Vào mùa gặt đường làng ngập đầy rơm. Mùi rơm thơm ngái tỏa lan trong không gian oi bức của nắng hè. Tôi yêu mùi thơm ấy, cái mùi của làng quê gợi cho lòng người những xúc cảm thân thương ắp đầy kỷ niệm.

Hồi còn nhỏ, tôi đã rất quen với rạ rơm. Những tháng ngày thơ bé ấy vẫn còn nguyên vẹn như hơi thở mát lành phả vào hồn tôi. Ngày mùa đâu đâu cũng thấy rơm. Những cọng rơm ban đầu còn duỗi thẳng và mang hình hài của những cây lúa. Cái nắng như nung đã làm những thân lúa kia khô đi nhanh chóng. Chúng cong queo, ngả dần sang màu vàng rồi tỏa lên mùi thơm đặc trưng ngai ngái của ruộng đồng. Chúng tôi đã vui chơi, đùa nghịch cùng rơm, lăn lộn trên rơm, rơm ôm ấp, che chở chúng cho chúng tôi.

Vào buổi chiều, lũ trẻ con cùng xóm lại rủ nhau ra chơi bên những đống rơm thu tạm bên vệ đường. Thực ra những trò chơi ấy chẳng mang một cái tên nào rõ ràng cả, chỉ là chạy nhảy, cười đùa mà thôi. Trẻ con thôn quê chỉ chờ những dịp như thế để kiếm chỗ chơi, thì rạ rơm mùa gặt cũng làm nên những điều mới lạ. Chúng tôi thường leo lên ngọn đống rơm, nhún nhảy, hay cuộn tròn lăn xuống va vào nhau rồi cười vang, hò hét đến khản cổ. Những đêm trăng sáng, chẳng phải rủ rê hay mời gọi, lũ trẻ con lại tụ tập ngoài đường làng tiếp tục những trò chơi với rơm.

Hướng dẫn cách xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ

Dưới ánh trăng những sợi rơm, những đống rơm trở nên huyễn hoặc ma quái càng gợi sự tò mò cho chúng tôi. Thế là trò trốn tìm trở thành trò chơi chủ đạo và làm cho chúng tôi thích thú. Có đứa trốn trong đống rơm rồi ngủ quên luôn ở đó, làm cho người lớn được phen hết hồn. Những tháng ngày thơ dại ấy chúng tôi đã ở cùng với rơm như những điều thân thiết. Rơm đã bao bọc tuổi thơ chúng tôi bằng sự êm ái, mùi rơm mang hương quê và đượm nồng vị đất.

Khi những mẻ rơm đã gom đầy những hạt nắng lặn vào thân mình,thì bố mẹ lại dựng cây rơm. Bố chọn chỗ đất cao nhất trong vườn để chuẩn bị cho công việc này. Phần tiếp giáp đất được kê lót những thanh gỗ hoặc gạch đá để khi mưa nước không làm rơm mục. Trụ cây rơm là một thân tre đực khỏe khoắn được chôn sâu chắc chắn. Mẹ gom rơm đưa cho bố. Bố dùng chân lèn rơm thật đều và chặt quanh trụ tre. Cứ thế rơm được chất lên cao dần, cao gần bằng mái nhà. Quanh cây rơm chỗ bố mẹ làm, đàn gà lao nhao nhặt tìm những hạt lúa sót vương vãi trên nền đất. Cây rơm dựng lên làm cho khu vườn trở nên khác lạ. Con mèo khoang chạy theo tôi, cọ mình vào chân tôi, nghiêng đầu kêu meo meo. Chú chó vàng cũng lấy làm lạ chạy quanh hít hít rồi kêu ư ử. Khi cây rơm hoàn thành, bố phủ lên nóc cây rơm một lượt rạ, cũng có khi là những tàu cọ, mục đích là để tránh mưa. Bố vẫn đùa là đội nón cho cây rơm, tôi lấy làm thích thú lắm. Mẹ thương con bò đã vất vả cùng người làm nên hạt thóc, nên mẹ cũng quý rơm như những hạt thóc của mình. Công đoạn này mẹ thường nhắc bố phải làm thật cẩn thận. Bố không nói gì, chỉ cười rồi lại tỉ mẩn làm lại lần nữa.

Có những năm vừa gặt xong, trời đã mưa, mưa làm cho thóc nảy mầm, rơm thối mục. Mùi rơm bốc lên khai nồng như một lời gắt gỏng. Những khi ấy mẹ thường rất buồn, vẻ mặt mẹ u ám như bầu trời mùa đông. Nắng hửng lên, gương mặt mẹ như rạng rỡ lên cùng nắng. Mẹ ào ra tãi rơm khắp ngõ, khắp vườn, rơm phủ lên cả hàng rào một màu vàng úa. Những mẻ rơm như thế rồi cũng khô, tuy không vàng thơm như ý nhưng cũng làm tan đi vẻ u buồn và lo lắng của mẹ.
Tôi thì hay ngắm cây rơm và thích thú theo cách riêng của mình. Tôi nghĩ bố đang là một người nghệ sỹ kiến tạo nên một tác phẩm của làng quê. Một tác phẩm như thế, chỉ có thể là bố và những người nông dân mới làm được, họ gửi vào đó cái hồn rất riêng, mà những người sinh ra từ làng không thể nào không nhớ!

Ở quê, ngoài củi thì rơm rạ cũng là chất đốt quen thuộc trong nhà bếp. Cơm nấu bằng rơm cũng thơm dẻo kém gì nấu bằng củi đâu. Nhất là khói bếp mang mùi rạ rơm thì thật là đặc biệt. Cái mùi làm cho người xa quê nhớ đến nao lòng khi một buổi nào thấy khói lam tỏa lên từ nóc bếp nhà ai. Sẽ hiện lên dáng mẹ ngồi bên bếp lửa, tay quệt mồ hôi. Sẽ hiện lên nồi cá giếc kho dưa cải mang vị ngon đã ngấm sâu ở trong hồn mình. Sẽ thấy gắp cá rô vàng thơm mẹ nướng, đặt bên một góc kiềng…

Mùa đông, bà thường bện cho chú chó nhà tôi một cái ổ xinh xinh. Cái ổ làm chú chó đôi khi lười nhác nằm trong ổ ngửa cổ lên sủa gâu gâu mỗi khi có khách lạ. Tôi cũng thường thấy mẹ lấy những quả trứng hồng từ ổ gà bằng rơm vàng óng. Và ai còn nhớ những chiếc chổi rơm không? Những chiếc chổi rơm quen thuộc cũng là một hình ảnh gần gũi, gợi nên nỗi nhớ, niềm yêu mỗi khi ai đó nhớ về quê nhà.

Có lần đi qua cánh đồng ở ven thành phố, thấy khói bay vờn khắp đồng, dừng lại hỏi mới biết người ta đang đốt rơm. Đang thời đại công nghiệp, máy cày, máy bừa đã thay cho trâu bò, bếp ga đã thay cho bếp củi, rạ rơm khói bay toét mắt. Thế thì rạ rơm đâu còn chỗ đứng nữa. Quê tôi thì vẫn còn nuôi trâu bò, thế nên mẹ và những người nông dân vẫn rất quý rơm. Làng quê vào mùa gặt, rơm vẫn ngập đường đi. Vẫn thoảng lên mùi thơm quen thuộc, mùi rơm thơm trộn lẫn mùi bùn đất, mùi mồ hôi, mùi nắng, và hình như trộn vào cả nỗi buồn vui của những người dân quê.