Dường như tôi đã đánh mất mùi Tết từ những năm rời bỏ thôn quê để về thành thị.
Thật khó diễn tả bằng lời rằng cái “mùi Tết” ấy là mùi gì, chỉ có người nhà quê mới ngửi được, khi trên bàn thờ trưng bánh trái, hoa quả chuẩn bị cho chiều 30 cúng ông bà. Mùi Tết là một thứ mùi khác với mùi hương mà trong năm chỉ ba ngày Tết ở nhà quê mới có. Dù sống ở đâu, những ngày giáp Tết, những lo toan, phiền muộn cũng tạm gác một bên, chờ ra giêng rồi hãy tính, lo ăn Tết cái đã!
Tôi xa quê đã lâu, nhưng dù ở bất cứ nơi đâu và cho dù đời sống có khó khăn thế nào, vẫn phải ăn Tết trong những điều kiện mà mình có được, vì dẫu sao, mỗi năm chỉ có… một lần Tết!
Tết nông thôn vui hơn thành thị, chỉ việc 30 Tết nghe tiếng eng éc của heo là nhớ nồi thịt kho măng cuốn bánh tráng, nghe tiếng quang quác của gà là biết thực đơn. Và, trước sân nồi bánh tét sôi sùng sục ngun ngút khói, những hình ảnh ấy nông thôn mới có mỗi năm một lần. Nhìn nông thôn vào Tết như khoác lên mình bộ áo mới, ngoài vườn cây cỏ đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi, trong nhà lư đồng, nồi niêu xoong chảo, chén bát, ly tách, cửa nhà… sáng choang. Và, hình như Tết làm cho con người ta rộng rãi hơn, yêu thương hơn, và từ bi hơn!
Sài Gòn cách quê tôi non hai trăm cây số, một tỉnh cuối Trung đầu Nam, nhưng với thời buổi “tốc độ” và phương tiện hiện đại như hiện nay thì hai trăm cây số ấy chẳng “nhằm nhò” gì cả. Ấy vậy mà bao nhiêu năm rồi tôi lại không về được để ăn Tết chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Trong tâm thức mỗi người, cho dù ai có sang giàu đến đâu, nhưng ăn Tết trên mảnh đất quê hương thứ hai thì cũng thấy bớt đi thi vị của ngày Tết, không như ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên, đầy ắp những kỷ niệm của những ngày đầu trên, xóm dưới, nhà nhà, người chộn rộn chuẩn bị ăn Tết.
Tôi ăn Tết ở Sài Gòn mấy chục năm qua tuy không đến nỗi nào, nhưng nói thật với lòng mình rằng vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì ấy… Vật chất, tình cảm, tinh thần? Không. Không thiếu. Chỉ thiếu… mùi Tết mà ở bất cứ nhà quê nào cũng ngửi được cái mùi Tết ấy.
Tôi là một đứa bé con nhà nghèo: “… Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết! Để được ăn cơm no có thịt. Một bữa một ngày…” (Thơ Phùng Quán). Trong tôi, Tết, nhiều khi chỉ để được mặc quần áo mới, được ăn ngon, ăn no hơn ngày thường. Năm ba ngày Tết, dù giàu hay nghèo cũng phải ráng có hoa quả đơm trên bàn thờ tổ tiên, sắm một mâm cơm cúng chiều ba mươi Tết. Ngày ấy… tôi quanh quẩn bên mâm cúng, nhìn những cây nhang, mong chúng mau tàn (thường thì nhang tàn, coi như tổ tiên ông bà đã xơi xong) nhìn con gà, miếng thịt mà thèm chảy nước miếng, đợi người lớn nói “xong rồi, dọn xuống” là như mở cờ trong bụng “ăn một bữa có thịt”, và những ngày sau đó lại trông mau hết Tết để… được ăn những đồ cúng trên bàn thờ!