽ rơi rớt ra ngoài vì chính bức màn hứng nó là bức màn thủng, hoặc nó thấm ướt chảy xuống vì muốn nhận nó phải nhận bằng sự say mê và cảm thụ.
Lúc tôi dần lớn, mười tám năm không quá dài nhưng vẫn đủ lâu để làm chiếc lưng ai đó còng xuống. Bà thôi hát tôi nghe, hoặc do chính bản thân tôi nhận lây những nỗi ngượng ngùng mà thôi bảo bà hát ru tôi như thuở bé, bà vẫn ở đáy, nơi căn nhà không còn cũ nữa, nơi hàng thanh long trước ngõ vào nhà đã héo úa từ lâu, bà vẫn tiếp tục hành trình dở dang của một tiên nữ tóc bạc, hát cho đứa em tôi, hát người anh nhỏ của tôi vẫn bằng âm điệu trầm buồn của một người con đất Nghệ. Không bằng băng-xét, không bằng radio, không bằng tivi nhưng tiếng hát ấy đủ đẹp để khiến chúng tôi muốn nghe hơn những điệu âm bất hủ trên sóng từ.
Đôi lúc lười biếng, tôi vẫn nằm võng để tự dẫn mình đi theo câu hát ai đó ru con bên cửa sổ, tôi mơ về tuổi đá hồn nhiên của mình, veef một nỗi buồn tự tạo không biết đặt tên, về câu à ơi thanh bình da diết của bà, về cả âu lo và bất lực chuyện già đi của kiếp người.
Tôi vẫn thấy mình không phải đứa cháu đủ tốt để bao giờ cũng xứng được yêu thương, tôi vẫn lắm lần không gạn được mình thoát khỏi vòng váng nổi của một cá tính ương ngạnh, nhiễu điều, tôi không dễ nói một câu tình tứ nào đó vừa đủ để thoả một chút những xúc cảm thật nhưng chính tôi tự biết hành động là thiết thực hơn một lời trối trăng hoa mỹ nào. Chẳng ai hứa hẹn được điều gì lớn lao khi mà chính mình thực tại vẫn chưa đủ tốt. Chỉ cần tiếng hát ấy vẫn đủ mức volume để ngân cho tôi tình yêu và tôn kính, chúng tôi vẫn mơ về một vùng xa vắng nào đó, lặng lẽ sống, lặng lẽ theo chân bà cùng đi một cuộc thăm thú ruộng nương, bình yên yêu và bình yên cho nhận.
Kí ức là quá khứ, là một miền giáo đường linh thiêng đã cũ, lời ru của bà là khúc linh nguyện chân thành trong giáo đường ấy, với chúng tôi là thế, không ai thể sống ở quá khứ để vẽ nên câu chuyện nào đó cho mai sau, hiện thực này là lúc để bất kì ai cũng có thể phù phép cho những ước mơ. Vậy nên, đừng nói bằng lời, đừng chỉ nghe ru băng đôi tai, hãy nói bằng hành động, hãy nghe bằng tất cả những gì mình có, bằng cả trái tim và thể xác mình!