Quê tôi con nước lớn ròng
Mang nhiều nhung nhớ trong lòng phù sa
Miền Tây vốn tính thật thà
Con người chất phác đậm đà tình thương.

Tôi là Hai Lúa miệt vườn
Quanh năm lam lũ mà lòng thảnh thơi
Cực thân tâm chẳng cực đời
Miền Tây sông nước gọi mời khách xa …

Xuôi theo dòng Cửu Long cuồn cuộn chảy, ta về với miền Tây chất phác và đầy tình thương. Con người nơi đây bao đời nay vẫn thế, mến khách, thật thà, song luôn tràn ngập niềm tự hào về một mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lễ nghi. Ở đó, bằng đôi bàn tay và khối óc, con người thăng hoa cùng nhau, kề vai sát cánh, kiến tạo và hưởng thụ những giá trị song hành với việc tiếp biến đến muôn đời. Hôm nay, tôi muốn mời bạn đọc du ngoạn về miền Tây, và cùng điểm qua một vài nét đặc trưng của văn hóa nơi đây.

Trước khi đi sâu vào tìm hiểu những giá trị cụ thể, chúng ta cần điểm qua một vài yếu tố căn bản tạo dựng nên nét văn hóa độc đáo đó. Miền Tây gồm 13 tỉnh thành, trong đó có thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang. Là địa danh nằm ở phía Nam xa xôi của Tổ Quốc, miền Tây là một vùng đất bao quanh bởi những dòng phù sa màu mỡ trải dài, nơi cây trái miệt vườn quanh năm tươi xanh chín mọng. Từ xa xưa, nhờ những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng, miền Tây đã sớm phát triển những nền văn minh văn hóa cổ đầu tiên, phải kể đến như vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo. Văn minh của vương quốc Phù Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt đến đỉnh cao rực rỡ của nhiều lĩnh vực xã hội ngay từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, khi nền văn minh ấy hùng mạnh và lụi tàn từ biển. Bắt một chuyến xe lên Di tích Gò Cây Thị, nhìn ra núi Ba Thê, toàn bộ khu vực rộng đến hơn 450 ha kéo dài từ chân núi là những gì còn sót lại của văn hóa Óc Eo. Lịch sử loài người đã chứng kiến sự hình thành, phát triển rực rỡ của một đế chế ngay từ buổi bình minh những ngày đầu Công Nguyên. Vương quốc Phù Nam bấy giờ đặt tại thương cảng Óc Eo – Ba Thê, nay là Thoại Sơn – An Giang. Nơi đây trong nhiều thế kỷ đã trở thành đầu mối giao thương của nhiều tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, sau đó, trung tâm giao dịch đường biển này chuyển dần sang eo biển Malacca, kéo theo sự lụi tàn của một trong những đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đến giữa thế kỷ XVII, đất nước Chân Lạp thống trị vùng này một thời lục đục vì tranh giành ngôi báu. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã ra tay giúp hoàng thân Batom Reachea lên ngôi, đổi lại là đất nước sẽ phải cống nạp cho Chúa Nguyễn hằng năm và cho người Việt làm chủ vùng đất khai hoang ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Cho đến năm 1679, khi các quan nhà Minh do không phục nhà Thanh nên mới xin làm dân Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Tần nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, đã cho họ vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Những người này sau đó chia nhau đất Đồng Nai, Biên Hòa, Mỹ Tho thuộc Tiền Giang, cùng khai mở vùng đất mới cày ruộng, làm nhà, lập ra phố phường đông đúc. Chính sự giao thoa, hội nhập, kết hợp cùng với yếu tố đặc trưng của thiên nhiên trải dài suốt triều dài lịch sử mà khu vực Tây Nam Bộ đã dần hun đúc một nền văn hóa đặc biệt, mang tính chất bản địa rõ ràng và có những giá trị vật chất độc nhất mà không một nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam sánh bằng.

Điểm qua một vài nét văn hóa độc đáo của khu vực này thì trước hết ta phải kể tới sự giao thoa của bốn nền văn hóa Kinh – Chăm – Khmer – Hoa, yếu tố đã tạo nên nền tảng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sinh hoạt văn hóa của người dân. Chính nhờ sự di cư, sáp nhập và bản chất của đất nước Phù Nam, Chân Lạp hiện hữu, có thể nói nền văn hóa Tây Nam Bộ như sự chọn lọc tổng hợp những giá trị tốt đẹp nhất của những nền văn hóa đã từng đi qua nơi đây. Những ví dụ tiêu biểu có thể dễ dàng thấy được đó chính là những công trình kiến trúc giờ vẫn còn hiện hữu như chùa Dơi Sóc Trăng, chùa Vàm Ray, chùa Âng Trà Vinh, v.v. Tự bao đời những người buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực này học tiếng lẫn nhau để giao thương, buôn bán. Không ai có thể nhớ rõ cả ba dân tộc sinh sống trên vùng đất này đều xem lễ, tết của dân tộc khác là của mình từ lúc nào. Cho đến hiện nay, việc người Việt hay người Hoa làm Phật tử của chùa Khmer hay Hòa thượng Tăng Nô của chùa đều là điểu hiển nhiên và dễ thấy. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa còn thể hiện rõ ràng ở những món ăn đặc trưng xứ sở miền Tây. Khác với các vùng miền khác, những bữa ăn nơi đây đặc trưng bởi vị ngọt nhẹ nhàng, đậm tính sông nước và có sự giao thoa nhất định giữa khẩu vị của nhiều tộc người. Có thể lấy ví dụ như món “bún nước lèo” đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng, từng đạt giải nhất của liên hoan du lịch Mê Kông. Vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc, hòa quyện hương vị đậm đà, mặn mà của mắm Pro-hốc của người Khmer, ăn kèm với bắp chuối non, rau muốn thái sợi, giá sống đích thị cung cách người Kinh, song hành một vài miếng bì heo quay giòn giòn, dai dai béo béo đúng sở trường của người Hoa. Đó là sự tiếp nhận văn hóa một cách chủ đích hòa hợp chứ không hòa tan, là sự hòa hữu của các cộng đồng dân tộc cùng chung sống và cũng là biểu tượng cho một nền văn hóa miền Tây tổng quát được cấu thành bởi những yếu tố không thể tách rời.

Tiếp theo, ta đi tìm về trang phục đặc trưng nhất của người dân miền Tây – chiếc áo bà ba mộc mạc mà thân thương. Áo bà ba là loại áo may dưới dạng cổ tim hoặc cổ tròn. Thân áo là sự biến đổi của áo tứ thân miền Bắc nhưng độ dài của áo chỉ đến hông. Áo thường được may bằng chất liệu vải satin thoáng mát, nhưng không kém phần quyến rũ khi rất vừa vặn và thướt tha, người mặc cảm thấy vô cùng thoải mái. Người thợ may áo ba bà khi hoàn thiện chiếc áo sẽ không quên xẻ ra hai tà ở phía trước và may thêm hai cái túi nhỏ đối với áo nữ và hai túi to đối với áo nam. Thông thường, người miền Tây sẽ mặc áo bà ba với một chiếc quần đen dài tới cổ chân, đi cùng với khăn rằn trắng đen đặc trưng và chiếc nón lá mượt mà. Nhìn từ xa, ta có thể dễ dàng nhận ra ngay người dân miền Tây chất phác thật thà chỉ qua những mẩu trang phục đặc trưng này, nam thì thêm phần khỏe khoắn, nữ thì thêm phần dịu dàng kín đáo. Qua năm tháng với sự du nhập của văn hóa phương Tây, áo bà ba mặc dù được may mặc ít hơn so với trước đây, nhưng những cải tiến mới lạ thì có thể được thấy rõ. Áo không còn thẳng và rộng như xưa nữa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân mình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn… đều được tiếp thu từ y phục nước ngoài.

Nói đến miền Tây, ta không thể không nói tới văn hóa sông nước đã gắn bó từ lâu đời, con người nơi đây thuận theo tự nhiên để đưa mình trên những dòng chảy kiếm sống. Đánh cá, giao thương đều diễn ra trên những con sông. Rồi từ lúc nào không hay họ hình thành nên những chợ nổi trao đổi hàng hóa linh hoạt, tạo nên những khung cảnh mua bán ngộ nghĩnh nhưng không kém phần độc đáo. Những chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy, Cái Răng (Cần Thơ) hay Ngã Năm (Sóc Trăng) đã trở nên vô cùng nổi tiếng và là một phần đi sâu vào tiềm thức người dân bản địa và du khách. Chợ thường họp vào buổi sáng sớm, khi trời vẫn còn mát mẻ, chưa bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Thông thường, dân du lịch sành sẽ chọn đi vào tầm 4 giờ 30 đến 5 giờ để kịp phiên chợ, bởi nếu dậy muộn một chút thôi, tầm khoảng 8 giờ sáng thì chợ đã vãn rồi. Lênh đênh trên chiếc thuyền ba lá, chúng ta sẽ được tiến vào một khoảng không tấp nập, xôm tụ không kém gì những ngôi chợ thông thường trên mặt đất. Ở đây bán đủ mọi mặt hàng, từ hoa quả, nước uống đến những món đồ ăn nóng hổi phục vụ ngay trên thuyền. Mỗi gian hàng bán đồ gì thì chủ thuyền sẽ treo một tấm biển nhỏ như một tín hiệu thông báo cho khách về mặt hàng mình đang bán. Người dân buôn bán luôn niềm nở, thân thiện và hiếu khách. Đi qua khắp các gian hàng, dù mệt nhọc đến đâu, người miền Tây vẫn nở những nụ cười hiền hậu và đáng yêu để đón chào du khách. Dọc theo con sông mát lành của phiên chợ sớm, chúng ta sẽ có cơ hội để hít no căng mùi nông sản tươi tràn ngập trong không khí, thưởng thức những món quà miệt vườn đậm chất miền Tây và hơn thế, là lắng nghe những tiếng rao, những câu hò, điệu dân ca mời gọi khách du lịch đến với chiếc thuyền, chiếc ghe của mình. Nói đến ghe xuồng, người dân miền Tây cũng rất trân quý, yêu thương phương tiện này như người thân trong gia đình họ. Chính vì thế, những người dân buôn bán trên ghe lâu nay vẫn lưu truyền tục cúng ghe trước khi ra khơi buôn bán. Họ tin rằng việc mua bán hay an toàn trên ghe đều có một đấng linh thiêng che chở và phù hộ, vì vậy nên việc cúng ghe là một việc làm tri ân đến đấng linh thiêng ấy, đồng thời là một trong những sinh hoạt dân gian mang tính chất củng cố tinh thần, thúc đẩy làm việc mỗi ngày. Tục cúng ghe nơi đây khá phong phú. Khi chuẩn bị đóng ghe mới, gia chủ bao giờ cũng cúng kiếng ván gỗ đầu tiên, hay còn được gọi là cúng “ghim lô”. Trên mâm đồ người ta thường để kèm theo một tấm vải đỏ, đây là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn. Miếng gỗ “ghim lô” luôn phải dày hơn những miếng gỗ tiếp theo, sau khi ghe hoàn thành thì người thợ sẽ phải rút đinh ra khỏi miếng gỗ ghim lô ra và “xảm” vào những cọc gỗ tương ứng. Theo quan niệm của người dân, trong công đoạn này nếu làm mất đinh, thì đó là báo hiệu cho điều xui xẻo, không may mắn.

Có thể thấy, trên đây là một vài nét đặc trưng của văn hóa vùng Tây Nam Bộ Việt Nam. Sự độc đáo đến từ cả thiên nhiên và con người, đó sự hòa quyện ngọt ngào và hữu tình tạo nên bản sắc con người miền Tây. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng níu giữ đôi chân những vị khách lãng du lỡ sa vào lưới tình với mảnh đất mộc mạc chất phác này, cũng như là yếu tố thúc đẩy du lịch miền Tây mạnh mẽ.