Hàng năm, mỗi khi mùa gió chướng tràn về, hơi lạnh dần bao trùm khắp nơi,  ở quê tôi cũng bắt đầu vào mùa đậu rồng. Nhìn những giậu đậu rồng xanh um, sum suê trái mà nao lòng. Bỗng dưng ký ức về tuổi thơ trong tôi lại ùa về.

Tôi còn nhớ như in, năm tôi học lớp 7. Ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, tôi chưa biết cách đối nhân xử thế như thế nào cho đúng. Cứ hành động theo bản năng, chẳng cần suy nghĩ đúng sai gì hết, miễn sao bản thân thấy thích là được.

Lúc bấy giờ, nhà tôi ở cạnh bên nhà của ông Chín Cự. Hai nhà cách nhau cái hàng rào bằng cây tre được ông Chín dựng lên để phân biệt ranh đất giữa hai gia đình. Ông nổi tiếng là người khó tính nhất ở trong xóm. Bình thường thì thôi, chớ hễ đụng chuyện là ông la lối om sòm.

Khi tiết trời vừa chớm đông, tận dụng khoảng đất trống nhỏ cạnh hàng rào, ông Chín trồng mấy dây đậu rồng và cho chúng bò lên hàng rào. Một thời gian sau, những dây đậu rồng bò phủ kín hàng rào và bắt đầu đơm bông, kết trái. Công nhận đậu rồng dễ trồng thiệt! Chẳng cần bón phân, phun thuốc gì hết. Thi thoảng chỉ tưới nước thôi mà ra trái nhiều dễ sợ! Sáng nào ông cũng hái những trái là trái. Nhiều quá, ăn không hết, bà Chín mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

Một hôm, đi học về đến nhà, như thường lệ tôi xuống bếp định ăn cơm. Tới nơi, mở tủ thấy nồi mắm kho thơm nức mũi. Món này phải ăn kèm với rau sống thì mới ngon. Nhìn quanh chẳng thấy có rau gì để ăn. Chạy ra liếp rau muống bên hông nhà cũng trụi lủi, chẳng còn cọng nào. Tiếc hùi hụi. Phải chi có rau sống ăn thì ngon biết mấy! Tôi đưa mắt nhìn lên hàng rào thấy đám đậu rồng của ông Chín trái sum sê, non èo, lủng lẳng cả chùm, cả chùm, khắp nơi chỗ nào cũng có. Đậu rồng chấm với mắm kho ăn bắt lắm, không gì sánh bằng!

Lúc này, tôi liền nảy sinh ý định kiếm vài trái về ăn. Đậu rồng nhóc trái, mình chỉ hái vài trái chắc không sao. Vả lại, không ai thấy thì làm sao mà biết được mình hái… Đắn đo, suy nghĩ và nhìn quanh không thấy ai, ngay lập tức tôi thực hiện kế hoạch. Tôi đứng cạnh hàng rào, tiện tay lựa những trái vừa ăn và chọn chùm nhiều trái nhất để hái cho mau. Nhanh như chớp. Tôi quơ liên tiếp mấy chùm đậu rồng, nhanh chân chạy vào nhà rửa sạch rồi dọn cơm ra ăn. Trái đậu rồng bẻ thành từng khúc nhỏ, chấm mắm kho. Đưa lên miệng cắn một miếng, đậu rồng giòn tan kết hợp với mùi thơm của mắm rất là tuyệt vời. Đang ăn ngon trớn, bỗng nghe tiếng của ông Chín inh ỏi bên phía hàng rào:

–  Mấy chùm đậu rồng mới hồi sáng còn, giờ đâu rồi cà? Sáng tính hái nhưng thấy còn non nên chừa lại để ngày mai hái, mới đó mà biến mất tiêu rồi. Hay thiệt chớ!…

Rồi ông Chín cho rằng có ai đó vào hái trộm và buông ra những lời lẽ khó nghe, chửi bới người nào đã hái trộm đậu rồng của ông. Nghe mà nhột cả người. Toàn thân tôi run như cầy sấy, lòng thấp thỏm, không dám ló đầu ra vì sợ ông Chín thấy lại nghi ngờ. Đúng lúc này, ba đi ruộng về tới. Nhìn thấy tôi ngồi bên mâm cơm với những trái đậu rồng còn ăn dang dở:

– Thì ra người đó là con phải không? Vẻ mặt ba nghiêm nghị, cao giọng hỏi.

– Chuyện gì hả ba?

Tôi thừa biết ba hỏi chuyện gì. Nhưng cố giả đò và tỏ ra như mình không hay không biết. Cố che giấu chuyện trộm đậu rồng. Nào ngờ ba tiến lại gần bên mâm cơm, cầm mấy trái đậu rồng giơ lên, ông lại cao giọng hỏi tiếp:

– Nói đi! Mấy trái này ở đâu ra?

– Con mua ngoài chợ.

– Con mua chỗ nào, của ai chỉ cho ba coi!

– C…h…ỗ…

Tôi ngập ngừng, ấp a ấp úng không nói được nên lời. Cứ tưởng chối cãi sẽ che giấu được ba. Ai dè bị lật tẩy. Sau một lúc tức giận, ba xuống giọng bảo:

– Ba từng dạy con làm sao hả? Mình sống phải trung thực. Con muốn ăn sao không nói để ba mua hoặc sang nhà hỏi xin ông Chín. Chỉ vài trái đậu rồng chắc là không đến đỗi ông hẹp hòi mà không cho đâu. Bất cứ cái gì cũng vậy, dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, cái gì của người ta là của người ta. Con muốn gì phải hỏi xin. Chớ mình tự ý lấy của người khác là xấu lắm biết không con!

– Dạ, con hiểu rồi. Con xin lỗi ba!

– Đi theo ba!

– Đi đâu vậy ba?

– Qua nhà ông Chín.

Sợ qua bển ông Chín biết tôi là thủ phạm hái trộm đậu rồng sẽ mắng cho một trận ra trò. Mới hình dung gương mặt giận dữ của ông thôi là tôi đã phát sợ! Cho nên tôi dùng dằng không chịu đi.  Ba khuyên: “Mình có lỗi phải biết nhận lỗi mới là người tốt. Có ba đây, không sao đâu con”. Rồi ba nắm chặt tay tôi dắt qua nhà gặp ông Chín cho bằng được. Tới nơi, tôi dốc hết can đảm để thú nhận việc làm sai trái của mình với ông Chín. Ông vui vẻ bỏ qua và xem như không có chuyện gì xảy ra. Hai ba con cám ơn ông Chín rồi ra về.

Hơn lúc nào hết, giờ đây tôi cảm thấy mình rất là nhẹ nhõm như vừa trút bỏ được một gánh nặng trong lòng.