Những ngày cuối thu chuyển sang đông là những ngày thời tiết khó chịu và mưa nhiều. Những cơn mưa dai dẳng suốt mấy ngày liền, tôi còn cảm nhận được thêm cái lạnh tê buốt của tiết trời vùng núi phía Bắc. Thời tiết thế này làm tôi cứ co ro trong chiếc áo phao, xong xuôi mọi công việc của buổi tối, tôi rót cho mẹ cốc nước lá sen ấm để lên bàn, rồi mở ti vi lên. Mẹ tôi đang xỏ kim chỉ để vá lại chiếc áo khoác đã bạc màu của những mùa đông năm trước. Mắt mẹ nheo lại, dơ kim chỉ lên hướng ánh đèn, tôi có ý định giúp nhưng mẹ nói vẫn có thể tự làm được công việc nhỏ nhặt này. Vừa khâu vá, tôi và mẹ vừa xem thời sự để theo dõi tình hình bão lũ miền Trung, nhìn cảnh lũ ngập hết đường xá, nhà cửa, người dân bị mắc kẹt trong những mái nhà làm mẹ tôi cứ xuýt xoa liên tục. Mẹ nhấp chút nước rồi đặt cốc lại trên bàn, bắt đầu tính toán những thứ cần làm vào ngày mai.
Buổi sáng hôm sau, mẹ tôi thức dậy sớm như đã là thói quen của mẹ. Mẹ nhóm bếp đun nước, tiếng bếp lửa cháy lách tách, mùi khói bếp cay sống mũi đã đánh thức tôi dậy. Tôi lò dò đi xuống bếp, ngồi cạnh mẹ bên bếp lửa, hơ hơ đôi bàn tay cho tan đi cái lạnh sương sớm. Mùa này, miền núi lạnh lắm, cái lạnh kèm theo sương giá làm tê buốt đôi bàn tay, khác hẳn với cái lạnh ở đồng bằng nhiều gió. Mỗi sáng sớm sương mù giăng kín, tôi cũng như muốn đóng góp thêm phần mờ ảo, làn hơi trắng từ hơi thở của tôi phả ra hòa tan vào làn sương mờ, tôi cảm nhận được hơi thở của mình ấm áp hơn hẳn so với bầu không khí ngoài trời.
Chờ đến khi sương tan dần, chỉ còn lại những giọt sương đọng trên những cành lá, tôi và mẹ mặc thật ấm đi ra vườn. Khu vườn rộng trồng nhiều loại rau, nhìn từng luống rau xanh mơn mởn, đua nhau vươn mình thì đủ biết công sức của mẹ tôi đặt vào đó. Nhưng điều mẹ tôi tự hào nhất là góc trồng lá dong ở cuối vườn chạy dài ra bờ suối. Mẹ tôi mang theo con dao nhỏ, khéo léo cắt từng chiếc lá dong, mẹ tôi cứ cắt được một bó ôm vừa tay là tôi lại lấy dây buộc lại, mang vào sân nhà. Nhìn mẹ nâng niu từng chiếc lá, tôi lại nhớ những ngày Tết trước, mẹ tôi phải lặn lội leo hơn chục kilomet đường rừng để tìm và cắt lá dong mang về gói bánh chưng. Thấy việc làm này quá vất vả, mẹ tôi đã mang cây dong về trồng ở ngay vườn nhà. Từng khóm dong cao ngang bụng, lá nào lá đấy đều xanh mướt là do một tay chăm chút của mẹ.
Bánh chưng là loại bánh có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam, là món ăn đặc trưng của ngày Tết cổ truyền. Hôm nay không phải ngày Tết nhưng cả xóm tôi cùng góp tay gói những chiếc bánh chưng xanh, gửi đến đồng bào miền Trung đang chống lại với cơn bão lũ. Tôi và mẹ cắt xong lá dong cũng là lúc mọi người tập trung trước sân, người thì đã chuẩn bị gạo, người đã chuẩn bị thịt, đỗ… mang sang cùng nhau gói những chiếc bánh chưng thắm đượm tình quê. Tôi vừa hít hà mùi thơm của gạo, đỗ, mùi béo ngậy của thịt mỡ vừa chẻ tre là nạt buộc bánh. Tôi nhớ lại ngày Tết những năm trước, vì tôi không biết gói bánh, nên việc làm không thể thiếu của tôi là ngồi ngắm nhìn đôi bàn tay gói bánh khéo léo của mẹ, mẹ tôi gói bánh đẹp nhất xóm, từng chiếc bánh chưng vuông vắn, đầy đặn thể hiện tình cảm của mẹ tôi đặt vào trong đó. Những chiều tối, hai mẹ con tôi thường ngồi canh bếp lửa, mẹ lại kể cho tôi nghe về những câu chuyện ngày xa xưa ấy, ngày mà căn nhà không chỉ có hai người. Bếp lửa nồi bánh chưng đã sưởi ấm tuổi thơ tôi trong những ngày lạnh giá cuối tháng Chạp.
Hôm nay một ngày không mưa nhưng vẫn lạnh, có lẽ nước mưa đã rơi cạn trong những ngày trước đó hay mưa đã trút hết nước lên miền Trung thân yêu, trời bắt đầu hửng nắng như tâm hồn tôi hửng lên những tia sáng hy vọng, yêu đời. Tay tôi đang liên tục xếp những chiếc bánh chưng vào nồi ngăn nắp, bắc lên bếp. Bếp lửa bắt đầu cháy đỏ rực đập tan đi cái lạnh, mỗi người mỗi việc, vừa làm vừa nói cười, mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị trong xóm. Chuyện cái Tý 7 tuổi đã biết đi chăn trâu, chuyện thằng Nam con bà Lý đạt giải nhì Toán trên tỉnh… bao nhiêu câu chuyện đời thường mà hôm nay ai cũng thấy vui đến lạ. Tiếng nói cười xôn xao, rộn ràng cả sân nhà, mà chưa lần nào nhà tôi đông vui như hôm nay, có lẽ còn hơn cả những ngày Tết. Tôi chưa từng thấy mẹ tôi cười vui thoải mái như vậy, từ khi bố tôi qua đời. Tôi cảm giác như ngày hôm nay cơ mặt của mẹ với được thả lỏng, đôi mắt mẹ sáng lấp lánh không còn trĩu nặng. Nhìn mẹ hạnh phúc gói từng chiếc bánh, tôi cảm thấy hạnh phúc và yêu thương nhiều hơn. Làm những việc ấm áp gửi đến miền trung thân yêu, trái tim đầy những vết thương của mẹ tôi cũng cảm thấy được sưởi ấm.
Ngày Tết nhất định phải có bánh chưng, nhưng có bánh chưng có thể không phải là Tết, mà là những chiếc bánh chưng đầy ắp tình yêu thương, đùm bọc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào bánh chưng vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống tốt đẹp lâu đời, nó đại diện cho tình yêu gia đình thắm thiết, tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa người với người. Những chiếc bánh chưng xanh không chỉ gói bằng gạo, đỗ, thịt… mà trong đó chứa cả trái tim của con người Việt Nam.