Tinh mơ sáng, gà gáy o..o… Con trâu còn phì phò nhai cỏ ăn bận chiều hôm trước, tiếng dây nài, con đũa đã va vào ách cày nghe cạch cạch – buổi cày sớm đã chuẩn bị bắt đầu.

Có lẽ đã quen thuộc với nhịp cày mỗi sáng, con trâu chẳng còn ngái ngủ, nó khẽ đứng dậy, phẩy cái đuôi mấy cái xua mấy con mòng mòng, đứng đợi sẵn chuẩn bị ra đồng. Miệng vẫn còn không quên nhơi cỏ, mắt chớp chực chờ để chủ nhà tháo cổng đi ra đồng.

Ngày xưa còn rọi cái đèn gió, không thì thẻ lửa để thấy đường cày. Rồi hiện đại hơn một chút thì đội chiếc đèn pin soi, cả người, cả cày, cả trâu lẫn trong sương sớm chỉ tò mò ánh đèn pin le lói xé màn sương mai.

Người dân quê tôi bao đời đã có thói quen đi cày, đi bừa ruộng từ bận sớm mơ. Để trời hửng sáng thì tháo ách, vác cày trở về với bao việc khác. Các mẹ sau khi dắt trâu cày, tháo trâu thì về đi chợ bán mớ rau, mớ cà, chục trứng gà, nải chuối; không thì mua sắm thức ăn. Ba thì lên núi coi ong, không thì chặt bờ, đan mủng… Con trâu sau buổi cày được giỏ cỏ tươi, hôm nào vội quá thì nhơi mớ rơm khô bù sức sau những rặng cày rồi thong dong ra đồng gặm cỏ. Mỗi người mỗi việc chẳng ai nhắc ai bởi đã quen như một lối cày đã được lên liếp cứ thế mà hò rì, hò tắt giữa bận đất cày…

Quỳ Hợp

Bận dặn cày, ba mẹ ra đồng từ sớm, mấy đứa tụi tôi cũng lúi húi dậy sớm hơn mọi khi . Lo thổi cơm, đồ xôi để mang cơm cày cho ba mẹ. Bữa cơm cày cũng giản đơn mà vương cái hương khó tả. Có lẽ là hương sớm mai, của mùi đất ải và có lẽ là cái mùi vương khắp tuổi thơ của những đứa trẻ quê chẳng thể nào lẫn được. Nó cứ đâu đó chực chờ, như cái sương sớm bám ngọn cây sóng sánh.

Bữa cơm cày chỉ có cơm trắng hoặc nắm xôi với cối muối đậu, muối mè mà sao ngon quá đỗi. Chắc là sau một đêm ngái ngủ, sau một buổi cày thấm mệt, miếng cơm nóng, cối muối béo bùi đã nhân lên cái ngon gấp bội. Ngon nhất có lẽ là hôm nào nhặt được cái bẹ cau để đem về gói cơm thì mới thật sự thú vị. Mùi cơm nóng ủ trong cái bẹ thật nồng nàn, để khi lần mở nó bung tỏa mùi cơm, mùi bẹ cau quyện vào nhau. Cái mùi hương diệu vợi kích thích vị giác, mà chỉ cần nắm cơm ấy với chút muối vừng muối đậu mà bọn trẻ con chúng tôi bao giờ cũng xin ra ruộng cày để được ăn với người lớn đi cày thôi…

Mỗi khi chuẩn bị cho vụ mùa mới bắt đầu, khi cái cày treo trên sóng chuồng trâu đã được tháo xuống mài đi lớp hoen rỉ, ba lên núi kiếm mấy bụi dầu trường để lấy dây về bện lại mấy cặp nài; cặp đũa cũng đã được vót mới từ gốc tre già đốn xuống . Con trâu nái dường như đã cảm nhận được hương vị ngày mùa mấy nay nhìn nó cũng nôn nao như chúng tôi vậy. Còn chúng tôi cũng háo hức, muốn được cảm nhận cái hương vị buổi sớm mai được bì bõm trên luống cày sớm, để dắt trâu, để giành nhau nắm cơm trong bẹ cau trắng sao thân thương quá đỗi…

Mùa dặn cày cả nhà bận rộn, bữa cơm sáng sẽ không còn quây quần như bình thường, bởi lẽ có hôm ăn đồng này, hôm thì ruộng nọ. Ai cũng lục đục tất tả từ sáng sớm, cái cảm giác bận bụi khi thấy mẹ lúi húi, ba thì lật đật, còn chúng tôi cũng lo mà dậy sớm, khiến cả nhà chộn rộn cả lên. Ấy thế mà thành nếp quen mỗi vụ mùa đến và bây giờ đã trở thành một phần ký ức khó quên. Dấu ấn của một thời tuy có khó khăn nhưng đong đầy yêu thương và kỷ niệm theo suốt cuộc đời.

Giờ đây khi máy cày nối nhau trên cánh đồng trước nhà, mấy con trâu cũng nhởn nhơ hơn, không còn dặn cày như trước… Tháng năm mưa giông về, mùa cày ải bắt đầu, mùa tinh mơ dậy sớm, mùa của những mùi hương quen và nỗi nhớ. Có lẽ mùa ấy đã không còn hiện hữu nhiều nữa. Mùa dặn cày giờ cũng nhẹ tênh, bởi máy móc đã làm hết. Mẹ không còn hối ba dậy sớm, giọt sương mai cũng không còn bám trên vành nón cày nữa. Nhưng kí ức dặn cày, mùi hương cơm sớm vẫn còn đó. Chỉ cần chực chờ nghe mùi cày ải là nó lại trỗi dậy nôn nao…