Đoàn chúng tôi gồm 15 người phượt xuống Phú Yên, xuất phát từ 1 giờ chiều, xe băng qua đường quốc lộ, xuống huyện M’Đrắk , rẽ trái chạy thẳng xuống huyện Sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên. Kinh dị đoạn đường từ huyện M’Đrắk gồ ghề, khúc khuỷu, toàn ổ gà, ổ voi. Cảm giác chạy xe choáng váng như bị thủng lốp, méo niềng, những cơn mưa mùa hạ tới tấp đập vào mắt, vào mặt ran rát làm cản trở tầm nhìn của chúng tôi.

Ấy thế mà vừa qua địa phận Sông Hinh, con đường đẹp mê tơi như dải lụa. Tôi có cảm giác không gian nơi đây khác hẳn, những ngôi nhà san sát nhau, và hàng bông bụt xanh rì thẳng tắp. Chúng tôi chạy xe chừng 50 cây số là tới thành phố Tuy Hòa, cũng là lúc màn đêm buông xuống mịt mùng.

Tropical Homestay đón chúng tôi niềm nở, view đẹp, mà giá phải chăng, chủ homestay là đôi vợ chồng trẻ 9x, cũng là người Buôn Mê tới Phú Yên lập nghiệp. Khi biết chúng tôi là người Buôn Mê, họ vô cùng xởi lởi, hiếu khách. Sau khi nhận phòng, chúng tôi đi ăn tối. Một nhà văn thông minh đã từng nói, khi đến một miền đất lạ, bạn hãy làm 3 điều sau:

1) Thưởng thức văn hóa ẩm thực.

2) Kết nối con người.

3) Tìm hiểu văn hóa danh lam, thắng cảnh,…của miền đất đó.

Tối, chúng tôi ghé quán nhậu bên bờ kè Bạch Đằng, dưới cầu vượt Hùng Vương, thưởng thức món cá ồ nướng cuốn bánh tráng chấm mắm ruột, tức mắm ruột được làm từ ruột cá ồ, thoạt đầu ăn có vị tanh, nhưng khi bạn lấy lát cá nướng bỏ vào bánh tráng, kèm các loại rau sống, đặc biệt dĩa rau ăn kèm có cà thái lát, rau thơm các loại, tôi ấn tượng nhất là dừa bào từng sợi nhỏ, nhìn rất lạ. Bạn cho lát cá, rau thơm, dừa sợi vào bánh tráng cuốn chặt lại chấm mắm ruột thì mọi giác quan của bạn như lâng lâng.

Không dám uống bia, chỉ uống nước ngọt vì sợ vi phạm luật giao thông , ai nấy đều tỉnh như sáo, xong chúng tôi rủ nhau ra cầu Đà Rằng, lên núi Nhạn, tháp Nhạn ngắm thành phố về đêm lung linh, nhiều màu sắc, rồi cùng nhau chụp hình, tạo dáng…Tháp Nhạn về đêm vắng người, lại ở trên cao nên càng thêm heo hút, quạnh quẽ,…Buồn cười nhất lúc chuẩn bị ra về, chị D. chợt thấy chiếc áo của ai bỏ quên ở dưới nền gạch mà lúc chụp hình chỗ đó lại không thấy, tiếng mèo hoang kêu ai oán càng thêm ma mị, rùng rợn, tôi bình tĩnh và cười thầm là trò đùa quái ác của cậu nào trong đoàn đây, và cuối cùng dĩ nhiên là trò đùa.

Sáng hôm sau chúng tôi ra biển Tuy Hòa ngắm bình minh, check in, rồi ra bãi Xép, xứ sở của bối cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tác phầm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Biển và đá xanh rì, những cây xương rồng hoang sơ kiêu hãnh trên cát, mà chẳng hiểu sao, đứng ở biển Tuy Hòa, tôi lại nhớ biển Ninh Chữ, Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy ở Phan Rang. Tôi đã từng đặt chân tới Phan Rang nhiều lần vì có quen chị nhà văn ở Phan Rang.

Giới thiệu sách tháng 12/2015: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Xế chiều, chúng tôi đi ăn chè Thái Tuy Hòa, đặc sản ngọt của miền đất này. Khác hẳn chè Thái ở Buôn Mê Thuột chan nhiều sữa bột và đậm sầu riêng, chè Thái Tuy Hòa chan sữa đặc, mùi sầu riêng thoang thoảng, không béo ngậy.

Tối đó chúng tôi tiếp tục ra Bờ Kè Bạch Đằng ăn tối, độc đáo món gỏi cá mai, mà trên dĩa lại phủ đầy dừa thái sợi, thế mới biết khẩu vị của dân nhậu nơi đây rất đặc trưng. Các thành viên trong đoàn sợ tanh vì cá sống nên ăn không được nhiều, món gỏi cá mai thanh đạm, không dầu mỡ, vị cay chua, hợp với tôi nên riêng tôi chén gần hết dĩa. Món đặc biệt nữa là món Mắt cá ngừ thuốc bắc. Mắt của cá ngừ ngoài biển, mắt cá to bằng nắm tay người, bỏ vào một cái om đất chấm bi xanh kèm với các loại gia vị, thuốc bắc hấp cách thủy, ăn kèm với rau tía tô thái nhuyễn. Vị lạ, ban đầu tôi không nuốt được, nhưng càng ăn lại càng thấy ngon, vị béo ngậy của mắt cá, sừn sựt bởi rau tía tô, sực nức vị thuốc bắc, khiến món ăn hấp dẫn, không lẫn vào đâu được.

Sáng hôm sau đoàn phượt chúng tôi trở về Ban Mê và không đi qua đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu nữa. Tuy xa hơn, nhưng đường và cảnh đẹp như tranh vẽ. Dọc đường chúng tôi ghé Vũng Rô, Mũi Điện (Đại Lãnh), ngọn Hải Đăng. Bên trên là vách núi, phía dưới là bao la biển cả. Xế trưa đoàn phượt thẳng xuống thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), qua đèo Phượng Hoàng, rồi về thẳng Ban Mê trong ngày. Kết thúc chuyến đi đầy bổ ích và ý nghĩa.

Sau chuyến đi, tôi thấy tôi trưởng thành, mở mang hơn rất nhiều, cả trong nghĩ suy và cách nhìn nhận, mỗi vùng miền sẽ có phong tục tập quán, văn hóa khác nhau. Và điều mà tôi thích nhất khi đến miền đất mới là thưởng thức văn hóa ẩm thực. Như nhà văn Di Li đã nói trong cuốn “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa”: “Lắm lúc tôi cứ nghĩ, những tác phẩm âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điện ảnh, văn chương được đời đời lưu giữ nâng niu, tác giả của chúng ta được ghi danh và trân trọng, thậm chí được lập bảo tàng, còn ai là người đầu tiên sáng tạo nên phở, bún chả, bánh cuốn, hay thậm chí chè long nhãn thì nào ai biết, dù xét về phương diện nổi tiếng thì chúng cũng chẳng kém gì. Ấy có lẽ là phần nhiều chẳng coi ăn uống là cái sự sang trọng, thậm chí ăn lắm lại còn đáng xấu hổ. Mà ẩm thực chẳng phải là nghệ thuật, là văn hóa, lịch sử, là hồn cốt của một dân tộc đấy hay sao? Người Việt mình chẳng phải là quan trọng sự ăn đến nỗi trong kho từ vựng, những từ quan trọng nhất cũng phải dính đến ăn: Ăn chơi, ăn mặc, ăn học, ăn ở, ăn nói, ăn nằm, làm ăn.