Mẹ tôi nói nhiều, hoạt ngôn nhất nhà, mẹ có thể chỉ đi lên bà “một chút” nhưng ngồi mãi cho tới buổi trưa, mẹ có thể ra chợ “một chút” nhưng chuyện trò đến khi trời cũng gần tối… Mẹ nói nhiều đến độ có khi tôi thấy thật phiền. Và dù cho là nói xấu hay nói tốt thì cả xóm, bà nào, bác nào cũng chả ai ghét mẹ. Nếu có một Club để hội mẹ tôi và những bà hàng xóm trò chuyện, có lẽ mẹ sẽ là một trong những thành viên năng nổ nhất, đáng được khen thưởng. Nhưng mà, xoay đi xoay lại, chủ đề được nhắc tới nhiều nhất cho mọi buổi tranh luận để có thể nói nhiều thế, thì ra, là những đứa con, để được đôi lúc “vô tình” khen con chăm chỉ, khen con học tốt hoặc thậm chí chê con lười biếng, chê con ít nói, chung quy vẫn chỉ là hai chữ “thương con”…

Mẹ tôi thích nghe, nghe người ta nói, nghe người khác khuyên, nghe và ngẫm và suy và kể lại…nhưng đôi khi, ít nghe tôi nói, hoặc tôi ngu ngốc đến nỗi chả bao giờ tâm sự điều gì với mẹ, như hai chị em, như hai người bạn, như những người lớn. Mẹ nghe cũng từ trên trời dưới đất, từ cổng ngõ ra bãi chợ chiều, từ đường lên bà đến bờ ra ruộng… Mẹ nghe và đôi khi áp đặt lên tôi những điều mẹ tiếp nhận và mẹ cho là đúng. Nhưng dù là thế, chung quy vẫn chỉ là con sẽ tốt hơn như người ta nói, con sẽ giỏi hơn như người ta bảo, vẫn chỉ là hai chữ “thương con”.

Chuyện đời tu: Mẹ tôi

Mẹ tôi trẻ măng, sự trẻ không đến từ tuổi tác, mẹ trẻ vì chả bao giờ hết cười. Ai đó xa lạ đi qua mà nghe sẽ thấy, ôi mấy người đàn bà trong làng của tôi có nụ cười sao mà vô duyên. Và tôi cũng từng cứ cho là thế, nhưng sau rồi tôi chỉ thấy nụ cười của họ hồn nhiên như những đứa trẻ, những đứa trẻ đã đi qua bốn mươi, năm mươi những mùa rụng lá… Cười là cười, chả cần thiết hình thức hay điệu dáng. Cái trẻ của mẹ rồi cũng cứ làm mẹ như cô bạn gái thích ôm ấp và khoác tay, ôm eo con mình. Mà tôi lại ngốc đến mức thấy điều đó rõ phiền, thấy sự chạm vào nhẹ nhàng của mẹ sao mà nhồn nhột, thật bức bối và tôi cằn nhằn trốn tránh vòng tay của mẹ. Nhưng tự tôi biết, cái phiền phức của mẹ ấy rất nhiều người thiếu, chung quy vẫn là muốn mang nụ cười cho không chỉ mình mà cả những đứa con, muốn thấy tôi vui, và thấy vui, hạnh phúc vì chính mình khiến cho con cười, chung quy vẫn là hai chữ thương con.

Mẹ tôi cũng hay khóc, mẹ khóc đến đau lòng và tôi cũng lại là người làm cho mẹ phải khóc nhiều lần, mẹ khóc vì thấy tôi ôn thi đến mệt nhử, mẹ khóc khi tôi đâm đầu theo đuổi một ngôi trường xa nhà và hết lần này đến lần khác có bao nhiêu lần tôi mua nổi nụ cười của mẹ nhưng tôi khiến mẹ khóc nhiều lần. Đó là một điều vô cùng đau đớn, thấy mẹ mình khóc là một điều chả dễ gì để chịu đựng. Khóc đầy bất lực, đầy yếu đuối, cũng đầy cố chấp và bảo thủ nhưng chung quy vẫn chỉ là muốn con kề cạnh, muốn bảo bọc con, vẫn chỉ là hai chữ “thương con”.

Mẹ tôi không ngốc, ôi bao giờ mẹ cũng luôn miệng rằng mẹ chỉ học đến cấp ba, lớn lên từ những hạt thóc giã đôi, tuổi bé cong lưng gánh củi, kéo nước và lầm lũi những mùa mót lạc đồng xa. Mẹ được nuôi trong vòng tay của Tổ quốc tháng năm túng khổ như cây con khát khô hạt nước, hạnh phúc là mâm cơm, miếng ăn, tiếng cười chứ chẳng bao giờ là bài điểm cao, giấy khen giỏi hay bằng cao cấp… Và rồi tôi lớn với cái lưng còng của mẹ, với đôi bàn chân tấy sưng vì bãi đinh gai ở công trường, tôi lớn lên với những giọt mồ hôi đổ xuống, nước mắt đổ xuống, cái lưng còng xuống,….mà cái lớn lên của tôi đôi khi thật không xứng với những gì cứ mãi đi xuống.

Tôi tiếp cận xã hội bằng tư tưởng văn minh, bài học thời đại và những thuyết lý công nghệ…. nhưng tôi đã chẳng hiểu rằng mẹ tôi không lớn cùng điều ấy và rồi bao giờ tôi cũng lên tiếng để nói cái này, để khuyên cái nọ. Tôi lại là kẻ đang cố đổi thay những gì bên trong hồn nhiên nhất của người đã cho tôi manh cơm miếng áo. Mẹ nghe người khác và chả nghe tôi, vì những gì người khác nói là đúng trong mẹ, đúng với những gì đã cùng mẹ lớn. Tôi lại ngây ngốc với những kiên trung thời đại, đầy tân tiến nhưng cũng chẳng mang nổi cho tôi một vòng tay ấm, một chiếc ôm thâu. Với tôi, sự cố chấp, bảo thủ hay là những khiếm khuyết và nghĩ suy cực đoan của mẹ hoá ra vẫn chỉ là để con được lớn, khỏe mạnh, ba bữa cơm no, bình yên và hồn nhiên như thuở của mẹ, chỉ vẫn là vậy, vẫn chỉ là hai chữ “thương con”.

Nếu ai đó vô tình thấy mẹ và miêu tả lại bằng những tính từ, có thể mẹ tôi là một người đàn bà quê mùa, cục mịch đầy khiếm khuyết…sao cũng được, nhưng trên tất cả, với chúng tôi, mẹ đẹp hơn tất thảy mọi người phụ nữ khác trên đời. Và tôi cũng chẳng cần gì hơn thế, một người cho tôi thứ tình yêu đôi khi phiền phức nhưng sẽ khiến tôi nguyện dành cả đời để theo đuổi lấy.

Tuổi bé, ta có thể nói nhiều cùng mẹ, cười nhiều với mẹ, sẽ dễ dàng để đòi hỏi thật nhiều những vòng ôm, cái khoác tay hay là cái gối đầu lên chiếc bụng bánh mì của mẹ…nhưng rồi đôi khi ta lại lớn cùng sự lớn xuống của những ước mong ấy. Một sự lớn thật tệ hại! Đừng chọn lớn lên theo con đường đó!