Dẫu năm tháng hối hả, dòng đời vội vã thì tận sâu trong tâm khảm con người vẫn luôn cần những góc bình yên. Khái niệm về bình yên thì mỗi người một khác. Sẽ có những trái tim hướng về cánh diều bay lượn hòa cùng tiếng sáo vi vu, cũng có những đôi mắt luôn dõi theo ánh đèn lung linh phố thị. Người yêu tĩnh lặng, kẻ thích nhộn nhịp vốn là điều dễ hiểu trong chốn nhân sinh. Cảm giác được xoa dịu, lòng nhẹ tênh khi đứng trước cảnh sắc quê hương tuyệt diệu biết nhường nào!

Quê hương tôi là vùng đất chiêm trũng mang tên Hà Nam. Nơi đây nổi tiếng với Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; làng Vũ Đại với mối tình Chí Phèo – Thị Nở qua ngòi bút hiện thực Nam Cao hay món cá kho Đại Hoàng trứ danh được truyền thừa cả trăm năm. Đặc biệt, có một địa danh đã đi vào trong thành ngữ Việt Nam : “Vắng như chùa Bà Đanh”.Ngoài ra, trong dòng chảy văn hóa – lịch sử quê nhà, lễ hội tịch điền là điều không thể không nhắc đến. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành đã đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích người dân trồng trọt sản xuất. Đây cũng là lễ tịch điền đầu tiên ở nước ta được sử gia ghi lại. Và còn rất nhiều điều nữa để tôi có thể tự hào về bản sắc quê nhà!

Bình minh trên giáo đường đổ nát - Nhà thờ đổ Hải Lý Nam Định

 

Thành phố Phủ Lý chính là nơi mà nhiều thế hệ gia đình tôi sinh sống. Khi tôi bé thơ, nơi đây là một thị xã nhỏ. Trong lòng thị xã có một nhà thờ cổ kính được gọi là nhà thờ đổ. Những gì còn sót lại của công trình tâm linh này phản ánh rõ nét hiện thực chiến tranh những năm 60 của thế kỷ XX. Chiều chiều tiếng chuông vang lên ngân nga, nhịp chậm rãi mà tôn nghiêm. Đan xen giữa những dãy phố có các khoảng đất trống. Đây là nơi mà đám trẻ con chúng tôi thi nhau nô đùa. Ký ức tuổi thơ tôi không có những trải nghiệm về cánh đồng lúa, về chăn trâu cắt cỏ nhưng bù lại là những lần đi kiếm cỏ gà, tết vòng nguyệt quế bằng hoa dại. Nếu như vỉa hè được trồng cây bàng, cây phượng, bằng lăng, dâu da thì các bãi đất um tùm những bông xuyến chi cánh trắng mỏng manh hay hoa trinh nữ với sắc hồng mộng mơ. Tôi cũng nhớ những lần hiếm hoi được mẹ chở bằng xe đạp để đi lên Chợ Bầu. Tiếng xe kẽo kẹt đầy những lo toan cuộc sống còn đứa trẻ ngồi sau lại tràn đầy vui sướng bởi những thức quà giản dị hay tấm áo mới.

Mỗi lần kể cho ai đó nghe về quê hương của mình, tôi luôn hào hứng với biệt danh “thành phố ngã ba sông”. Phủ Lý là mối duyên lạ lùng và thú vị giữa sông Đáy, sông Châu và sông Nhuệ. Vào những ngày hè, mặt sông lấp lánh ánh vàng, ánh bạc, cuốn hút vô cùng!

Phủ Lý ngày nay mang trong mình một diện mạo mới. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy được sự bình yên giữa những tòa cao ốc, những trung tâm thương mại. Quê hương vẫn luôn chào đón tôi với tất cả sự dịu dàng, thân thương!