Có thể nói, cắt tóc vỉa hè đã trở thành một hình ảnh thân thuộc đối với nhiều người Việt Nam. Dạo quanh phố phường, không khó để ta bắt gặp những sạp cắt tóc nhỏ vệ đường, tuy bình dị, dân dã nhưng cũng không kém thi vị khi góp phần vào bức tranh đô thị hè phố đậm đà hơi thở dân gian Việt Nam. Nghề tóc, cũng như mọi nghề nghiệp khác, là một lĩnh vực hoạt động mà qua đào tạo, người làm nghề có được những tri thức, kỹ năng cơ bản để tạo ra các sản phẩm vật chất hay tinh thần, đáp ứng những nhu cầu của xã hội. Một thợ cắt tóc lâu năm đã từng chia sẻ: “Nếu người cầm máy ảnh phải biết lựa chọn góc máy để mẫu của mình đẹp nhất thì người cầm kéo cũng vậy. Mỗi gương mặt, mỗi vóc dáng, tính cách… lại hợp với một kiểu tóc khác nhau. Cùng là kiểu cua nhưng không phải người nào cũng giống người nào. Người thợ cắt tóc như chúng tôi không chỉ cầm kéo để cắt tóc mà còn phải biết tư vấn kiểu đầu phù hợp cho khách”. Xã hội phát triển, hội nhập, “cái răng, cái tóc” không chỉ còn là những bộ phận cơ thể cần được chăm sóc cẩn thận và chăm chút nữa, mà nó đã trở thành xu thế thời trang, phong cách và cá tính riêng biệt của mỗi cá nhân, đòi hỏi tay nghề của người làm tóc phải mỗi ngày được nâng cao, trui rèn để bắt kịp.
Mặc dù nghề tóc đã tồn tại rất lâu trong đời sống của người dân, nhưng vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của nghề cũng như ông tổ nghề tóc Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều thợ cắt tóc lành nghề đại diện cho giới làm tóc hai miền Nam Bắc, dù vẫn còn nhiều xích mích xoay quanh vấn đề địa giới nhưng họ đều thống nhất một điều: Ông tổ nghề tóc Việt Nam có thể xuất hiện từ những năm Pháp thuộc, đầu thế kỷ XX, là người đầu tiên tiếp cận với những dụng cụ làm tóc chuyên dụng được mang từ Pháp sang. Một ý kiến khác cho rằng nghề cắt tóc ra đời là kết quả của phong trào Duy Tân vào năm 1905. Đây là một cuộc vận động cải cách xã hội, “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” với những khẩu hiệu kêu gọi đàn ông Việt Nam “bỏ búi tó” và “cắt tóc ngắn”. Vì vậy, những năm tháng đó đã xuất hiện những tên gọi vô cùng độc đáo dành cho những người tham gia phong trào này như “Giặc Tông đơ”, “Phong trào Húi hè”. Phong trào “Cắt búi tó, cắt tóc ngắn” khởi đi từ miền Trung, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi ra đến Huế và được dân chúng khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt. Chính nghề cắt tóc cũng đã đi vào thơ ca của chí sĩ Nguyễn Quyền (1869 – 1941):
Phen này cắt tóc đi tu
Tụng kinh Độc Lập ở chùa Duy Tân.
Thú thật, mãi đến 5 năm đổ lại đây tôi mới quen vào một cửa hàng hớt tóc tử tế để “tân trang” lại cái đầu mình. Trước khi biết đến 30Shine, Liem Barber, v.v thì tôi chỉ thích ghé tạm vào vài sạp nhỏ bên lề đường cho nhanh và tiện. Sự bài trí ở những sạp này vô cùng đơn giản, không mất tiền thuê địa điểm, không tốn chi phí điện nước và các thiết bị đắt tiền, chỉ cần một gương, một chiếc bàn nhỏ, vài ba cái ghế và bộ dụng cụ nhỏ là đã đủ để sẵn sàng phục vụ mọi khách hàng. Thợ cắt tóc vỉa hè thường hành nghề ở những nơi có thân cây lớn hoặc những mảng tường cao, tiện cho việc đặt bàn, đặt gương và che nắng. Dù không sở hữu một tiệm cắt tóc hoàn chỉnh, nhưng họ vẫn cung cấp cho khách đầy đủ tiện nghi. Thuở xưa, người thợ cắt tóc vỉa hè chỉ cho khách ngồi trên một chiếc ghế gỗ nhỏ, khó điều chỉnh lên xuống. Theo thời gian, người thợ cũng đầu tư những chiếc ghế da mềm, có thể nâng lên hạ xuống linh hoạt, thuận lợi cho việc tạo kiểu cắt tóc. Họ cũng thiết kế riêng một chiếc quạt nhỏ gắn trên gương, để cho khách đỡ nóng trong những ngày oi ả. Một cung đường có thể có đến năm sáu thợ đứng ở những tán cây khác nhau, ấy vậy mà họ thường rất hòa thuận, hiếm khi tranh giành khách. Có lẽ vì chủ yếu khách ở đây là những người quen, không quan trọng việc tạo kiểu, nên hợp với cách cắt của ai thì họ sẽ chỉ đến với người ấy. Dù rằng đồng lương ít ỏi, nhưng những người thợ cắt tóc luôn kiên trì bám trụ với nghề. Dường như, đấy không còn là nghề nghiệp thông thường nữa mà đã trở thành niềm đam mê của họ, dứt ra cũng không được. Đó là cái tâm với nghề, mà đôi khi còn là mối quan hệ khăng khít giữa thợ và khách đã giữ họ ở lại.
Đối với riêng tôi, cắt tóc vỉa hè là một cái thú vui. Được bố chở đi cắt tóc từ khi bé, tôi vẫn nhớ như in cái góc nhỏ quen thuộc ấy, tán lá bàng rộng đủ che cả một vùng trời. Mỗi lần tôi đến, chú thợ cắt tóc lại nở một nụ cười đôn hậu, đón tôi vào chỗ ngồi. Khoác lên mình chiếc áo phủ rộng thùng thình, tôi thoải mái ngồi yên dưới tán cây mát dịu ấy, tin chắc rằng giao mái tóc cho chú ấy là một quyết định đúng đắn. Chiếc tông đơ chạy trên đầu, tiếng cây kéo loạch xoạch nhanh thoăn thoắt hòa cùng với tiếng xe cộ inh ỏi qua lại như thành bản nhạc đường phố đầy chất thơ. Vừa cắt tôi vừa trò chuyện với chú thợ, vẫn những câu chuyện cũ rích từ ngày này qua tháng khác, nhưng mỗi lần nói chuyện lại cảm thấy thật lạ lẫm, gần gũi và thân thương. Chú kể cho tôi nghe về cuộc sống mưu sinh, về cơm áo gạo tiền và đôi khi là cả những câu chuyện vui về nghề. Chú kêu nghề này khổ, nhưng lúc nào kể về cái khổ ấy chú cũng nở nụ cười rất tươi. Có lẽ, trong thâm tâm của người thợ cắt tóc vỉa hè, cái khổ chỉ là bước đệm, và khi nằm gai nếm mật đủ lâu, khổ rồi cũng thành quen. Dù nắng đổ lửa hay mưa phấp phới, người thợ cắt tóc cũng làm quen dần với cái sự trời ấy, để cố kiếm được đồng lương nuôi gia đình. Ba mươi phút trôi qua thật nhanh, chuyện kể chưa hết thì đầu đã xong từ bao giờ. Tôi giơ tay chào tạm biệt chú và lại hẹn lần tiếp theo. Nhưng cứ vậy, tôi không nhớ nổi lần cuối cùng mình cắt chú là khi nào. Chỉ biết rằng sau này càng ngày càng lựa chọn cắt tóc ở những salon tóc gần hơn, mát mẻ hơn. Ở những salon tóc ấy, tôi chả thể tìm lại những cảm xúc ngày xưa. Không còn là không khí của phố phường nữa, salon toàn là mùi dầu gội, mùi nước hoa. Có lẽ, cắt tóc vỉa hè đã trở thành một hình ảnh gì đó độc nhất, khó lòng mà thay thế.
Năm tháng qua đi cũng đang dần cuốn mất cái nghề vui mà lạ này. Sau chiến dịch vỉa hè, Hà Nội tuy vẫn còn những chỗ cắt tóc, nhưng không nhiều như xưa nữa. Tôi cũng có dịp tìm lại góc nhỏ tuổi thơ ấy, nhưng cũng không còn gặp chú. Nghe đâu bảo là chú về quê chăm sóc gia đình và đi chữa bệnh, rồi cũng xa rời cái nghề “vít đầu vít cổ” này chuyển sang nghề khác. Nghĩ cùng buồn, nhưng thời thế là vậy. Xã hội ngày một thay đổi, thì những thứ xưa cũ cùng dần phai nhạt đi. Dù thế nào chăng nữa, hình ảnh cái bàn, cái gương ở dưới gốc cây vẫn sẽ mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi là một ký ức đẹp của tuổi thơ và đồng thời cũng là một hình ảnh đẹp, đậm chất hơi thở phố phường Việt Nam.