Khi chúng ta tuổi nhỏ, tôi tin rằng người mẹ nào cũng đã từng nói: “Có những việc mà chỉ lớn lên con mới có thể làm được”. Trong nghĩ suy của những chúng ta tuổi năm, tuổi bảy lúc ấy ước mong lớn nhanh mãnh liệt hơn bao giờ hết, chỉ muốn lớn để được đi chơi không ai thúc quản, chỉ lớn để đi làm nhiều tiền và mua thật nhiều truyện tranh, đồ chơi, chỉ lớn để có biết bao điều cần làm, phải làm như mua xe cho mẹ, xây nhà cho bố, mua vở cho em… Thế mà sau này lớn lên cái “sự muốn làm” những điều của ngày xưa đó dường như cũng chai mòn qua năm tháng, đôi lúc hoá thành sự lãng quên và “không muốn làm”.

Dẫu còn dư sức và đủ khả năng thì những khao khát ít nhiều đổi chỗ cho lười biếng và mệt mỏi. Có một câu chuyện được kể lại về một cậu bé nào đó, lúc nhỏ miền quê của cậu sống dựa vào những củ sắn trắng, nhưng ăn nhiều sắn sẽ dễ bị say, có khi ngộ độc. Cậu lớn lên với ước mong học tập và về lại quê hương để tạo cấy những cây sắn trắng không còn độc tố. Nhưng đôi chân đi mãi dường như đã không đem một bóng dáng cùng hoài bão ngày ấy quay về, mưu sinh và tranh chấp, những cuộc vật lộn và ánh hào quang dường như đã nhấn đi tất cả, cậu cống hiến và tảo cấy cuộc đời, thành tựu, văn minh nơi một vùng đất khác, một bầu trời khác.

Đời tuổi mới đã mong ta đừng sống mãi một cuộc đời nhỏ nhoi, đời tuổi mới buộc ta vội vã, cuồng quay, đời tuổi mới cũng dạy ta trưởng thành nhưng đôi khi đời tuổi mới quên nhắc ta nhớ về nguồn cội. Ta có dứt rễ rời nguồn cũng đừng làm một nhánh bồ công anh, lặng lẽ bay và sống hoang không nguồn không tích, không chút vấn vương.

Những “giờ chơi” đặc biệt của trẻ em miền núi Tây Nghệ | Xã hội | Báo Nghệ  An điện tử

Con sông nào rồi cũng hoà nước ngọt phù sa ra biển lớn nhưng từ biển lớn lại hoá cơn mưa đổ về những con sông cũ. Đó không phải sự rập khuôn hay lối cũ sáo mòn, đó là trật tự, là sự chảy trôi. Ta cũng hay theo tuần tự để sống, không cần theo quy luật nhưng khi bắt đầu thì nên nhắc mình phía trước chỉ có một đích đến duy nhất. Ta có thể đi ngang nhiên hay vòng vèo rối rắm thì đích cuối cũng nên về lại nơi ta từng xuất phát, không phải vì thất bại, không phải vì tiếc nuối chỉ là để nhắc ta biết, có một nơi ta từng yêu thương và yêu thương ta sâu nặng đến nhường nào. Có một nơi mà những ước mơ ta từng chở đầy trên quanh gánh, bông lúa, bắp ngô hay cặp sách rách bươm đến trường… Những khát khao ta không đếm xuể và giờ này ta đang tâm phủi mất.

Một mai, dẫu ta vẫn không đủ khả năng làm đúng với “sự muốn làm” ngày xưa cũng hãy một lần bắt xe trở về, có những con người và hồi ức vẫn đợi bóng dáng mòn mỏi một đứa tha hương. Và nếu một mai, có ngày nào đó chợt nhận ra ta chẳng hề muốn về với những tháng năm đắng cay thưở ấy, khi mà thực tại ta có là những bữa ăn đủ đầy, cơm không độn sắn, áo chẳng chắp may thì hãy nghĩ xem, nghĩ xem từ chính những dòng máu đang dồn dập trong cánh tay mình, nơi nào là khởi nguồn cho nhịp đập ấy, nơi nào thoát ly cho ta từ một bọc tròn nhỏ bé để lúc này ta ngồi đây hạnh phúc mà nỡ lãng quên những gì đã đánh đổi cho ta từng miếng cơm, manh áo, đôi dép lê hay trang vở sờn… Quê nghèo sẽ chẳng buồn đau những người đã bỏ buông cả ngây ngô từng có, quê nghèo chấp nhận vẫn nghèo chỉ được đổi mảnh trời nào đó an nhiên hơn khi có bàn tay ta tạo dựng, chỉ là quê nghèo ấy cũng chưa bao giờ hết bao dung nếu ta nhận ra sai lầm và sự ngây ngốc của bản thân mình.

Ước mơ mỗi ngày sẽ tỉ lệ thuận với sự lớn lên của chính chúng ta, đôi khi vượt xa cả giới hạn mong manh của một trái tim, trí óc. Dẫu không giữ được cho mình được những khao khát của ngày nhỏ thì chí ít cũng đừng để mông lung hay hào quang dắt mũi, khi bạn vẫn còn cống hiến, vẫn cho đi, vẫn yêu thương và nhớ ghi chính mình của thuở ban đầu thì bạn vẫn luôn xứng đáng được yêu thương, vẫn được trân trọng.