Đời như không đời

Cuộc đời của Mùi thật đơn giản, nếu chỉ dùng hai từ để nói hẳn sẽ là “Yên Bình”. Mùi vẫn là Mùi, dù mười hay hai mươi tuổi, hồn nhiên giữa những vách ngăn của những giá trị truyền thống và tân thời.
Mùi bắt đầu làm thuê cho một gia đình khá giả ở Sài thành- ngôi nhà của một bà chủ tốt bụng, đảm đang và một mực yên phận với gã chồng bạc nhược. Người lớn tuổi nhất trong gia đình là bà nội, bao giờ cũng ngồi một mình trên căn gác và gõ mõ tụng kinh. Thêm nữa là ba cậu con trai của bà chủ. Trung con cả, xuất hiện đầy mờ nhạt nhưng hoàn toàn hợp lý, một con người không bao giờ bận tâm đến những thứ xung quanh. Lãm là đứa con thứ hai, lớn hơn tuổi Mùi chút xíu, một mình một cõi và những thú vui kì lạ như đốt nến cho sáp nến chảy xuống lũ kiến đang bò, rất thương mẹ và nhạy cảm. Cậu con trai út là Tín cũng là một cậu bé nhỏ nhất phim bị bạn bè bắt nạt và ở nhà lại thích bắt nạt, phá bĩnh Mùi.

Đấy là những con người thật nhỏ bé trong căn nhà lớn, mỗi người theo đuổi một thế giới riêng và đắm chìm vào đó, những cuộc đời tẻ nhạt đến độ tưởng như không phải là cuộc đời, thậm chí không có gì để kể.

Câu chuyện tình yêu

Buồn nhất hẳn là tình yêu của bà nội, bất kể làm gì bà cũng chỉ ở trên gác: ăn cơm, tụng kinh… Căn gác nhỏ nơi thờ ảnh của ông nội và cô cháu gái nhỏ đã mất. Bà nội có một người thương hết sức thầm lặng và cao cả, đó là ông già đã cho Mùi quả ổi và chỉ cần câu nói “bà nội vẫn khỏe” của Mùi là mỉm cười rời đi. Một thứ tình yêu đơn sơ, chân thành, bền lâu và đượm buồn.
Bà chủ cũng có một tình yêu buồn không kém. Dù đảm đang, tháo vát, là trụ cột gia đình, bà ấy vẫn chỉ là một người đàn bà độ lượng, bao dung và chịu đựng chồng, chăm lo cho chồng dù lão năm lần bảy lượt lấy hết tiền đi chơi và trở về cùng chiếc túi rỗng với cái thân tàn. Căn nhà một mình bà gánh vác mà không một lời than vãn. Nếu quả thật hôn nhân là duyên nợ, thì hẳn kiếp trước bà chủ đã phải nợ cuộc tình này của mình rất nhiều.

Mùi

Mùi lặng lẽ, an phận, chăm sóc Khuyến cùng gia đình anh kể từ khi cô chuyển đến làm người ở hay cả trước kia khi cô vô tình gặp anh ở nhà của bà chủ. Dù rung động, điều duy nhất Mùi có thể làm để thu hút tình yêu đầu tiên của mình từ khi mười tuổi đến khi hai mươi tuổi chỉ là mặc một chiếc áo thật đẹp. Mùi có một gương mặt đậm chất Á Đông và những nét tính cách điển hình của phụ nữ Việt Nam. Mùi chăm lo cho Khuyến từ những thứ nhỏ nhặt nhất, từng mâm cơm, chiếc giày hay chiếc khuy áo. Mùi thích anh từ năm mười tuổi, nhưng cô không nói, đến năm hai mươi cô vẫn thích anh và vẫn chọn cách im lặng, một phần vì lúc đó Khuyên đã có hôn phu, phần khác hẳn vì cô biết thân phận nhỏ bé của bản thân.

Hãy thử đặt mình trong vai của Mùi bộ quần áo đẹp nhất là được bà chủ tặng cho, thậm chí đôi giày tử tế cùng mãi sau khi sắp chuyển sang nhà Khuyến làm người ở mới được bà chủ tặng. Mùi hồn nhiên và dường như cô gái ấy chẳng có gì ngoài một trái tim hồn nhiên thuần khiết và chăm chỉ.

Vị hôn phu của Khuyến

Đó là một cô gái hiện đại kiểu chuẩn. Cô gái ấy cá tính và sống động, khi yêu là yêu hết mình, Mùi và cô gái áo xanh như hiện thân của hai nếp sống và giá trị đối lập. Khác Mùi, bạn gái của Khuyến vô cùng tự tin và lanh lợi, dù biết lễ giáo được dạy không bao giờ được chạm vào tóc chồng, cô ấy vẫn sờ tóc Khuyến chỉ đơn giản vì cô thích. Cô thích tiệc tùng, nhảy nhót, viết thư tay và tặng quà… Khi nhận thấy trong lòng Khuyến không còn mình nữa mà là Mùi, cô không ngại gào khóc, tát Mùi và đập phá đồ đạc trong nhà Khuyến. Một người con gái biết mình rất đau và bị thương tổn nên bằng mọi giá đẩy hết sự tủi hờn, ấm ức ấy ra ngoài, vẫn trả lại chiếc nhẫn không hề níu kéo, lau nước mắt và ra về dưới cơn mưa, quá khứ dù vui hay buồn cũng sẽ bị cơn mưa cuốn trôi đi, bị bỏ lại phía sau lưng. Cô không cần một người không yêu mình và tự tiếp tục cuộc sống của riêng bản thân.
Đó là năm 1960, thời đại không dành cho nữ quyền. Một người phụ nữ châu Á truyền thống không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm như thế, cô gái áo xanh lại tự do, phóng túng, thoải mái thể hiện cá tính riêng của mình bất chấp quy củ và khuôn phép. Một Mùi thơ thẩn, mộng mơ, hiền dịu dễ đốn trái tim của người xem lẫn nam nhân thời ấy nhưng nếu được hỏi thích ai hơn trong hai người yêu mới và cũ của Khuyến, có lẽ tôi sẽ chọn cô gái áo xanh- một con người tự do trong hành động và suy nghĩ, mang những tư duy đúng đắn, mạnh mẽ nhưng sống lệch thời đại.

Khuyến

Và giữa hai người con gái ấy, Khuyến đã chọn mùi. Anh chọn vẻ đẹp của sự tự nhiên và thuần túy, chọn cái lặng lẽ dịu dàng của một phụ nữ truyền thống, chọn tình yêu đơn sơ và âm thầm của Mùi. Đấy là những cái ở Mùi thật đep- cái đẹp vẹn tròn mà nếu không chú ý kỹ, không quan sát thấu anh sẽ dễ dàng bỏ qua như cách bấy lâu anh không bận tâm đến Mùi.
Nhiều người sẽ chê trách Khuyến là một gã bội bạc và trăng hoa nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, sự lựa chọn trong tình yêu của Khuyến cũng có một phần rất đáng chú ý. Vượt khỏi định kiến về vai vế, cấp bậc, khoảng cách giàu nghèo để chọn yêu Mùi và trân trọng cô. Đó là một tình yêu vượt lên nếp cũ của xã hội, có tiến bộ trong ý thức tôn trọng tình yêu cá nhân thay vì tuân theo tư tưởng “môn đăng hộ đối”.

Một cảnh phim rất được yêu thích chính là khi Khuyến dạy cho Mùi học bài. Muôn thuở, “tri thức là sức mạnh”, ở Khuyến tình cảm cho Mùi hơn hẳn chữ yêu, anh sẵn sàng dạy Mùi học chữ chính là cách gián tiếp trao cho Mùi tinh thần, phong thái của một phụ nữ quyền quý, có học thức. Anh chỉnh cho Mùi từng dáng ngồi thẳng, cách viết chữ chính là xóa bỏ hoàn toàn định kiến “con gái thì không được đến trường”. Một người phụ nữ có học sẽ không bao giờ bị coi thường, lấy sức mạnh và quyền lực của con chữ để lấp đi lỗ hổng của xuất thân và gia cảnh, như thế Mùi dễ dàng sống hơn và ít chịu những áp lực chèn ép của xã hội cũ với nhiều những tư tưởng vẫn còn lạc hậu, lỗi thời.

Cuối phim khi Mùi đọc văn, có đoạn :

“Những cây anh đào chìm trong bóng râm. Tỏa ra, thu lại, uốn lượn, cong queo theo nhịp nước. Nhưng điều lý thú nhất là dù đổi thay thế nào, cây vẫn vẹn nguyên là cây anh đào.”
Đào vẫn là đào nhưng Mùi có là Mùi. Năm Mùi mười tuổi đến năm Mùi hai mươi tuổi, Mùi vẫn là Mùi. Nhưng sau hai mươi là tuổi ba mươi, bốn mươi, năm mươi… không ai biết trước một ngày Mùi có như bà chủ, như bà nội- độc lập, sắc sảo, tốt bụng đến mấy cũng chỉ có thể cột chặt cuộc đời mình vào những người đàn ông. Khi bà nội mất, bà chủ đã lên ngồi trên cái gác đó tiếp tục gõ mõ, tụng kinh. Liệu khi bà chủ mất cũng lại có một căn gác khác cho Mùi ngồi đấy, một vòng lặp luẩn quẩn và không lối thoát.
Dẫu sao, chuyện tình của Mùi phần nào gửi gắm và truyền tải tinh thần lạc quan hơn cho quyền hạnh phúc tự do của nữ giới. Hãy vẫn tin rằng, đào vẫn là đào, Mùi vẫn là Mùi dù bao nhiêu năm!

Hết