Thời điểm dịch covid-19 bắt đầu bùng phát và mang theo những hệ lụy, chương trình học bị hoãn cùng lệnh giãn cách xã hội được ban hành, những đứa con xa quê chọn cách trở về nhà để yên lòng gia đình khi nỗi lắng lo và sợ hãi bao trùm khắp cả nước.
Quê tôi ở miền Tây, vùng đất Chín Rồng từng được tạo hóa ban tặng cho hoa thơm trái ngọt, vựa lúa đã giúp Việt Nam từ một nước đói nghèo trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Đất Cửu Long của người đi khẩn hoang, của Võ Tòng bắt sấu, của những lục lâm thảo khấu và những anh hùng “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, thế nhưng lần trở về này, trong mắt tôi là một cõi miền Tây sông nước đã đánh mất sự trù phú, chỉ còn trơ lại phần người đang sống trong sự hờn giận của mẹ thiên nhiên.
Những ngày ở quê tránh dịch là những ngày tôi thấm thía thế nào là hạn mặn. Mấy năm nay lũ không về, hoặc về ngày một ít, sinh kế của người dân vùng U Minh Thượng bị đảo lộn. Đồng đất không được bồi đắp thêm lớp phù sa mới, khi trở mùa hạn, nước ngọt không có để gột rửa đồng bằng, nước mặn cứ thế gặm nhấm vào sâu trong đồng bãi, mùa màng mất trắng. Những chiếc ghe hàng, kiếp thương hồ lênh đênh trên những nhánh sông xa, dòng kênh nhỏ của miền Tây cũng bị xoá nhoà trước hạn mặn. Thời điểm đó ca sĩ Thủy Tiên vận động quyên góp để lắp đặt trạm lọc nước ngọt, khi biết tin này, ai đang đổi từng can nước, chắt chiu từng giọt trong sinh hoạt có lẽ đã mừng đến rơi nước mắt.
Thế nhưng sức người có hạn, bà con nơi đây phải tự tìm lấy cách. Họ hùn tiền để khoan giếng nhưng mũi khoan bị vướng đá ngầm nên khoan chưa tới mạch nước là gãy. Dàn lu khạp dùng để chứa hạt mưa trời nay bỏng rát dưới cái nắng gắt của những ngày đại hạn. Miền Tây bị xâm nhập mặn phần nào bị lấn lướt bởi dịch bệnh toàn cầu, truyền thông quan tâm đến số người nhiễm bệnh và tử vong của hiện tại hơn là kiếp người đang chết dần chết mòn vì sự ruồng rẫy của thiên nhiên.
Tôi đã đi và trở về trong những ngày có một miền Tây đang rất khác. Nơi đó con nước không còn dâng lên cánh đồng, không còn những chiếc ghe chở đầy đặc sản neo trên bến bãi. Những người nông dân tay lấm chân bùn bị thất nghiệp ngay trên mảnh đất được mệnh danh là vùng trù phú nhất cả nước. Tỉnh Bình Dương trở thành điểm đến không phải của ấm no mà là nơi của những con người vỡ nợ, hết đường kiếm sống, bỏ lại đằng lưng cây lúa để đến xứ người và khoác lên chiếc áo công nhân.
Những ngày âm lịch cuối cùng của năm Canh Tý, mảnh đất này vẫn đang hờn giận con người, tháng Chạp đã vào sâu mà không khí mùa hội chẳng thấy nữa. Miền Tây của năm 2020 không còn hình ảnh cánh đàn ông tát đìa kiếm cá làm khô, làm mắm, không còn nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, những nhà sàn lô nhô trên kênh rạch chỉ còn trong những ngày đã cũ, lớp trẻ sinh sau đẻ muộn không còn biết thế nào là bếp cà ràng đỏ lửa trên ghe hay lò trấu trong gian bếp gọn gàng của những người phụ nữ miền Tây vén khéo.
Một miền Tây của câu hò vọng cổ từng níu giữ bao người ở lại, nay nứt nẻ khô cằn tiễn bước người đi xa tìm giấc mộng đổi đời giữa xoay vần con tạo. Trong đám cháu con không thể về quê ăn Tết ấy, chắc có không ít người ngồi nhấp ngụm rượu mà nghe vị đắng ly hương. Nhất là khi nhớ đến chiếc xuồng nhỏ thưở ấu thơ khuất dần sau bụi dừa nước, mường tượng tiếng bìm bịp kêu chiều trong khói bếp bên sông, họ lại thèm được về nhà đoàn viên như loài lục bình tấp vào bờ tìm chút hơi ấm của đất mẹ, để rồi khi con nước lên, cả người và loài cây hoa tím biếc ấy lại tiếp tục ngược xuôi vô định, khi mà đất trời miền Tây không giữ nổi cuộc thiên di của con người.