Về quê vào những ngày tháng Tám âm lịch, lúc này đang độ thu về, có cảm giác mát mẻ, êm dịu bao trùm lấy không gian. Quê lúc nào cũng vậy xanh hiền hòa và thơ mộng, những cơn mưa ngâu đã làm cho thảm cỏ ven đường xanh hơn. Nhưng dễ thấy sắc thu đã điểm lên đồi sắn, những ngọn sắn không còn cái vẻ mơn man, mập mạp nữa thay vào đó sắc vàng đã lốm đốm điểm trên lá, còn đám cỏ mọc dưới luống sắn cũng già nua và gai góc. Đúng là mùa thu, mùa của sự dịu dàng và bình an, nắng vàng nhưng không chói chang hệt như cặp mặt thiếu nữ e ấp đầy tình tứ. Còn gió thu lại tựa giọng nói dịu dàng của một cô gái, tất cả làm lòng ta say mê, quyến luyến. Thu về, cả trời đất cảnh vật nơi đây bỗng nhiên như hài hòa rồi hút lấy sự say mê nơi hồn người.

Tôi cũng vậy tôi yêu và say mê cái đẹp của mùa thu. Mùa thu ở đâu cũng đẹp, cũng lãng mạn và nên thơ lắm, dẫu biết là vậy nhưng chỉ có mùa thu của quê hương mới làm tôi nhớ thương đến thế.

Bạn hỏi quê tôi có danh lam thắng cảnh nào không, tôi chỉ biết lắc đầu cười trừ, quê tôi vốn thanh bình như bao làng quê khác trên đất nước này thôi. Nhưng chắc hẳn ai cũng hiểu rằng quê hương đối với mỗi người đều đặc biệt và thiêng liêng. Quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, mà ở nơi ấy ta đã sống những tháng ngày đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất của cuộc đời – những ngày thơ ấu. Và vì thế, quê hương là nơi giữ lại tuổi thơ của mỗi người, để ta dù ở bất cứ nơi đâu vẫn mãi nhớ về.

Loạt hình ảnh thời thơ ấu khiến dân mạng thổn thức - Giáo dục Việt Nam

Nơi phố thị ồn ào và xô bồ, hàng ngày ta bị cuốn vào dòng chảy của xe cộ, công việc, có những lúc ta sẽ thấy mình mệt mỏi. Những lúc như thế tôi sẽ lên xe trở về nhà. Nhìn đồi sắn điểm vàng là bỗng dưng tuổi thơ nhọc nhằn nhưng hạnh phúc lại ùa về. Chắc ai đó sẽ nói rằng vì mùa thu đẹp quá nên lòng người luôn dạt dào những cảm xúc. Tôi tự nhủ “ừ, phải rồi, có lẽ đó là một lý do, ai cũng có những lý do để mà yêu thương hay ghét bỏ một điều gì đó”. Với tôi mỗi khi nhìn những chiếc lá vàng khô quắt, khẽ rơi trên thảm cỏ, tôi lại thấy nhớ mình và lũ trẻ của nhiều năm về trước.
Những ngày thu có nắng, chúng tôi sẽ mang dây lạt lên rừng sắn vơ đám lá sắn vàng úa ấy rồi bó lại và đội về. Những bó lá sắn vàng xuộm cứ lần lượt được đội siêu nhân tí hon chúng tôi mang về nhà.

Đi vơ lá sắn ngày ấy với bọn trẻ con chúng tôi thú vị lắm, thú vị với một công việc khá quen thuộc, lá sắn khô có vị nồng nồng quyện với mùi thơm ngọt ngào của cỏ già tạo thứ mùi nồng ấm và bám lấy chúng tôi dai dẳng. Khi lận vào ruộng sắn để nhặt lá đôi khi những đứa trẻ lại quên mất công việc của mình. Chúng mải mê đào bới, tìm kiến những con dế mèn hay lại lùng sục truy tìm những chú chim cút trong ruộng. Những nắm lá sắn được sếp gọn, chúng tôi dùng lạt bó thành từng bó và đội về nhà.

Mùi lá sắn bám lấy cuộc sống của chúng tôi, về ngủ rồi mà ngửi tay vẫn có mùi lá sắn, đêm nằm xõa tóc ra cũng thấy mùi lá sắn, nấu bếp mùi lá sắn cũng thoang thoảng trong không khí. Hình ảnh lá sắn, mùi lá sắn đã từng là cuộc sống của chúng tôi. Lá sắn cũng là niềm vui của tuổi thơ tôi, chẳng thế mà những ngày mưa chúng tôi cứ háo hức mong chờ ngày nắng. Để làm gì? Để chúng tôi đi vơ lá sắn. Nắng lên, chúng tôi í ới gọi nhau lên rừng, đứa thì đội mũ vải, đứa thì quần lửng, đầu trần, chân đất nhưng nhất định tay phải cầm theo mấy cái lạt. Nhìn lá sắn vàng rụng đầy trên thảm cỏ, ai nấy đều hân hoan, niềm vui hiện rõ trong cặp mắt ngây thơ của chúng tôi.

Cuộc sống ngày ấy thiếu thốn lắm, bếp gas là một thứ quá xa xỉ, mà trong đầu tôi hồi ấy không có sự xuất hiện của hai từ “bếp gas”. Cuộc sống với bao bộn bề, thiếu thốn, thiếu từ cái củi thiếu đi nhưng ai nấy cũng vui vẻ. Thứ được dùng để đun bếp là rơm rạ, lá sắn, lá bạch đàn, lá tre. Vì thế mà mỗi khi hoàng hôn xuống khói bếp từ các mái nhà bay ra, gió thổi, khói bay mang theo những hương vị đặc trưng của từng loại lá.

Nay đã khác xưa, đời sống của người dân quê tôi đã có nhiều thay đổi. Những con đường cao tốc chạy dài cắt ngang sự yên bình vốn có. Bếp gas, bếp điện, củi gỗ,..đã thay thế cho lá. Thật khó để tìm được hình ảnh những đứa trẻ quần áo đầy cỏ may, chân tay nhơm nhớp nhựa đội từng bó lá sắn trên đầu mà miệng vẫn cười thật tươi dưới bóng hoàng hôn. Thật khó để tìm được những cơn gió mang theo làn khói thoang thoảng mùi lá cháy nơi góc bếp. Tôi chợt nghĩ, “có hay chăng, tất cả những điều ấy đã nằm lại ở một nơi gọi là – miền ký ức của tuổi thơ”?.