Mùa mưa, mùa của hoa bằng lăng nhường chỗ cho cây nuôi trái. Nghe nói bằng lăng tím gắn liền với câu chuyện tình yêu thủy chung, đợi chờ của đôi lứa yêu nhau. Còn với nó, ngày ấy, mùa bằng lăng là lúc nó được đóng sách vỡ vào học tủ để trở về với cõi trời tự do, nơi những cách đồng tiếp giáp chân trời.

Ngày trước, cứ vào độ cây bằng lăng trước nhà đâm những nụ hoa mỏng manh tim tím đầu tiên là lúc nó được theo chân anh chị về đóng quân dài ngày ở miệt Bằng Lăng. Bằng Lăng là quê ngoại nó. Mùa Bằng Lăng cũng là mùa gặt lúa, mùa nhộn nhịp ghe xuồng chuyên chở, mua bán lúa, mùa của những người gặt lúa thuê bận bịu, xa nhà kiếm cơm. Chẳng biết từ bao giờ, do đâu mà người ta gọi quê ngoại nó là Bằng Lăng. Đó là một vùng quê gồm một số xã thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang) tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp. Quê ngoại nó bằng lăng nhiều lắm! Bằng lăng che rợp bóng hai bên bờ sông và cả những con đê ngoài các cánh đồng lúa. Con sông trước nhà ngoại nó cũng được gọi là sông Bằng Lăng.

Ngày đó, nó theo anh chị về miệt Bằng Lăng chỉ với nhiệm vụ trông cháu để anh chị ra đồng. Thế nhưng năm nào nó cũng háo hức chờ đợi mùa bằng lăng đến. Cứ sau hai buổi sáng hoặc trưa ra đồng của anh chị, nó lại được “trả tự do”, tung tăng theo thằng em bạn dì ra đồng. Nó lần bước theo thằng em, men theo những triền đê cao, dài thăm thẳm, thỉnh thoảng lại gặp những gốc bằng lăng chừng chục năm tuổi. Những con gió mùa hè thổi thốc lên từ cánh đồng lúa chín, tạt vào người chị em nó, lòn qua những tán lá bằng lăng kêu lào xào. Nó hít một hơi thở thật sâu để đón lấy cái mát lành của gió đồng nội. Gió cuốn theo cả những cánh bằng lăng mỏng manh, thả xuống, lả tả trên mặt kênh. Nó ngồi bệt xuống gốc bằng lăng nghỉ chân. Thằng em nhảy tọt lên cây sắn gần đó, nhanh như một con sóc nhỏ. Nó bẻ luôn một nhánh sắn to nhẹ nhàng chuyền xuống cho chị. Những trái sắn chín đen bóng bị động, rơi lủm tủm xuống kênh. Nó thích thú nhắm nháp mấy trái sắn chín đen bóng, ngọt ngay. Hai chị em “thịt” hết mấy trái sắn chín rồi đứa này nhìn hàm răng đen thui đứa kia mà cười tít mắt. Biết nó thích bằng lăng, thằng nhóc hái một chùm hoa to đẹp cho chị.

Thú vị nhất là lúc nó cùng thằng em xoắn quần lội xuống các rãnh nước giữa mảnh ruộng để bắt cá. Trước khi gặt lúa, người ta rút cạn nước trên ruộng. Cá, tôm phải túm tụm chạy xuống đó để tìm đường sống. Đủ loại cá chạch, cá lóc, cá trê, cá rô, lươn, tôm, tép…lần lượt ngoan ngoãn nằm gọn trong bàn tay sát cá của thằng em nó. Còn nó chỉ bắt được những con cá sặc hiền lành, chậm chạp hoặc vài con cá lóc cửng. Em nó dùng nhánh cây xỏ qua mang mấy con cá nhỏ, làm thành một xâu cá dài lủng lẳng. Em nó cột 2 cái ống quần dài để bỏ mấy con lươn hay cá lóc to vào đó một cách chuyên nghiệp. Nó lần theo mấy gốc bằng lăng, hái mớ lá non để về ăn kèm cá nướng trui. Chị em nó chỉ đi hơn 2 giờ đã tìm đủ cá cho bữa cơm chiều của cả nhà. Dì nó gom mấy nhánh cây khô chất đống, châm lửa. Thằng em nó xiên cá qua thanh tre đưa vào than nướng. Mùi cá nướng trui bốc lên thơm lừng một gốc sân nhà ngoại. Cá nướng trui kẹp với đọt bằng lăng non, chấm mắm gừng thơm lừng, ngọt lịm đầu lưỡi.

Kết thúc mùa hè cũng là lúc những cánh hoa bằng lăng mỏng manh cuối cùng bị gió cuốn đi. Cây bằng lăng bắt đầu oằn mình nuôi trái. Trái bằng lăng xanh rì, tròn lẳng, nhỏ như trái mù u non, đu mình trên cây một cách chắc chắn. Chẳng gió mưa nào làm rụng được trái bằng lăng. Trái bằng lăng chỉ chịu rời khỏi cành khi nó đã khô đét, nứt nẻ. Không hiểu sao nó lại ví trái bằng lăng tựa như thằng em nó, những đứa trẻ ở cánh đồng quê mộc mạc. Chúng lớn lên như cây hoang, trái dại chẳng cần chăm bón cũng khỏe mạnh, dẻo dai.

Lớn lên, nó rời quê lên thành thị để vào đại học. Ngôi trường mà nó học cũng trồng rất nhiều bằng lăng. Đi giữa những con đường nhỏ có trồng bằng lăng của khuôn viên trường, nó như đi ngược về với tuổi thơ bạt gió nơi cánh đồng quê ngoại. Dù đã hơn 20 năm nhưng lòng nó vẫn in đậm màu tím của hoa bằng lăng. Mỗi dịp về lại quê ngoại, nó lại lặng lẽ một mình lần dò ra cánh đồng xưa. Mấy gốc bằng lăng giờ không còn nữa, chỉ còn cội sắn già quá tầm ôm của một người. Nhiều mảnh ruộng xưa giờ đã được người ta lên liếp, trồng mít thái. Con gió đồng nội xưa lại chào đón nó, lùa vào tóc, vào da nó mát lạnh. Không hiểu sao cảm giác tiếc nuối, lẻ loi đến lạc lỏng len vào hồn nó. Nó đứng đó bơ vơ, ngơ ngác như một đứa trẻ lạc vào một nơi lạ lẫm, mênh mông.