Khi cái nắng hè gay gắt trải rộng khắp thung lũng, phả cái nóng hầm hập, giục trái xoài, trái mít, trái chuối… già dần trên cây, cũng là lúc mùa xoài chín đã bắt đầu.

Tháng sáu vắt sang tháng bảy, nhiều loại quả chín, nhưng quê tôi thời điểm đó chẳng có loại quả nào nhiều bằng xoài. Xoài lớn, xoài bé, xoài vỏ xanh, vỏ vàng, quả tròn, quả dẹt cứ gọi là bày la liệt ở chợ và hai bên lề quốc lộ. Mùa xoài về, gợi lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm của một thời thơ ấu bên cha mẹ, bạn bè.

Tháng sáu oi ả nóng, rồi những cơn mưa bất chợt ngang qua ghé thăm cây trái.

Trong vườn, trên nương đồi mùi hương của các loại quả chín theo về từ cơn mưa dường như đã vấn vít. Tôi nghe thấy bước chân mùa xôn xao trong từng đôi quang gánh của mẹ, của chị vội kịp phiên chợ xa.

Xoài bén duyên với đất cằn quê tôi từ bao giờ chẳng rõ, dường như nó cũng dễ tính, dễ sống, và kiên cường bền bỉ thích nghi dần với khí hậu khắc nghiệt. Chỗ nào có thể mọc được là nó mọc, kẽ đá, bờ ao, lưng đồi, sườn dốc…Ai đó vừa ăn xong trái chín vứt vội vài hạt vào vệ đường, ven đồi, ven suối vậy là xoài nảy mầm, rồi lớn dần thành cây. Nó cũng chẳng cần ai nâng niu, chăm sóc cứ đến mùa là ra hoa, đậu quả, rồi dâng đời chút hương vị của riêng mình.
Xoài có nhiều loại, loại quả to thịt nhiều, hạt bé người dân quê tôi thường lựa chọn trồng ở vườn nhà. Loại quả bé hơn cùi mỏng hạt to, dù cũng là họ nhà xoài nhưng gọi là quả muỗm quả muỗm nhỏ hơn quả xoài, dài gần bầng chuôi dao. Còn một loại quả thú vị khác nữa cùng họ nhà xoài là quả mắc trai, có nơi gọi là quả thanh trà. Quả mắc trai tròn vo, to bằng ngón chân cái, vỏ vàng hươm, khi chín có mùi thơm dịu, ăn ngọt mát. Trẻ con thường dùng móng tay cấu đầu quả rồi mút.

Tả quả xoài chín - Tập làm văn lớp 2 (3 mẫu)

Cánh nhà tôi chừng vài chục mét là cái sân kho của lương thực. Ở góc sân kho có một cây mắc trai cổ thụ năm nào cũng sai quả, đến mùa quả chín, xa xa đã nhìn thấy có đến vài trăm đốm nắng đung đưa sáng trong kẽ lá.

Trẻ con xóm tôi cứ đến mùa mắc trai chín là dắt díu, bồng bế nhau từng tốp chờ nhặt quả rụng dưới gốc cây. Chúng háo hức hệt như đợi quà mẹ đi chợ về. Chợt một cơn gió ghé qua rung nhẹ cành, quả đã chín vàng trên cây chỉ đợi có vậy rụng bộp, bộp… Bọn trẻ con lao nhao túa ra tranh nhau xí phần, rồi cãi nhau inh ỏi

Trong đám trẻ con ngày ấy, có cái Bua lúc nào cũng chậm chân nhất, cái Bua có bộ tóc cháy nắng, nom như túm râu ngô vắt trên cái cổ gầy nhẳng đen đúa. Tấm thân còm nhom của nó còn phải thường xuyên địu theo một đứa em nặng trĩu sau lưng.

Bọn trẻ con chẳng để ý gì đến chị em cái Bua, tranh nhau nhặt những trái mắc trai chín mọng, thơm lừng, xếp vào từng đống của riêng mình. Khi những đợt quả chín đã trút hết xuống, chúng mới ăn, ăn chán chúng cởi áo ra bỏ những quả mắc trai vàng ươm vào túm lại mang về. Chúng vứt lại những quả không ngon nằm lăn lóc trên sân. Cái Bua lúc đó mới có cơ hội lượm lại những trái mắc trai đã dập nát, phủi vội bụi bám rồi đưa trái mắc trai ra sau lưng cho đứa em mút chút nước ngọt còn sót lại.

Sáng muộn hôm sau, khi những tốp trẻ con đến gốc cây nhặt quả, chúng đã thấy cái Bua đang bỏ những quả mắc trai thơm lừng vào rổ bê về. Thì ra cái Bua tranh thủ lúc em nó ngủ, dậy sớm hơn thường ngày ra gốc cây nhặt quả rụng. Lúc đó bọn nhóc đang ngủ chẳng phải tranh nhau với đứa nào. Sau một đêm, xung quanh gốc cây mắc trai quả rụng nằm la liệt như những quả trứng gà, tha hồ nhặt… Một đứa lớn hơn cả bọn hét lên.

“Con kia, không được tham lam, chia bớt cho bọn tao đi”

Cái Bua lầm lì không nói gì, bỏ lại một nửa non rổ quả rồi đi về.

Từ buổi đó bọn trẻ con xóm tôi đã biết chia nhau thời điểm nhặt quả, tốp nhặt buổi sáng, tốp nhặt buổi chiều, đứa sân trên, đứa sân dưới.

Năm ấy mưa thuận, gió hòa, nhà tôi được mùa xoài, chỉ với năm cây trong vườn mà dễ có đến gần tấn quả. Mẹ tôi phấn khởi ra mặt. Mẹ hy vọng bán được xoài để thêm ít tiền mua gạo, mua sách vở, quần áo cho chị em chúng tôi chuẩn bị năm học mới. Đến mùa xoài chín rộ, tiêu thụ tại chỗ rất khó vì nhà ai cũng có vài cây. Mẹ tính chuyện mang xoài ra thị xã bán. Ngày đó từ huyện lỵ ra thị xã một ngày có mỗi chuyến xe đầu tải đít ca chở khách. Con đường gồ ghề dài hơn 40 km đầy cua gấp và ổ gà, ổ voi, nhưng có đường để đi đã là may mắn lắm rồi.

Cách trang trí đĩa trái cây giúp nàng dâu ghi điểm với mẹ chồng |  Sapakitchen

Những trái xoài đã được hái xuống, xếp thành đống lớn ở góc nhà, nhưng trời cứ mưa tầm tã. Mẹ tôi ruột gan nóng như lửa đốt, hết đi vào lại đi ra than thở

Số khó làm chẳng lên giàu
Giặt được cái váy thì mưa ngâu bảy ngày

Mẹ lo đống xoài chín quá nẫu, bán không ai mua. Mưa tầm tã ba ngày rồi cũng tạnh, nhưng tin xấu lại bay về, đoạn đường ra thị xã có chỗ bị sạt lở, cả tảng đá to rơi xuống chắn gần hết mặt đường, xe ô tô không thể đi qua. Mẹ tôi quyết định gánh xoài vượt hơn 40 km đèo dốc bằng đôi chân trần ra thị xã bán.

Hai mẹ con dậy từ sáng sớm nấu cơm, nắm mang đi. Gánh xoài nặng trĩu trên vai, con đường trước mặt dường như dài hơn. Mẹ luôn động viên tôi “Cố gắng lên con, cứ đi từng tí một, khi nào mệt thì nghỉ, cuối ngày thể nào cũng đến” Có lúc hai mẹ con tôi phải lội qua suối sâu đến gần thắt lưng, quần áo ướt hết, cả bao xoài cũng ướt, đi chừng một tiếng dưới cái nắng hè gay gắt quần áo nhanh chóng khô cong, và cũng ngay sau đó chiếc áo lại ướt đẫm mồ hôi.

Đi được khoảng gần nửa đường mẹ con tôi dừng lại một gốc cây to ven đường có bóng mát, mở cơm nắm ra ăn. Vai mẹ đã tấy đỏ và đôi bàn chân đã hơi nhưng nhức, ăn cơm xong, mẹ đi tìm quanh đó ít lá ngải cứu mọc hoang, rồi vò hơi nát ra bóp vai và chân cho hai mẹ con. Nằm nghỉ trưa một lát dưới gốc cây, tôi và mẹ dậy tiếp tục gồng gánh tiến về phía thị xã.

Trước mặt hai mẹ con tôi là dốc Cao Pha dài10km, quanh co hiểm trở với nhiều đoạn cua tay áo và nhiều chỗ sạt lở. Dốc Cao Pha là thử thách thực sự với hai mẹ con tôi. Gánh xoài đè nặng trên vai nghiến vào làn da đau xé, mắt hoa lên vì nắng nóng. Đôi chân chỉ trực khụy xuống, không muốn bước thêm một bước nào nữa. Lúc đó tôi chỉ muốn vứt gánh xoài ngay cho nhẹ nợ, nhưng nhìn thấy gánh xoài của mẹ còn nặng hơn mình, lại cố gắng…

10 Công dụng của Xoài, 3 tác hại và 3 đối tượng không nên ăn

Xẩm tối mẹ con tôi cũng tới được thị xã, mẹ tôi bán vội hai gánh xoài cho nhà mua buôn hoa quả đầu chợ, chẳng biết họ có ép giá hay không, nhưng mẹ hỏi mấy hàng thì họ đều mua cùng một giá đó. Cầm chút tiền lẻ trên tay mà mắt mẹ rớm lệ, số tiền nhỏ nhoi đó chẳng mua nổi một bộ quần áo mới cho tôi, chứ đừng mong toan tính thêm những việc khác.

Tìm lối thoát cho quả xoài, mẹ tôi đã không chịu bỏ cuộc, niềm tin ngây thơ, ý chí và cả sự bảo thủ của mẹ, liệu có đáng? Nhưng cuộc sống luôn là vậy, thành công hay thất bại không quan trọng bằng bài học nó để lại.

Mùa xoài năm ấy, mẹ ngước nhìn lên cây thở dài, rồi lẩm bẩm một mình”Xoài năm nay sai quá, mà chẳng đứa nào chịu hái xuống ăn, mấy hôm nữa rụng trẻ con nhặt được quả nào thì nhặt, còn đâu biếu lũ chim” Rồi mẹ đột ngột theo gió về trời, mấy cây xoài vườn nhà tôi buồn quên ra quả.

Cho dù cuộc sống có nhiều đổi thay, thì quả xoài quê tôi vẫn thế, năm được mùa mất giá, năm được giá mất mùa. Tháng sáu về xoài lại hiện diện trong từng gia đình với nhiều hình dáng, màu sắc, hương vị khác nhau, tùy vào sở thích mỗi người. Trẻ con trong bản vẫn luôn chờ đợi những trái muỗm, trái mắc trai ngọt lịm, miễn phí mà cây hào phóng trao tặng.

Năm nay xoài được mùa, lũ chim lại ríu rít tìm về đậu kín những cành xoài đợi quả chín. Ngoài vườn có tiếng lộp bộp…hình như xoài rụng.

Hay mưa nặng hạt rơi…

Mỹ Hạnh